Mê nghề… từ nhỏ
Từ nhỏ, chú Tư Nương đã học ở gia đình làm bột, ăn ngủ trong lò bột, rồi những “bí kíp” để bột ngon, mềm mịn, trắng phao không hóa chất… đã được ông nội và cha dạy lại cho chú. Vốn có tư chất thông minh nên chú Tư Nương học nhanh các kỹ thuật làm bột, rồi thạo việc lúc nào không hay.
Bằng những gì mắt thấy tai nghe, chúng tôi tò mò hỏi “nghề bột nơi này có từ bao giờ?”. Chú Tư băn khoăn, đến giờ vẫn chưa biết ông tổ của nghề là ai, bắt đầu từ khi nào. Đắn đo hồi lâu, chú Tư cho rằng, với ý thức “tích cốc phòng cơ” nên người dân xứ này đã tìm cách để giữ lương thực được lâu dài từ hạt lúa ra hạt gạo, rồi từ hạt gạo làm ra bột. Với thời gian mày mò, người ta đã làm nên cối đá xay bột. Nếu hạt gạo nấu thành cơm thì bột được làm được nhiều thứ phong phú để ăn thay cơm.
Ngày xưa, ở vùng này chủ yếu đi lại bằng đường thủy, hệ thống sông ngòi chằng chịt đã nối địa danh Sa Đéc với các địa phương trong vùng và trở thành đầu mối tập kết hành khách, hàng hóa. Vì vậy, xuất hiện một bộ phận người làm bánh, nấu ăn… nhằm phục vụ khách vãng lai, thương hồ mua bán.
Sẵn “cây nhà lá vườn”, dân mình đã chế biến từ gạo, nếp để làm nên các loại quà bánh, thức ăn sáng. Từ đó, hình thành nên xóm bột, sản xuất bột gạo, bột nếp, bột múc, bột lọc, bột mì ngang, bột mì khoảnh… cung cấp cho việc làm bánh ngày càng cao hơn.
Theo thời gian, ngoài làm bánh ăn chơi, ăn cho đỡ đói như bánh đúc, bánh bò, bánh cam, bánh da lợn, bánh gói… thì làm ra bánh phở, bánh hủ tiếu, bánh phồng tôm… rồi đưa xứ Sa Đéc nổi tiếng khắp nơi. Điều này cho thấy, nghề bột hình thành tự khi nào không biết, mà chỉ nhớ là có từ thời cha truyền con nối, từ ông nội truyền lại cho cha, rồi tiếp nối cho đến ngày nay…
Nghề làm bột ở Sa Đéc trước đây tập trung nhiều nhất ở xã Tân Phú Đông. Sau thời gian phát triển, nghề này đã lan sang các phường 2, phường 3, phường An Hòa, phường Tân Quy Tây…
Làm nghề bột cũng dễ kiếm tiền nên một số thương lái, cơ sở lớn… ở các nơi từng về Sa Đéc để cưới dâu. Ông bà xưa quan niệm, gái lớn gả chồng, chứ ai nghĩ gì đâu!
Chú Tư Nương kể: “Cách đây khá lâu, tôi có người quen gả con về TPHCM. Cưới về, bên sui gia sắm đồ nghề làm bột ngon lành hơn mình, bởi họ muốn con dâu truyền lại “bí kíp” làm bột… Ngày đó, làm bột thủ công, gạo nếp ngâm nước cho mềm hạt, rồi chắc ráo nước để vào cối đá xay nhuyễn, đưa ra lu, khạp ngâm. Hàng ngày, phải tẻ nước thành nhiều đợt, rồi lọc ra cho thật ráo, bẻ bột bày ra vỉ đem phơi 3-4 nắng cho khô. Người làm bột còn dùng lá cây dâm bụt nhàu nát với nước, pha với bột đã xoay, nhờ đó mà lấy bột nhanh hơn, bột cũng trắng, mịn hơn”.
“Sau khi đã truyền lại hết bí kíp, nhưng bên sui gia làm cũng không bằng dưới này. Anh chị sui sinh nghi con dâu giấu nghề, nên tình cảm sứt mẻ. Dưới này, mình phải lên TPHCM làm cho họ "tận mục sở thị"; song chất lượng vẫn không bằng. Do đó, ông bà ta mới cho rằng chính dòng nước của con kinh Ngã Bát, nước ngọt quanh năm, không phèn… làm cho bột Sa Đéc không lẫn vào đâu được”, chú Tư Nương dẫn chứng.
“Về sau, nghề bột phát triển. Những vị khách “tây ba lô” đạp xe đi ngang lò bột. Họ cầm máy hình và xin chụp hình. Tôi hiểu ý họ, mời vô chơi. Bột có sẵn, mình bẻ bột nắn bánh lá mít mời khách ăn luôn. Khách khoái, khen ngon! Khoảng 2 tuần sau, khách quay lại. Lúc đó đông hơn, họ đi bằng tàu du lịch vào kinh Ngã Bát. Cũng từ đó mà khách du lịch về ngày một nhiều hơn. Sau này, tôi đề xuất UBND TP Sa Đéc mở không gian “Ẩm thực làng bột Sa Đéc” trong khuôn viên nhà mình, phục vụ khách tham quan, trải nghiệm nghề làm bột, thưởng thức các sản phẩm bánh được làm từ bột Sa Đéc”, chú Tư Nương bộc bạch.
Phát triển nghề bột
Năm 2017, Hội quán làng bột được thành lập với gần 60 thành viên. Đây là nơi để tập hợp, chia sẻ kinh nghiệm, phát triển kinh tế tập thể.
Ông Huỳnh Văn Cười, thành viên hội quán chia sẻ: “Khi tham gia hội quán, mình có dịp ngồi lại sinh hoạt, trao đổi kinh nghiệm làm bột. Đặc biệt, bột bán ra không bị ép giá, đơn hàng từ nhỏ lẻ chuyển sang những đơn hàng lớn để đi các nơi…”.
Theo bà Võ Thị Bình, thành phố tạo điều kiện cho cơ sở sản xuất đăng ký bảo hộ, chứng nhận nhãn hiệu gắn với quảng bá, xúc tiến thương mại để gắn kết trong chuỗi sản phẩm OCOP. Tiếp tục mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề, hướng đến phát triển du lịch gắn với làng nghề truyền thống. Đặc biệt, xây dựng mô hình du lịch cộng đồng, tham quan, trải nghiệm văn hóa và ẩm thực ở làng bột.
Để nhớ truyền thống về nghề làm bột, năm 2021, người dân làng bột và chính quyền địa phương thống nhất chọn ngày 20-12 âm lịch hàng năm làm ngày giỗ tổ với nghi thức long trọng, trang nghiêm, ấm cúng.
Trong buổi lễ tri ân hôm đó, với niềm hân hoan của bao thế hệ làm bột, chú Tư Nương cũng như nhiều hộ khác mong cho làng nghề bột Sa Đéc luôn phát triển, để người người, nhà nhà được ấm no…