Giữa cái nắng gay gắt của tháng 4, chúng tôi về xã Hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên (Bình Dương), vùng đất là một phần của chiến trường miền Đông - Chiến khu Đ gian lao năm xưa, để được nghe câu chuyện xưa thắng giặc, nay thoát nghèo của thương binh hạng 4/4 Tô Hữu Phúc (83 tuổi, còn gọi là ông Ba Phúc, ngụ ấp Chánh Hưng). Ông trực tiếp tham gia chiến đấu trong những tháng ngày kháng chiến ác liệt nhất và khi hòa bình lập lại, đã phát huy phẩm chất bộ đội cụ Hồ, vươn lên làm kinh tế giỏi, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Gửi lại chiến trường một phần thân thể
Từ trung tâm xã Hiếu Liêm, chúng tôi di chuyển theo con đường trải nhựa phẳng lì, gần như song song với dòng sông Bé, hỏi nhà ông Ba Phúc, người trong khu vực ai cũng biết và nhiệt tình dẫn đến tận nhà. Khác với hình dung ban đầu về người cựu chiến binh (CCB) tuổi cao sức yếu, ông Ba Phúc còn khá nhanh nhẹn, khỏe mạnh, da rám nắng và đôi mắt sáng. Pha bình trà mời khách, nhoẻn nụ cười, chỉ về những tấm bằng khen, huân huy chương treo trên tường và bàn thờ Bác Hồ đặt trang trọng ngay phòng khách, ông nói: “Tôi sinh ra ở quê hương Bến Tre, đến năm 19 tuổi, tham gia phong trào Đồng Khởi, sau đó được đơn vị chuyển qua đội phẫu thuật dã chiến ở phân khu 5 (thuộc Quân khu miền Đông).
Kể về câu chuyện chiến đấu năm xưa trên vùng đất sông Bé anh hùng, giọng ông chùng xuống khi nhớ về những năm tháng chiến tranh ác liệt, những đồng đội đến nay người còn người mất. Những năm tháng hoạt động ở chiến trường miền Đông mãi còn ghi dấu trong tâm trí ông Ba Phúc, bởi nơi đây ông đã gắn bó cả tuổi thanh xuân, chứng kiến những chiến công vang dội và cả những hy sinh xương máu của đồng đội. Ông chia sẻ: “Từ khoảng năm 1966, tổ chức phân công tôi chiến đấu và phục vụ chiến đấu với vai trò là y sĩ ở khu vực chiến trường, trải dài từ Tân Uyên (Bình Dương) đến Vĩnh Cửu (Đồng Nai) sang Tây Ninh”.
Tại đây, ông tham gia chiến đấu, cùng đồng đội ém quân bên dòng sông Bé, Chiến khu Đ và không biết bao nhiêu lần bí mật vượt sông thực hiện nhiệm vụ giữa một bên là Đồng Nai, một bên là mạn Hiếu Liêm, Bình Dương, nguy hiểm, rủi ro luôn rình rập nhưng không hề nao núng. Hình ảnh trên người mang ba lô đựng dụng cụ cứu thương, tay cầm súng xông pha dưới làn bom, lửa đạn, cùng chiến đấu và giành lại từng hơi thở, mạng sống của đồng chí, đồng đội thân yêu... là những năm tháng không thể nào quên với ông Ba Phúc.
Trong một cuộc hành quân, khi tới địa điểm Bông Trang - Nhà Đỏ (thị trấn Tân Bình, Bắc Tân Uyên, nơi bộ đội ta ghi chiến công tiêu diệt nhiều sinh lực, phương tiện chiến tranh của địch), người chiến sĩ quân y Tô Hữu Phúc không may dẫm phải mìn của địch, bị mất nửa bàn chân, được đồng đội dìu về tuyến sau điều trị. Đến năm 1972, ông được tổ chức phân công đi học bác sĩ và năm 1973 về làm quân y tại Cục Chính trị miền. Năm 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, ông về công tác tại Cục Chính trị Quân khu 7.
Vươn lên làm kinh tế giỏi
Ông Ba Phúc xúc động khi nhớ lại những năm 1990, thời điểm cùng vợ đặt chân đến xã Hiếu Liêm, nơi đất rộng, người thưa, cỏ dại mọc đầy, cuộc sống người dân rất nghèo khó. Ông kể: “Năm 1993, tôi nghỉ hưu về quê nhà nuôi tôm nhưng không thành công. Vài năm sau, hai vợ chồng tay trắng nên tôi chọn vùng đất chiến đấu năm xưa làm nơi an cư, lạc nghiệp. Thời điểm đó, chỉ có cần cù, chịu khó cùng sự động viên, hỗ trợ của đồng đội mới giúp gia đình tôi bám trụ được, do nơi đây còn hoang vắng, kinh tế chủ yếu chỉ là trồng trọt và chăn nuôi”.
Mua được 5ha đất, nhờ đất đai màu mỡ, nguồn nước tưới dồi dào từ dòng sông Bé, ông Ba Phúc tập trung trồng các loại cây có múi như bưởi, mít, cam, đem lại hiệu quả kinh tế cao, lúc cao điểm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Không chỉ nuôi 3 con ăn học nên người, ông còn quay vòng vốn đầu tư thêm cây giống, học hỏi thêm kỹ thuật canh tác, phòng chống sâu bệnh và nâng cao năng suất; có năm thu nhập của hai vợ chồng ông lên cả tỷ đồng, trở thành một trong những CCB làm kinh tế giỏi nhất của huyện Bắc Tân Uyên.
Từ hai bàn tay trắng, ở tuổi xế chiều mà làm nên cơ ngơi tiền tỷ, nhiều người dân Hiếu Liêm nói ông Ba Phúc là người biến cái khó thành dễ, cái không thể thành có thể. Nhưng ông thì khiêm tốn cho rằng: “Thời gian trong quân ngũ đã tôi luyện cho tôi ý chí, nghị lực vượt qua khó khăn, gian khổ, nên qua từng mùa vụ, chúng tôi đã thắng được cái nghèo, góp sức xây dựng vùng quê cách mạng từng bước trở nên giàu đẹp hơn”.
Từ sau đại dịch Covid-19, thị trường trái cây có nhiều biến động, tuổi ngày một cao, được con cái vận động ngưng mở rộng sản xuất, chỉ trồng trọt phục vụ nhu cầu gia đình và bà con lối xóm, ông Ba Phúc giảm dần diện tích cây trồng, lao động chủ yếu cho “đỡ xót cây trái và đỡ nhớ cái cuốc, cái cào”. Cũng từ mô hình trồng cây có múi cho hiệu quả kinh tế cao của người CCB mà xã Hiếu Liêm ngày nay đã nhân rộng hơn 1.300ha trồng cây ăn trái, tăng gấp 10 lần so với hơn 10 năm trước.
Dù vườn nhà ông Ba Phúc đã thu hẹp quy mô, nhưng chúng tôi vẫn bị hút hồn bởi hàng trăm cây ăn trái đang mùa trĩu quả, xum xuê, hàng luống thẳng tắp, xanh mát làm dịu đi cái nóng như chảo lửa của vùng đất miền Đông.