Nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình và Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải cùng lãnh đạo tỉnh Long An dâng hương kỷ niệm 115 năm Ngày sinh đồng chí Hồ Văn Long. Ảnh: VIỆT DŨNG
Dự lễ dâng hương có đồng chí Trương Hòa Bình, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ. Về phía TPHCM có các đồng chí: Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM; Ngô Thanh Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM; Trần Văn Nam, Bí thư Huyện ủy huyện Bình Chánh; Lê Văn Thinh, Bí thư Quận ủy quận Bình Tân.
Về phía tỉnh Long An có các đồng chí: Mai Văn Nhiều, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Long An; Trương Văn Nọ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Long An; Hoàng Đình Cán, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tỉnh Long An; Phạm Tấn Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An.
Tại buổi lễ, các đại biểu đã dành phút mặc niệm, dâng hoa, dâng hương đài liệt sĩ và thắp nén hương thơm tưởng niệm đồng chí Hồ Văn Long nhân kỷ niệm 115 năm ngày sinh đồng chí. Sau đó, các đại biểu đã thắp hương các liệt sĩ, tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng, chiến sĩ đặc công.
Đồng chí Trương Hòa Bình và Nguyễn Hồ Hải cùng các đại biểu thắp hương, viếng mộ đồng chí Hồ Văn Long tại Nghĩa trang liệt sĩ Bình Chánh - Bình Tân (TPHCM). Ảnh: VIỆT DŨNG
Trong không khí trang nghiêm tại buổi lễ, các đại biểu xúc động hồi tưởng lại những trang sử oanh liệt của dân tộc cũng như công lao to lớn và sự hy sinh của các bậc tiền bối cách mạng, trong đó có đồng chí Hồ Văn Long, khi nghe Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An Phạm Tấn Hòa ôn lại tiểu sử, cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Hồ Văn Long.
Đồng chí Hồ Văn Long sinh năm 1907, tại làng Tân Tạo, quận Trung Quận, tỉnh Chợ Lớn (nay thuộc phường Tân Tạo, quận Bình Tân, TPHCM), trong một gia đình nhà nho nghèo, yêu nước. Sau khi lấy bằng Thành Chung (tốt nghiệp bậc trung học - PV), năm 1925, đồng chí về quê nhà dạy học và được mọi người gọi một cách thân thiết là giáo Long.
Sớm nhận thức được những bất công của chế độ thực dân, phong kiến, đồng chí gia nhập Hội kín Nguyễn An Ninh và hoạt động đắc lực ở vùng nông thôn tỉnh Gia Định - Chợ Lớn lúc bấy giờ. Tháng 7-1929, đồng chí được kết nạp vào Đông Dương Cộng sản Liên đoàn. Khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, đồng chí được chỉ định tham gia Tỉnh ủy Gia Định vào tháng 3-1930.
Đồng chí Trương Hòa Bình trò chuyện với ông Hồ Văn Hiệp (cháu ruột đồng chí Hồ Văn Long). Ảnh: VIỆT DŨNG
Tháng 4-1930, đồng chí cùng anh trai là Hồ Văn Kỷ và một số đồng chí khác về nhà ông Bùi Bổn Phận ở ấp Phước Thuận, làng Phước Lâm, quận Cần Giuộc để gầy dựng cơ sở Đảng, thành lập Chi bộ Phước Lâm – Chi bộ Đảng đầu tiên của Cần Giuộc (Long An).
Tại đây, đồng chí Hồ Văn Long truyền bá Chủ nghĩa Cộng sản và kết nạp vào Đảng nhiều đảng viên ưu tú, trong đó có đồng chí Trương Văn Bang (Bí thư Tỉnh ủy Chợ Lớn và Bí thư Xứ ủy Nam kỳ).
Ngày 4-6-1930, đồng chí trực tiếp lãnh đạo cuộc đấu tranh của nông dân vùng Bà Hom, cùng diễn ra với cuộc đấu tranh của nông dân Đức Hòa, Hóc Môn. Đây là đợt biểu tình lớn chưa từng có ở Nam bộ, làm chấn động dư luận, làm cho thực dân Pháp và tay sai hết sức lo sợ.
Tháng 8-1930, đồng chí Hồ Văn Long và đồng chí Trương Văn Bang về thị trấn Cần Giuộc lập Quận ủy đầu tiên của quận Cần Giuộc. Cuối năm 1930, Xứ ủy phân công đồng chí làm nhiệm vụ củng cố, khôi phục phong trào cách mạng và các cơ sở Đảng ở Gia Định - Chợ Lớn, lần lượt đảm nhiệm chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Gia Định, Bí thư Tỉnh ủy Chợ Lớn.
Bí thư Huyện ủy huyện Bình Chánh Trần Văn Nam và Bí thư Quận ủy quận Bình Tân Lê Văn Thinh dâng hương. Ảnh: VIỆT DŨNG
Ngày 11-10-1932, đồng chí bị Pháp bắt và kết án 5 năm tù khổ sai, lưu đày Côn Đảo và 10 năm biệt xứ. Trong lao tù, đồng chí luôn giữ vững khi tiết cách mạng, kiên cường đấu tranh, được bầu vào Chi ủy Chi bộ nhà tù cùng các đồng chí Phạm Hùng, Lê Văn Lương.
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, đồng chí được Xứ ủy Nam bộ đưa về đất liền và phân công làm Bí thư Tỉnh ủy Chợ Lớn. Cuối năm 1946, khi tình hình tỉnh Chợ Lớn tạm ổn, đồng chí được Xứ ủy phân công làm nhiệm vụ Thanh tra chính trị các tỉnh miền Đông.
Tháng 5-1948, trong một chuyến công tác qua quê nhà Tân Tạo, đồng chí bị địch vây bắt. Dù bị tra tấn dã man nhưng đồng chí vẫn giữ vững khí tiết, địch không biết đồng chí là một cán bộ cao cấp của Đảng nên đưa về giam ở Bến Lức, Phú Lâm, Sài Gòn. Ngày 17-3-1949, đồng chí lâm bệnh nặng và qua đời tại nhà thương Chợ Rẫy.
Các bạn trẻ đoàn viên thanh niên thắp hương tại nghĩa trang. Ảnh: VIỆT DŨNG
Gần 70 năm trôi qua kể từ ngày đồng chí Hồ Văn Long hy sinh, nhưng tấm gương hoạt động cách mạng kiên cường, bền bỉ, tinh thần dũng cảm, bất khuất của đồng chí luôn trường tồn với lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng.
Cuộc đời và sự nghiệp vinh quang của đồng chí là niềm tự hào, là biểu tượng cho hào khí quật cường của đất và người Nam bộ nói chung, của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Chợ Lớn (nay là tỉnh Long An và TPHCM) nói riêng trong sự nghiệp đánh đuổi giặc ngoại xâm, giành độc lập cho Tổ quốc.