Đang ngồi ăn sáng trong nhà, bà Nga nghe tiếng chị hàng xóm hớt hải: “Chị Nga ơi, thằng P. nó nhập viện rồi. Nghe đâu ho ra máu nhiều lắm”. Bà Nga vội vàng buông đũa, hỏi: “Thằng P. ở chung cư phải không? Không biết nó có cầm theo tờ giấy khám bệnh miễn phí của Hội Chữ thập đỏ quận cấp không nữa? Để tôi chạy qua xem sao”.
Rồi bà Nga tất tả đi đến nhà P. để hỏi. “Ca” này, bà Nga phải tốn nhiều công sức để thuyết phục, hỗ trợ. “Nhiều lúc tôi giận hết sức, định bỏ luôn, vì khuyên can hoài, giúp cả tiền bạc cho họ về quê làm tờ giấy xác nhận để chính quyền làm giấy tờ tùy thân mà không chịu làm.
Bệnh cũng vậy, kêu đi khám mà cứ chần chừ hoài. Giờ bệnh nặng xem ai khổ”, bà Nga bảo. Nói vậy chứ bà đâu có bỏ. Hỏi thăm sự tình xong, bà nhắn mấy chị gia cảnh kha khá trong tổ để xem có hỗ trợ được gì cho gia đình P. lúc này không. Mà bà Nga đã vận động thì không ai từ chối, bởi giúp chỗ nào cũng trúng, cũng đúng, cũng ý nghĩa.
Bà Nga (bìa trái) trao đổi cùng bà con trong tổ
Vị tổ trưởng này là vậy, bà con trong tổ có việc gì là bà lại có mặt. Nhớ hồi Tết Nguyên đán vừa qua, Đoàn Thanh niên phường có trao quà cho thiếu nhi. Con hẻm nọ có 3 trẻ, nhưng chỉ 2 bé được xét trao quà. Vậy là gia đình bé còn lại trách bà tổ trưởng. Nghe lời trách giận, bà Nga ôn tồn giải thích cặn kẽ về gia cảnh mỗi cháu, phân tích vì sao 2 bé kia được quà, còn bé này thì không. Nghe xong thấy xác đáng, người dân thôi thắc mắc.
Trong tổ 15 này, bà Nga như “người chị lớn” của bà con, bởi việc nhỏ, việc lớn gì xảy ra trong gia đình hay nhà hàng xóm, bà con cũng tìm bà Nga. Chỉ cần nói ai, tên gì, là bà Nga đọc liền địa chỉ nhà, nhà đó có mấy người, gia cảnh ra sao. Từ hồi nhận nhiệm vụ làm tổ trưởng, lúc nào rảnh rỗi là bà Nga lại đi đến từng nhà, hoặc thông qua hàng xóm mà tìm hiểu hoàn cảnh của từng bà con.
Không chỉ hỏi cho biết, mà sau khi nghe, bà biết nhà đó do kinh tế khó khăn mà định cho con nghỉ học thì tìm đến động viên, rồi vận động bạn bè, hoặc bỏ tiền túi để trao học bổng.
Nhà kia bị bệnh mà không có tiền mua bảo hiểm y tế, thì bà bỏ tiền ra để mua tặng. Có em đi cai nghiện về, bà đến thăm, trao ít quà, rồi giúp vay tiền để có sinh kế làm ăn…
Bà Nguyễn Kim Lan, hàng xóm của bà Nga, kể: “Con của chị H. bỏ học, chị Nga qua năn nỉ, khuyên nhủ hết lời. Sau đó chạy lên trường để xin cho con bé đi học lại, rồi dùng tiền túi đóng tiền trường mỗi tháng cho nó. Nhờ vậy, con bé mới có cơ hội đi học lại”.
Từ sự nhiệt tình của bà Nga với mọi người, bà Lan rồi các bà, các cô, các chị khác trong tổ cũng bắt đầu tham gia công tác phụ nữ, vận động, hỗ trợ, giúp đỡ chị em và trẻ nhỏ khi có việc cần.
Trong công tác thiện nguyện, trao học bổng cho học sinh, bà Nga không bao giờ từ chối những người đang gặp khó khăn. Bởi vậy mà nhiều năm nay, cứ ai trong tổ có khó khăn, cần giúp đỡ, là mọi người lại nghĩ ngay đến việc gõ cửa nhà bà Nga.
“Người ta đang khó, đang cần mới tìm đến mình nên khả năng tôi có thì tôi không từ chối. Còn không giúp được thì tôi đi vận động mọi người cùng chung tay”, bà Nga chia sẻ. Mỗi khi có ca nào khó, chưa giúp được là bà băn khoăn lắm. Bà bảo vì lúc nhỏ gia đình khó khăn, cũng nhờ sự hỗ trợ học bổng của các mạnh thường quân mà bà được ăn học tới nơi tới chốn. Nhớ ơn đó, nay bà giúp đỡ các cháu.
Là người dân tộc Hoa, bà hiểu sự khép kín, ngại giao tiếp của phụ nữ Hoa. Thế là bà tìm hiểu xem họ thân thiết với chị em nào, thì khi có các buổi họp, bà mời kèm theo. Dần dần, họ thấy ý nghĩa và mạnh dạn tham gia sinh hoạt hội. Ở cơ sở, thấy bà con nào là quần chúng ưu tú, bà gần gũi, giúp đỡ, hỗ trợ để nâng cao ý thức chính trị và giới thiệu kết nạp Đảng.
Với bà tổ trưởng người dân tộc Hoa ấy, mỗi ngày làm tốt việc của mình; sẵn sàng giúp đỡ, quan tâm bà con; mỗi việc làm phải đúng để tạo uy tín trong dân… chính là đã học Bác. Còn tuyên truyền để chị em trong tổ học Bác, bà nói chỉ cần tham gia sinh hoạt đúng giờ; rồi buôn bán thì chỉ cần cân đúng, hạn chế dùng túi ni lông; giữ gìn vệ sinh nơi ở… thì cũng là học Bác.