Nghỉ hoạt động, giá điện vẫn như cũ
Trải dài trên quốc lộ 30, từ cầu vượt cao tốc đến UBND xã Tân Thanh, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang là hàng chục vựa trái cây. Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch Covid-19, thời điểm xe container ùn ứ ở các cửa khẩu giáp với Trung Quốc, hơn 60% vựa trái cây đã đóng cửa. Tuy nhiên, theo lời ông Dương Văn Long (người dân địa phương): “Vựa trái cây đóng cửa hoàn toàn nhưng hàng tháng HTX tiêu thụ điện xã Tân Thanh vẫn gửi hóa đơn tiền điện. Trước dịch Covid-19, tiền điện mỗi tháng 6 triệu đồng; trong dịch cũng 6 triệu đồng/tháng. Hàng trăm hộ dân đã làm đơn để ra khỏi HTX và xin sử dụng điện của Điện lực Cái Bè”.
Tương tự, ông Lê Văn Hùng, ngụ ấp 1, xã Tân Thanh, đã rời nhà về quê sống với gia đình, nhưng tháng 7, 8-2021 vẫn nhận hóa đơn tiền điện với số tiền hơn 700.000 đồng.
Theo nhiều hộ dân, sự mập mờ ghi chỉ số điện không phải chỉ từ lúc dịch giã diễn ra mà đã manh nha từ mấy năm nay. Ông Đặng Công Ngọc Quyến, ngụ tổ 1, ấp 3, xã Tân Hưng, cho biết: “Nhà người bạn ở sát vách với tôi được sử dụng điện của Điện lực Cái Bè. Vẫn ngần ấy thiết bị, nhưng mỗi tháng chỉ khoảng 150kW. Trong khi nhà tôi sử dụng điện của HTX thì tháng nào chỉ số cũng trên 300kW. Tôi phản ánh thì tháng sau có giảm vài chục kW”.
Cần giải quyết thấu tình đạt lý
Tính đến tháng 3-2022, UBND xã Tân Thanh đã tổ chức hơn 10 cuộc họp với sự có mặt của các bên liên quan để giải quyết các bức xúc của người dân, nhưng kết quả không như mong muốn, người dân vẫn chưa đồng thuận. Trước đó, vào ngày 6-12-2021, Quyền Giám đốc Sở Công thương tỉnh Tiền Giang Đặng Văn Tuấn ký văn bản 2887/SCT-TTr, nội dung đề nghị người dân hợp tác tốt với HTX trong việc ghi chỉ số điện kế, hóa đơn tiền điện, thu tiền điện và đồng hồ điện; HTX cần chấn chỉnh cách thức vận hành, quản lý không hợp lý…
Về vấn đề này, ông Đỗ Trọng Thu, Chủ tịch UBND xã Tân Thanh, cho biết: “Năm 2005, HTX tiêu thụ điện xã Tân Thanh được UBND tỉnh Tiền Giang cấp giấy phép hoạt động điện lực ở lĩnh vực bán lẻ điện trên địa bàn xã Tân Thanh và trên lưới điện hiện hữu do HTX đang quản lý, vận hành ở các xã Tân Hưng, An Hữu, An Thái Trung… trải dài trên quốc lộ 30. Cách đây vài năm, xã Tân Hưng xây dựng Nông thôn mới, trong đó có tiêu chí sử dụng lưới điện quốc gia. Do đó, Điện lực Cái Bè đã lắp đặt hạ thế và mạng lưới điện. Chính vì vậy, trên địa bàn có hộ xài điện của Điện lực Cái Bè, có hộ sử dụng điện của HTX. Người dân có quyền lựa chọn sử dụng điện của HTX hay Điện lực Cái Bè. Muốn vậy, theo quy trình, người dân phải thanh toán tiền điện và làm đơn thanh lý hợp đồng với HTX. Việc để người dân nợ tiền điện quá lâu và quá nhiều, rõ ràng là lỗi của HTX”.
Để giải quyết vấn đề, UBND xã Tân Thanh đã có văn bản gửi Điện lực Cái Bè đề nghị tháo gỡ khó khăn cho các hộ dân. Đợt đầu tiên có 21 hộ dân được đề xuất trong danh sách khảo sát. Đầu tháng 3-2022, Điện lực Cái Bè đã có công văn trả lời về vụ việc trên. Tuy nhiên, chỉ có 8/21 hộ đủ điều kiện về mặt kỹ thuật để kết lưới hệ thống đo đếm mua bán điện. Các hộ còn lại nằm trong khu vực không có lưới điện hạ áp hiện hữu của Điện lực Cái Bè. Các hộ dân tiếp tục không đồng ý.
Ông Phạm Hữu Tài, ngụ ấp 4, xã Tân Thanh, bức xúc: “Tôi không hiểu tại sao hơn 200 hộ dân làm đơn xin thanh lý hợp đồng, nhưng chỉ có 21 hộ được chọn?”.
Không chỉ người dân bức xúc mà chính quyền địa phương cũng bối rối. Chủ tịch UBND xã Tân Thanh Đỗ Trọng Thu thông tin: “21 hộ được khảo sát là các hộ nợ tiền HTX nhiều nhất. Danh sách này do HTX đề xuất. Theo quy trình, các hộ có điều kiện sử dụng điện của Điện lực Cái Bè phải thanh lý hợp đồng và thanh toán tiền điện cho HTX, rồi sau đó nộp đơn với Điện lực Cái Bè!”.
Thiết nghĩ, đối với sự bức xúc và xin không sử dụng điện HTX của hàng trăm hộ dân, ngành chức năng cần sớm rà soát, giải quyết dứt điểm, thấu tình đạt lý.