Trong hơn 2 thập niên hỗ trợ người tị nạn, ông Arikawa Kenji nhận ra rằng, tình trạng thiếu nơi lưu trú ở Nhật Bản là vấn đề lớn đối với những người tị nạn đang chờ quyết định từ giới chức quản lý xuất nhập cảnh. Thủ tục xin tị nạn có thể mất hàng năm, thậm chí là hàng chục năm và hầu hết thị thực của người xin tị nạn bị hết hạn trong thời gian đó. Phần lớn họ phải vào nhà giam của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh, nơi có điều kiện sống rất khó khăn. Do đó, năm 2020, ông Arikawa quyết định mở Trung tâm Người tị nạn Arrupe, với quy mô có thể được coi là lớn nhất Nhật Bản. Hiện trung tâm có thể tiếp nhận tối đa 30 người.
Ông Rive (tên đã được thay đổi) chạy trốn khỏi cuộc nội chiến ở Sri Lanka, được trung tâm tiếp nhận. Ông chia sẻ: “Tôi tới Nhật Bản khi 27 tuổi, giờ tôi đã 47 tuổi. Tôi đã mất rất nhiều thời gian để xin tị nạn”. Ông Rive chạy trốn sang Nhật Bản vào năm 2002 và mắc chứng huyết áp cao, rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD) và trầm cảm. Ông thường xuyên tự nhốt mình trong phòng và cảm thấy khó giao tiếp với người khác.
“Tôi muốn tạo ra một nơi mà người tị nạn cảm thấy an toàn sau khi trải qua nhiều khó khăn, nơi mà họ có thể lấy lại sự tự tin và gây dựng lại cuộc đời”, ông Arikawa nói. Trung tâm hỗ trợ thủ tục xin tị nạn bằng cách cung cấp người phiên dịch và tư vấn pháp lý; tổ chức các hoạt động giúp người tị nạn hòa nhập xã hội, trong đó có các lớp học tiếng Nhật. Người tị nạn có đủ nam, nữ, người lớn và trẻ nhỏ, đến từ Myanmar, Afghanistan, Uganda, Sri Lanka và CHDC Congo.
Việc điều hành trung tâm gặp khá nhiều khó khăn. Theo quy định, người tị nạn được tạm thả phải tuân thủ nhiều hạn chế như: không được rời khỏi tỉnh nơi mình sinh sống nếu không được giới chức quản lý xuất nhập cảnh cho phép, không đủ điều kiện đăng ký bảo hiểm sức khỏe (đây cũng là hạn chế lớn nhất). Do đó, người tị nạn phụ thuộc hoàn toàn vào trung tâm về mặt tài chính. Ông Arikawa cho biết, chi phí cho mỗi người tị nạn là khoảng 900 USD/tháng. Con số này có thể còn cao hơn, bởi một số người có vấn đề sức khỏe mãn tính. Hầu như toàn bộ chi phí được chi trả bằng các khoản quyên góp của tư nhân.
Thời gian đầu, ông Arikawa hầu như một mình làm mọi việc, kể cả vận động quyên góp và tuyển dụng người tình nguyện. Đến thời điểm hiện tại, trung tâm đã có 7 nhân viên hỗ trợ ông. Một thách thức nữa trong điều hành trung tâm là những người tị nạn có văn hóa, hoàn cảnh khó khăn khác nhau. Ông Arikawa cho hay, nhiều người tị nạn bị tổn thương tâm lý, trong đó hầu hết nảy sinh từ việc họ bị cấm làm việc, khiến họ trở nên yếu thế và tự dằn vặt bởi phải phụ thuộc quá nhiều vào trung tâm.
Khi mới mở trung tâm, ông Arikawa lo những người trong khu vực sẽ phản đối, nhưng mọi việc hóa ra lại suôn sẻ, ông nhận được nhiều sự hỗ trợ của cộng đồng địa phương. Nhiều người mang đồ ăn và quà tặng tới trung tâm, thậm chí còn đề nghị được giúp đỡ. Điều này khiến ông Arikawa rất cảm động. Ông hy vọng nỗ lực của nhóm không chỉ giúp người tị nạn hòa nhập xã hội, mà còn tạo ra mô hình mới giúp thay đổi luật hiện tại, tạo nhiều cơ hội hơn cho họ.