Người con của Rồng (Đoàn Triệu Long biên kịch, Phạm Minh Trí đạo diễn, Nguyễn Thị Phương Hoa vẽ chính) đã kết hợp khá nhuần nhuyễn huyền thoại với chính sử, tạo nên tác phẩm hoạt hình sống động và gây ấn tượng khó quên về thời thơ ấu của vị vua có công dời đô - Lý Công Uẩn.
Cấu trúc cốt truyện được triển khai theo lối miêu thuật chân dung: bám sát các dữ liệu truyền thuyết và tiểu sử nhân vật, không xoáy sâu tận cùng vào vài sự kiện tiêu biểu, mà bằng con đường khác, tác dựng truyện phim từ những kết nối đa hướng, ghép các nhóm sự kiện và tình huống vốn tồn tại riêng biệt vào chung một cấu trúc mở, biến đổi linh hoạt. Từ đó, dễ dàng đề cập cùng lúc nhiều thông tin, cảnh huống có yếu tố làm nổi bật khí chất độc đáo của nhân vật chính. Hình tượng trẻ thơ Lý Công Uẩn thông minh, tinh nhạy, quả cảm, nghĩa tình, có chí lớn được diễn đạt súc tích, tập trung, ứng hợp với hình tượng là hạt giống nhân tài, trong dòng chảy tưởng tượng tràn đầy ước vọng đẹp đẽ của huyền thoại. Ngoài các hình tượng sinh động, bộ phim còn phác họa sâu lắng bầu không khí ấm áp, êm đềm của cuộc sống thôn dã xa xưa...
Bộ phim biểu hiện rõ nét bản sắc thuần Việt qua các cảnh quan làng quê với sân chùa, gốc đa, bến nước, đồng ruộng thanh bình cùng quan hệ thầy trò, bè bạn, vua tôi rất đỗi ấm áp, chừng mực. Tất cả toát lên âm hưởng bình dị chứa chan chất thơ mộc. Tiết tấu dựng hình tạo nhịp điệu ôn hòa, phù hợp khung cảnh câu chuyện cùng tâm trạng nhân vật. Nhạc phim không quá ồn hoặc quá loãng, mà giữ nhịp tươi vui trữ tình với dàn âm thanh thuần Việt từ sáo trúc, trống gỗ…
Người con của Rồng là tác phẩm hoạt hình đầu tiên của Việt Nam có số lượng nhân vật lớn như thế - kể cả vai người và vai thú với nhiều tính cách khác nhau. Điều đó dẫn đến sự phong phú đa dạng về hình thể và tư chất, khiến nghệ thuật thể hiện hoạt hình trở nên phức tạp. Các tác giả, nói chung, đã vững vàng vượt qua khó khăn đó, miêu thuật khá rõ nét và xác đáng các đặc tính đặc trưng của riêng mỗi loại nhân vật, thông qua các giải pháp tạo hình hình thể và động tác chọn lọc. Tư chất của nhân vật Lý Công Uẩn được khai thác thành nền tảng xuyên suốt trong quá trình xây dựng hình tượng chung của tác phẩm. Rồng vàng, bầy khỉ, đàn chim... đều được chăm chút trong mỗi dáng vẻ riêng của chúng và được thổi vào hồn sống sinh động. Riêng nhân vật rắn - biểu tượng của thế lực hắc ám, dường như chưa được thể hiện tới mức vai trò của nó, chẳng những không tham gia được một tình huống có tính kịch nào, mà chỉ tồn tại như một biểu tượng ngẫu nhiên, minh họa một ý tưởng định sẵn.
Trở ngại lớn nhất, và cũng là thử thách tay nghề gay gắt nhất trong kỹ năng thể hiện phim hoạt hình là thủ pháp biểu cảm nội tâm nhân vật, do việc tác giả phải diễn thay nhân vật thông qua nét vẽ cùng kỹ thuật điều phối động tác. Hiệu quả diễn cảm của nhân vật trong Người con của Rồng đã đột phá trình độ thể hiện vốn có, đạt tới độ tinh tế sinh động, vượt hẳn thời kỳ trước của hoạt hình Việt Nam.
Đặc tính thể hiện hoạt hình đòi hỏi khoa trương, cường điệu, hài hoạt, rút gọn đúng chỗ các quá trình diễn tiến sự kiện và xử lý tối ưu các biến động thời gian, sao cho thật nhanh, thật gọn, thật lạ để từ đó gây cảm xúc bất ngờ. Động tác của các loại nhân vật trong Người con của Rồng được thiết kế, trình diễn khá hoạt, thể hiện linh hiệu nhiều động tác phức tạp qua các pha Rồng vàng trừng trị cá sấu, trai làng luyện tập võ gậy, Lý Công Uẩn đấu lực với quan võ ngoại bang... Tuy nhiên, khuôn mặt và hình thể nhân vật, ở mức độ nào đó, vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi sự gò bó cứng nhắc do kỹ năng xử lý kỹ thuật 3D còn bị hạn chế.
Bộ phim đã mang đến cho người xem cảm giác phấn chấn, thú vị, ấm áp khi được hút cuốn vào chuỗi không gian chân mộc, hồn hậu đậm bản sắc hương vị Việt. Một số đoạn phim và cảnh huống đã gây xúc động, như tình phụ tử Sư Vạn Hạnh - Lý Công Uẩn, chuyện kể về sự tích ra đời của Lý Công Uẩn, Rồng vàng hóa mưa khi dân chúng cầu cứu chống hạn...
Người con của Rồng là tác phẩm chào đón ngàn năm Thủ đô văn hiến, đồng thời cũng là tác phẩm tiên phong tạo bước ngoặt quan trọng trong bước chuyển mình phát triển của phim hoạt hình Việt Nam. Nếu trước nay chúng ta chủ yếu chỉ sản xuất những mẫu hoạt hình ngắn (khoảng mười phút) bằng kỹ thuật thông thường, mô tả xoay quanh các loài vật theo những cốt truyền đồng dao, cổ tích... thì nay, lần đầu tiên Hãng phim Hội Điện ảnh Việt Nam đã “ra khơi”, thực hiện thành công bước đầu tác phẩm hoạt hình có độ dài ngang bằng tác phẩm truyện nhựa (90 phút) bằng kỹ thuật hiện đại 3D, phản ánh sự kiện lịch sử quan trọng đòi hỏi thể hiện đa chiều, phức tạp. Sự ra đời của bộ phim đã mở ra triển vọng mới cho tương lai phát triển của điện ảnh hoạt hình nước ta với đối tượng sáng tác không chỉ khuôn hẹp trong lứa tuổi thiếu niên nhi đồng, mà cho cả các tầng lớp người xem
TRẦN LUÂN KIM