Lưu luyến không rời?
Đoàn người tràn vào quảng trường Trafalgar và tập trung trước Văn phòng Thủ tướng Anh Theresa May, trước khi tụ tập bên ngoài tòa nhà Quốc hội. Sự kiện diễn ra ngay trước thời điểm Hạ viện Anh tiến hành bỏ phiếu thông qua Dự luật Hủy bỏ rút khỏi châu Âu vào ngày hôm nay, 11-9.
Dự luật này nhằm hủy bỏ Đạo luật năm 1972 về các Cộng đồng của châu Âu (bộ luật giữ vai trò nền móng đối với tư cách thành viên EU của Anh) vào ngày nước Anh rời khối, đồng thời giúp tạo lập khung luật lệ mới cho nước Anh trong việc thay thế luật của EU bằng luật của Anh.
Theo đó, dự luật sẽ trao quyền lực mới cho các bộ trưởng (với sự thông qua của quốc hội) trong việc tạo các thể chế mới, khi chuyển từ luật của EU sang luật của Anh. Các bộ trưởng cũng được quyền sử dụng điều khoản “Henry VIII powers” trong quá trình thay thế luật của EU trong vòng hai năm, nhằm giúp cho sự thay đổi này diễn ra suôn sẻ.
Dự luật này là trọng tâm trong kế hoạch của chính phủ Anh nhằm đưa London rời khỏi EU vào năm 2019, tạo cơ chế cho việc chấm dứt thẩm quyền của luật EU đối với Anh sau Brexit. Dự luật sẽ chính thức chấm dứt tư cách thành viên EU của Anh, đồng thời đưa tất cả khoảng 12.000 đạo luật và quy định hiện hành của EU ra khỏi các bộ luật của nước Anh và chỉ tồn tại trong các bộ sách giáo khoa về luật của Anh.
Chính phủ của Thủ tướng May được kỳ vọng sẽ giành thắng lợi trong cuộc bỏ phiếu này, song phải đối mặt với sự phản đối kịch liệt từ phía các thành viên ủng hộ châu Âu trong đảng Bảo thủ. Và cả những áp lực từ phe ủng hộ Brexit với yêu cầu chính phủ cần phải đảm bảo một kế hoạch rõ ràng khi Anh rời khỏi EU vào tháng 3-2019.
Giới phân tích cho rằng điểm có thể gây xung đột về quan điểm với các đảng đối lập là Dự luật hủy bỏ có một điều khoản đề cập rằng Hiến chương EU về các quyền cơ bản sẽ không được đưa vào luật của Anh vào ngày Brexit.
Trước đó, Công đảng đã lên tiếng sẽ bỏ phiếu chống đối với Dự luật hủy bỏ, nếu chính phủ không đưa ra được những thay đổi căn bản. Dự luật cũng sẽ phải đối mặt với sự giám sát của các công ty Anh, mà rất nhiều trong số đó đã bỏ ra cả năm để cố gắng tìm hiểu sự thay đổi khi Anh rời EU sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của họ ra sao vì sự thay đổi luật pháp Anh có ý nghĩa sống còn với nhiều ngành công nghiệp phụ thuộc vào quy định của EU.
Đàm phán khó khăn
Sau cuộc trưng cầu dân ý hồi tháng 6 năm ngoái, các quan chức EU và Anh đã thống nhất gặp nhau mỗi tháng bốn ngày tại Brussels để thảo về các điều khoản Brexit trước khi quyết định các bước tiếp theo vào tháng 10 tới, thời điểm diễn ra Hội nghị thượng đỉnh EU. Vòng đàm phán gần đây nhất và là vòng đàm phán thứ 3 giữa các quan chức EU và Anh kết thúc ngày 31-8 vừa qua.
Trong khi đó, tình hình nội bộ nước Anh cũng không mấy suôn sẻ, một số tờ báo lớn của Anh đồng loạt đưa tin về việc chính phủ gửi thư kín đến các doanh nghiệp yêu cầu ủng hộ chiến lược Brexit của Thủ tướng Theresa May trong bối cảnh nhiều tháng qua chiến lược này bị cảnh báo có thể gây ra tác động tiêu cực đến vấn đề việc làm và tăng trưởng kinh tế của Anh.
Phản ứng của giới doanh nghiệp Anh được cho là không mấy mặn mà với lời kêu gọi của chính phủ vì một số cho biết họ chưa hài lòng với một số khía cạnh của chiến lược này - như đề xuất nhằm hạn chế dòng lao động nhập cư đến từ Liên minh châu Âu. Quan điểm của giới doanh nghiệp Anh vẫn là phải đặt vấn đề kinh tế lên hàng đầu trong chiến lược Brexit của Anh.
Tờ Financial Times cho biết, một số doanh nghiệp trong danh sách 100 công ty có vốn hóa giá trị lớn nhất trên sàn chứng khoán London cho biết, họ đã không ký thư ủng hộ Chính phủ Anh vì họ không tham gia trò chơi chính trị.