PGS-TS Nguyễn Quang Nghĩa, Giám đốc Trung tâm ghép mô, tạng, Bệnh viện Việt Đức cho biết, người hiến tạng là anh Đ.M.K. (32 tuổi ở huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, đã có vợ và 1 con) bị tai nạn giao thông được chuyển từ tuyến dưới lên Bệnh viện Việt Đức. Sau khi hồi sức cấp cứu, bệnh nhân được chẩn đoán chấn thương sọ não nặng, hôn mê sâu... nên gia đình đã quyết định hiến tạng của anh K. Đặc biệt, anh K. là trường hợp hiến mô, tạng nhiều nhất từ trước đến nay khi đã hiến tim, gan, 2 thận, 4 mạch máu, 2 dẻ sườn, 14 gân và 4 dây thần kinh.
Người thân tiễn biệt anh K. lần cuối trước khi hiến tạng. Ảnh BVCC |
Sau khi nhận được nguồn tạng trên và hoàn tất thủ tục cần thiết, Bệnh viện Việt Đức tiến hành song song 5 phòng mổ, gồm 1 phòng lấy tạng và 4 phòng ghép tạng cho 4 bệnh nhân. Theo đó, các bệnh nhân được ghép tạng từ nguồn tạng hiến của anh K. là 1 bệnh nhân nữ (53 tuổi ở Bắc Giang) bị suy tim giai đoạn cuối đã được ghép tim; 1 nam bệnh nhân (33 tuổi, ở Ninh Bình) bị xơ gan giai đoạn cuối được ghép gan; 2 bệnh nhân còn lại cùng ở Hải Phòng bị suy thận mạn giai đoạn cuối cũng đã được ghép thận.
Hiện nay, cả 4 bệnh nhân sau ghép tạng sức khoẻ đều tiến triển rất tốt.
PGS-TS Nguyễn Quang Nghĩa cũng cho biết, anh K. là người chết não hiến tạng thứ 100 tại Bệnh viện Việt Đức và là trường hợp hiến tạng thứ 9 từ người cho chết não tại Bắc Giang. Bắc Giang đang đứng đầu cả nước về số người hiến tạng sau khi chết não tại Việt Nam.
Một bệnh nhân được ghép tạng từ nguồn tạng hiến tạng của anh K. |
Theo GS-TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, việc vận động hiến tạng rất khó khăn, trường hợp hiến tạng đầu tiên vào năm 2010, đến nay bệnh viện đã có 100 gia đình đồng ý hiến mô, tạng của người thân sau khi chết não qua đời để cứu sống người khác. Với 100 trường hợp này, bệnh viện đã ghép được 50 ca ghép tim, 80 ca ghép gan, 157 ca ghép thận, 6 ca ghép phổi và nhiều mô khác như: van tim, mạch máu, gân sụn, thần kinh, giác mạc... được lưu trữ tại Ngân hàng mô của bệnh viện và sử dụng ghép cho các bệnh nhân khác.