Góp ý về vấn đề đảm bảo quyền lợi của người dân sử dụng đất nằm trong khu quy hoạch, ông Đặng Thanh Bình, Phó ban Liên lạc kiều bào quận 1 (TPHCM), nêu tình trạng nhiều dự án đã có quy hoạch nhưng chậm triển khai, có khi lên đến hàng chục năm, ảnh hưởng rất lớn đến quyền của người sử dụng đất. Nhà đất vướng quy hoạch trong trường hợp được phép chuyển nhượng thì cũng bị hạn chế về giá, không cho phép xây dựng, sửa chữa, gây thiệt hại cho người dân, làm lãng phí tài nguyên đất, trong khi người dân lại không có đất để sản xuất, kinh doanh.
Ông Bình đề nghị làm rõ hơn quyền của người sử dụng đất trong vùng quy hoạch; dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần quy định chế tài xử lý khi xuất hiện các dự án treo để đảm bảo quyền lợi của người sử dụng đất và việc sử dụng đất hiệu quả, tránh lãng phí.
Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ, Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM, phân tích, thực tế những năm qua, dư luận trong nhân dân phàn nàn về việc UBND cấp huyện sau khi ban hành quyết định thu hồi đất, có nơi không chuyển giao quyết định đó cho người có đất thu hồi. Có nhiều trường hợp mời lên UBND cấp xã nhận quyết định, nhưng người có đất thu hồi đang làm ăn nơi xa không biết, cũng có người biết do gia đình thông báo nhưng không về được, nhờ cha mẹ nhận giùm.
Tuy nhiên, UBND xã không giao, đòi phải có ủy quyền (công chứng), và sau đó người có đất thu hồi bị quy là không hợp tác, đã bị cưỡng chế thu hồi đất. Có nhiều trường hợp người có đất thu hồi bị cưỡng chế thu hồi cả chục năm nhưng nay vẫn chưa nhận được quyết định thu hồi đất. Ở khá nhiều địa phương, cơ quan có trách nhiệm chỉ niêm yết quyết định thu hồi đất tại trụ sở UBND cấp xã hoặc thôn, ấp.
Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ đề nghị bổ sung: Người có đất thu hồi phải trực tiếp nhận được quyết định thu hồi đất. UBND các cấp phải bằng mọi cách chuyển giao quyết định thu hồi đất cho hộ gia đình, cá nhân, tổ chức có đất thu hồi; chỉ niêm yết các văn bản khác ngoài quyết định như: thông báo thu hồi đất, phương án thu hồi, bồi thường đất… Như vậy hiệu lực của quyết định mới cao.