Đến thôn Kon Skôi (xã Đăk Ruồng, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum), chúng tôi bắt gặp ông A Jrunh đang đi thăm hỏi người dân trong thôn. Ông nhẹ nhàng động viên, biểu dương hộ bà Y Xe đã tham gia hiến đất làm kè chống sạt lở bờ sông. Bà Y Xe cười, gương mặt tràn đầy vẻ tự hào, cho biết, khi huyện triển khai xây dựng kè chống sạt lở bờ sông, ông A Jrunh đã đến nhà vận động gia đình hiến đất. Là người có uy tín trong thôn bản, ông A Jrunh đã đưa ra lý lẽ về việc bà con trong thôn bao năm qua vất vả bởi sông “nuốt” đất đai, uy hiếp làng. Giờ Nhà nước quan tâm đầu tư kè, sẽ mang lại lợi ích lớn cho bà con. Tuy nhiên, do hạn chế nguồn lực nên cần dân tham gia hiến đất. Dù biết đất đai có giá trị lớn, nhưng với sự vận động thấu tình đạt lý của ông A Jrunh nên gia đình bà Y Xe hiến 666m2 đất.
Ông Đỗ Dũng Sỹ, Phó Trưởng phòng TN-MT huyện Kon Rẫy, cho biết, tại dự án làm kè chống sạt lở bờ sông qua thôn Kon Skôi, địa phương lo ngại việc vận động dân hiến đất sẽ gặp khó. Tuy nhiên, nhờ có những người uy tín trong thôn như ông A Jrunh mà đã vận động được 6 hộ hiến đất. Nhờ đó, công tác giải phóng mặt bằng được triển khai nhanh chóng, giúp dự án sớm hoàn thành. Ông Nguyễn Văn Thủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Rẫy, thông tin: “Trên địa bàn có 53 người được công nhận là người có uy tín. Họ có đóng góp rất lớn trong việc giữ gìn bình yên thôn làng, giúp người dân phát triển kinh tế, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu”.
Ngược về thôn Tu Mơ Rông (xã Đăk Hà, huyện Tu Mơ Rông), già A Phênh cũng đang miệt mài đào tạo đội cồng chiêng của làng. Già là người có công trong việc lưu giữ bảo tồn các giá trị văn hóa đồng bào Xơ Đăng. Ông Dương Đăng Khoa, Chủ tịch UBND xã Đăk Hà, chia sẻ: “Trên địa bàn xã, cồng chiêng từng có nguy cơ thất truyền. Chính già A Phênh đã lặn lội đi vận động dân tham gia đội chiêng của thôn. Già cũng tổ chức giảng dạy cồng chiêng cho 100 học sinh. Nhờ nỗ lực và uy tín của già, bây giờ xã đã xây dựng được đội chiêng để dự các sự kiện quan trọng. Lớp trẻ qua bàn tay đào tạo của già, cũng đã sẵn sàng để tiếp nối lưu truyền cồng chiêng từ thế hệ cha ông”.
Theo UBND huyện Tu Mơ Rông, huyện có 86 người có uy tín. Đóng góp của họ vô cùng lớn trong việc xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc và giữ gìn an ninh trật tự trong cộng đồng; phát triển kinh tế, nâng cao đời sống gia đình và cộng đồng; bảo vệ môi trường sinh thái; giữ gìn, phát huy phong tục tập quán tốt đẹp. Đặc biệt, nhiều người có uy tín là già làng, trưởng thôn, người có chức sắc đã tham gia vận động làm thay đổi nhận thức của người dân từ phá rừng sang giữ và trồng rừng; từ trông chờ ỷ lại đến chủ động đầu tư phát triển kinh tế dược liệu; từ việc dần bỏ các hoạt động văn hóa cồng chiêng sang khôi phục để phục vụ đời sống tinh thần và du khách...
Ông Trần Văn Tấn, Trưởng phòng Hành chính tổng hợp, Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum, cho biết, người có uy tín chưa có phụ cấp hỗ trợ hàng tháng. Hiện ban đã đề nghị Ủy ban Dân tộc phối hợp Bộ Tài chính, các bộ ngành liên quan đề xuất Chính phủ xem xét và bổ sung thêm nội dung hỗ trợ chế độ phụ cấp hàng tháng hoặc kinh phí hoạt động, kinh phí đi lại để người có uy tín có điều kiện thực hiện và phát huy tốt vai trò, vị trí, nhiệm vụ được giao.