Chiều tím vùng biên. Những mảnh cao su tơi tả hiện dần ra dưới những bàn tay đang đào bới thận trọng. “Sáu! Sáu Bé đây rồi!”. Mấy anh chị trong đoàn cựu Thanh niên xung phong (TNXP) tuyến đường 1C ôm chặt nhau, nước mắt ràn rụa. Tấm cao su quấn không hết bộ hài cốt được đưa lên mặt đất. Nâng niu từng đốt xương đồng đội cũ, mọi người lại bật khóc. Bữa cơm cúng đơn sơ được dọn ra ngay tại chỗ.
“Hơn 30 năm Sáu nằm ngoài này nhịn đói nhịn khát, hôm nay về đây có chị có em rồi Sáu ơi…”. Sổ nhật ký của chị Tô Thị Tuyết Thu ghi đó là ngày 10-6-2002 tại Hòn Đất (Kiên Giang). Hôm sau tìm thêm được 3 bộ hài cốt nữa.
“Năm 1971, trong một lần vận chuyển hàng, ta bị địch tập kích. Anh Cường hy sinh tại chỗ. Tiểu đội trưởng Hồng Láng (vừa được phong tặng Anh hùng LLVTND) bị thương nặng, bị bắt, địch liệng lên xe cút kít chở hàng của ta đẩy đi. Biết không qua khỏi chị tự đập đầu vào tường...”.
Đêm đó, tại nhà riêng chị Tuyết Thu ở Cần Thơ, ngoài cây nhang trên bàn thờ cho người chồng, còn cháy rực thêm 4 nén nhang cùng 4 lon bia trước hài cốt đồng đội. Gió về hiu hiu, se lạnh, khói nhang chơi vơi lan tỏa. Đêm sao thật dài.
Ngày 2-8-1997, khởi đầu hành trình kiếm tìm đồng đội của chị Tuyết Thu. Với sự giúp đỡ của Sư đoàn 4, Đài PT-TH và Tỉnh Đoàn Kiên Giang, các chị đã tìm được nơi chôn các liệt sĩ, đưa các anh chị về yên nghỉ bên nhau, trong nghĩa trang. Không ai phân công, kinh phí chủ yếu tự túc, nhưng bước chân của người đàn bà này hình như không mệt mỏi. Từ tấm lòng của chị, nhiều bạn bè xưa cùng sát cánh trả nghĩa đồng đội.
Khi các cựu TNXP tìm được 81 hài cốt, tháng 10-2004, tỉnh Kiên Giang quyết định thành lập Ban chỉ đạo tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ TNXP, chị Tuyết Thu được mời làm thành viên. Hơn 10 năm ròng, các anh chị (cùng nhân dân và ban ngành) đã tìm được 189 hài cốt liệt sĩ nằm rải rác dọc tuyến đường 1C huyền thoại. “Trong số đó, chỉ có 42 bộ hài cốt xác định được danh tánh, quê quán. Tan biến, rã hòa cùng đất hết rồi. Đất rừng ẩm thấp, chết lại quá trẻ nên xương cốt phân hủy nhanh lắm, có khi còn bị thú rừng moi bung ra khỏi bọc…”, chị Thu ngậm ngùi.
Hà Tiên xanh rì một dải. Ba Hòn, Vĩnh Điều, Vĩnh Gia, Giang Thành, Đồng Cừ, Cái Sắn… còn đó; Gộc Xây, Bảy Núi, Cô Tô, Mo So, Tức Dụp, bờ đìa Ô Môi, tràm Ba Đương, kênh Tám Ngàn… còn đây; nhưng “Ánh cây bóng cỏ bạn giờ nằm đâu?
Rừng hoang rờn rợn một màu
Cây nằm cây đứng đan nhau rối bời”
(Tô Hoàn).
Đi hoài đi mãi… nơi đâu bạn nằm? Câu hỏi đó cứ xoáy hoài vào lòng chị Thu cùng những cựu TNXP Lê Thị Mảnh (Út Mảnh), Nguyễn Thanh Hồng, Chín Tần, Tám Giảng, Năm Đoàn… đang bước thấp bước cao tìm kiếm đồng đội. Rừng tràm, sậy, đưng hun hút thuở trước nay đã là màu xanh bát ngát của ruộng, vườn, ao cá...
Nếu gặp áo nhấn ben, nút bóp, kẹp tóc bồ câu thì người nằm đó ắt hẳn là nữ, hên thì tìm được nhẫn hoặc dòng chữ thêu trên vải ni lông dầu… Cứ nhìn thấy vật dụng ngày xưa lại òa khóc, nhớ bạn nhiều lắm. Lòng dân sâu thẳm. Có cụ già trước khi mất còn dặn dò cháu con nhớ chăm sóc nấm mồ liệt sĩ để sau này “anh em về biết nơi mà rước”.
Có lần thật lạ, xác định được địa điểm nhưng đào hoài vẫn không thấy. Hàng trăm cây nhang lập tức được cắm khắp khu đất, “Vong hồn các đồng chí có anh linh hãy chỉ cho chúng tôi biết chỗ, đưa về đoàn tụ với gia đình, đồng đội”. Tàn của cây nhang cắm ngay gốc cây bàng cong gập. Tay cào xẻng hất, dưới lớp đất sâu là tấm cao su cuộn nguyên một bộ hài cốt! Linh cảm hay tâm linh? Không ai cắt nghĩa được nhưng đã rõ một điều: bạn mình còn lại là đây.
“Như báu vật, dù chỉ còn một nắm xương tàn. Thân nhân cứ ôm chúng tôi khóc nấc”… Và nhật ký tìm kiếm đồng đội của chị Thu cứ dài thêm mãi. Ngày 23-12-2004, tại xã Bình Sơn, tìm gặp 20 hài cốt. Ngày 17-1-2005 tại xã Vĩnh Điều: 10 hài cốt. Ngày 1-6-2005, tại xã Vĩnh Phú: 57 hài cốt. Ngày 29-3-2008 cũng tại Vĩnh Phú tìm thêm được 12 hài cốt…
***
“TNXP miền Tây Nam bộ đã nối con đường Trường Sơn mang tên Bác xuống tận miền Tây Nam Tổ quốc, đã sống và chiến đấu như những người anh hùng, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng và nhân dân…” (Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết chia sẻ với những người thực hiện cuốn sách “1C - Con đường huyền thoại” - 27-9-2007).
Tuyến đường 1C ra đời năm 1967, giai đoạn khốc liệt nhất của cuộc chiến, “chiến tranh cục bộ”, nhằm vận chuyển vũ khí từ miền Bắc chi viện theo đường Hồ Chí Minh trên bộ - lúc này đã vươn đến miền Đông Nam bộ - thông suốt tới tận chót mũi Cà Mau. Toàn tuyến dài hàng trăm km, phải vòng qua đất bạn, xuyên qua vùng rừng tràm Vĩnh Tế - Hà Tiên - Ba Hòn - Bảy Núi về tận Cái Sắn, Ba Đình... Đây là con đường độc đạo, không dân cư, đồng hoang rừng vắng…
Hơn 80% TNXP tuyến đường 1C là nữ có độ tuổi trung bình 15 - 16, chủ yếu gốc gác đồng bằng, chưa quen khắc nghiệt rừng núi, mùa mưa lầy lội, muỗi, đỉa, vắt; uống nước đìa trâu, ăn lá cả tuần rồi sốt rét rừng, rụng tóc... “Không có lác (hắc lào) không phải TNXP”, nhà thơ Lê Chí từng lăn lộn trên tuyến đường này hồi tưởng. Mới hơn 13 tuổi mà cũng lầm lũi gùi hàng nặng đến 2/3 trọng lượng cơ thể; cũng chống xuồng chở hàng trăm ký đạn. “Còn trẻ nít nên hồi đầu vừa đi vừa ngủ gật, lạc hoài à. Con gái có mái tóc làm duyên nhưng bệnh quá phải cạo trọc, vừa cạo vừa khóc ròng”.
Trên mười sáu ngàn cây số vuông trọng điểm biến thành chảo lửa. Có tháng chúng đổ quân đánh trọn cả 30 ngày. Có ngày hứng chịu bom pháo hàng chục lần. Xuồng chỉ cần “ló mũi” khỏi mặt nước là bom, cây lá rung rinh, đường đi thấp thoáng thành vệt là pháo chụp, pháo bầy rồi Napan, chất khai hoang trụi lá, chất độc da cam…
Kênh Vĩnh Tế nối với đất bạn chỉ rộng hơn 20 - 30m nhiều khi hàng chục ngày ta không qua được, trở thành “Con sông vĩnh biệt”; 132 ngày đêm mịt mù khói lửa tại hang Hòn Đất: biệt kích trên đỉnh, tàu chặn dưới sông, dưới chân là xe tăng, lính sư 21 dồn đặc… Sắt thép tan ra nhưng con người vẫn đi qua được. Ngày nào chúng cũng đánh nhưng đêm nào ta cũng đi. Mạch máu 1C không thể bị đứt. “Mậu Thân 68 có đêm hơn 70 chiếc xuồng nối đuôi nhau dưới pháo sáng kẻ thù…”. TNXP 1C vẫn như những con rồng trườn trên sóng nước, vạch, đạp lửa mà đi mỗi ngày, mỗi tháng, ròng rã đến tận ngày toàn thắng.
Hàng chục ngàn tấn vũ khí đạn dược, hàng vạn lượt bộ đội, cán bộ vẫn xuôi ngược trên tuyến đường… Đổi lại, 1C máu tràn nhuộm đỏ: 399/800 TNXP mãi mãi nằm xuống, khi còn môi đỏ tóc xanh. Sống chết trong gang tấc. Mới cùng ca hát chung, chải tóc cho nhau ngoảnh lại đã phải ngậm ngùi vuốt mắt cho nhau. Hài cốt xếp lớp. Liệt sĩ nằm chung một mộ. Mùa mưa tử thi phải gài (tràm) xuống nước. “Có người chết hai ba lần. Anh em vừa đưa xác lên xuồng giấu trong bụi thì máy bay địch lại lao tới… tung lên hết anh à”. Có tổ lọt vòng phục kích cho nổ tung xuồng, thân xác hòa phù sa. Đã hy sinh rồi hai tay vẫn ôm cứng gùi hàng. Chị Thu cùng bạn bè đã chôn nhiều đồng đội, ở mé rừng, trên đồi cao, bờ đìa, ven kênh rạch… Khốc liệt quá ít ai được phần mộ đúng nghĩa. Có ngôi mộ được đánh dấu khắc tên, có người chỉ kịp lấp vội hoặc đặt bạn lên tảng đá để từng người đi qua chào lần cuối...
Chỉ một ngày trên tuyến đường 1C, đã trở thành anh hùng rồi. TNXP đường 1C trụ vững hàng ngàn ngày đêm, họ xứng đáng ngàn lần anh hùng, một nhà báo từng có mặt tại đây bồi hồi khẳng định.
***
Ngôi nhà cấp 4 đơn sơ, nằm sâu trong con hẻm đường Nguyễn Việt Dũng (Bình Thủy - Cần Thơ). Bàn thờ giữa nhà chỉ là một tấm kính trắng trên phủ miếng ni lông màu hồng. Hình một người trai trẻ, thư sinh, trắng trẻo. “Chồng tôi đó, hy sinh mới 22 - 23 tuổi. Hình chụp trước những mấy năm…”. Nguyễn Trung Kiên, khi cha mất còn trong bụng mẹ (mới 4 tháng tuổi) nay đã trở thành sĩ quan quân đội. Ở vậy tần tảo nuôi con giờ niềm vui của chị là hai đứa cháu nội. “Thằng đầu học mẫu giáo mà đọc báo làu làu, điện thoại di động chỉ cần nói một lần là nhắc lại không sai một số. Khi sanh nó tôi đâu có nhà, ở tận Vĩnh Tế lận”.
Người phụ nữ thấp đậm có nước da sậm màu quê tận chót mũi Cà Mau này trốn nhà đi TNXP khi mới 13 tuổi (năm 1967), chỉ 3 năm sau đã giơ tay thề trước cờ Đảng. Khói bom phủ trùm thời xuân sắc. Năm 1993, chị nghỉ hưu sớm với quân hàm đại úy, hiện vẫn miệt mài trên cương vị Phó Chủ tịch Hội Cựu TNXP TP. Cần Thơ. “Tháng 5-1997, khi về Kiên Giang dự lễ khánh thành tượng đài TNXP đường 1C tôi mới biết đồng đội vẫn còn nằm lại chiến trường xưa nhiều lắm. Lúc hy sinh có anh chị không một hạt cơm trong bụng, áo quần tơi tả… Xót xa quá, yên lòng sao được”. Mình còn sống là phúc phần lớn rồi.
Quá khứ cứ len lỏi, xoáy vào tâm tư khiến người sống thêm nôn nao, trống vắng. Phải tìm, phải gặp cho được những Đẹp, Nguyên, Phú, Láng, Phiên, Bê… lý lắc hồn nhiên ngày nào. Ước nguyện quay quắt của chị là khói nhang “có tên có tuổi” quấn quýt ngay tại căn nhà họ đã ra đi hay những đốt xương ướt nhòa nước mắt được rước về yên nghỉ bên nhau. Giữa thời kim tiền lên ngôi, người ta bon chen nơi phố thị, thì chị lại lặng lẽ “ngược sáng”, quay lưng lại ánh đèn và cảnh an nhàn thành phố, bươn bả hướng về rừng xưa, vạch lá kiếm tìm đồng đội.
Một xấp hình ngả vàng được chị Thu trải lên bàn. Chỉ vào một tấm hình có khoảng 20 thanh thiếu niên bận bà ba, các chị nhắc tên từng người, “Anh này ở Kiên Giang phải không Út… Gần nửa đã hy sinh rồi”. Người phụ nữ từng gan góc chụp DKZ “thổi” tung xe tăng, từng bình thản vượt biển, lách qua hàng đoàn tàu địch giữa ban ngày chở trót lọt 3.500kg đạn chỉ với cây AK bên cạnh giờ chốc chốc lại nhìn ra xa, im lặng, đỏ hoe đôi mắt... Nắng chói tháng 5 sao trời trở lạnh?
Đạo diễn điện ảnh Hồ Ngọc Xum khi nhắc đến tên chị vụt hào hứng: “Tôi đã gặp và về nhà chị. Đó là mẫu người phụ nữ Nam bộ bình dị nhưng điển hình, sống đôn hậu, thủy chung, trọn nghĩa vẹn tình. Thời chiến thì gan góc, “máu lửa”, thời bình vẫn lặng thầm hy sinh, chịu đựng. Hơn 10 năm đằng đẵng âm thầm lặn lội kiếm tìm đồng đội, thật đáng trân trọng. Nghe nói đã đề nghị phong Anh hùng cho chị nhưng sao đến nay vẫn chưa được? “Trời xanh quen thói…”, bình thường chị chị em em, đến khi biết chuyện (phong Anh hùng) mới sanh lòng tà. Đã có kết luận rõ ràng rồi mà?”. Chị Thu chỉ cười: Ở đời khó nhất chữ Tình. Trọn được chữ đó thì thanh thản lòng. Ngày trước gian khó, sống chết cận kề lại hết mình vì nhau, nay ai đó lợt phai rồi thì phải?
Có ông dám bỏ bạc triệu mua chai rượu nhậu chơi phải không anh? Ủa, sao chị quan tâm chuyện đó. Đã mấy năm nay tôi mua vé số. Mong trúng bộn bộn để có tiền xây đền thờ. Xây gì chị? Đền thờ, thờ những liệt sĩ không còn xương cốt! Có đợt tìm được mộ tập thể nhưng chỉ hai người được vào nghĩa trang vì họ còn đủ xương cốt. Đi đâu về đâu? Xương tàn liệt sĩ lại vô định hoài? Tụi tui phải gom xương vụn rồi chia thành 10 gói gởi nhờ ở ruộng của chú Hứa Thành Tấn, cán bộ Đoàn 195 ngày trước (xã Vĩnh Phú – Kiên Lương) để hương khói hàng ngày; bạn đỡ tủi phận mình an ủi lòng.
3 cuốn sổ “xương máu”, sổ hưu 3.117.000 đồng, sổ liệt sĩ 649.000, sổ thương binh (loại 4/4) 380.000; tổng cộng 4.146.000 đồng/tháng là nguồn sống chính nhưng cứ lãnh tiền chị lại khăn gói ra đi. Quanh hai bờ Vĩnh Tế, rừng Gộc Xây, Kinh Bèo, Đồng Cừ… đều còn hài cốt liệt sĩ. D67 Đặc công thủy bộ đưa vào hy sinh hơn nửa sát nơi tôi đóng. Đã thề sống chết có nhau nay bạn tôi còn nằm trơ trọi đâu đó nơi rừng sâu núi thẳm; vận động xây nhà tình nghĩa tình thương, thăm hỏi tặng quà nhưng chẳng được là bao. Đồng đội tôi có người đang phải run rẩy rướn mình chèo đò mưu sinh, chạy xe ôm, làm thuê ở mướn hoặc nuốt ngược nước mắt ôm những đứa con hình hài dị dạng bởi chất độc da cam… Buồn. Lực bất tòng tâm. Chỉ mong ông trời thương cho mình còn sức để đi.
30 năm chiến tranh ròng rã trên dải đất hình chữ S, nỗi đau hậu chiến còn dai dẳng lắm.
“Xóm tôi vẻn vẹn mười sáu ngôi nhà
Có mười sáu người đàn bà
Sau chiến tranh chồng không về nữa
Có mười sáu ngọn gió ngọn mưa đêm đêm đi gõ cửa”
(Nguyễn Trọng Tín).
Sẽ không có ai bị lãng quên, đó là đạo lý dân tộc Việt. Đất phương Nam tận cùng Tổ quốc có dấu chân sấp ngửa của chị, người đàn bà hay đi ngược sáng.
VŨ THỐNG NHẤT