Kho ảnh khổng lồ về cải lương
Năm ở khu về, Huỳnh Công Minh mới 18 tuổi, chàng trai trẻ gặp được người quen và xin vào Thảo Cầm viên Sài Gòn làm thợ chụp hình. Làm công cho người ta 2 năm, ông học được rất nhiều công đoạn, kỹ thuật làm ra một tấm ảnh hoàn chỉnh. Nhờ vậy, sau này, khi chụp ảnh sân khấu, ông thích tự mình làm hết các khâu, từ chụp, tráng phim, rửa ảnh, bảo quản...
Ông cho biết: “Chính vì lúc chụp ảnh, tôi thấy tiếc cái công của mình nên cố gắng lưu giữ ảnh thật kỹ. Ảnh chụp xong, vào công đoạn tráng rửa, tôi ngâm phim trong thuốc rồi bỏ đó đi chơi vài giờ, để đủ thời gian hóa chất hết bám trên phim. Nhờ vậy mà phim giữ được lâu, hình ảnh để đến hôm nay vẫn rõ, đẹp”.
Nhiếp ảnh gia Huỳnh Công Minh nhớ lại: “Sau khi hình ảnh nghệ sĩ đoàn Thanh Minh treo trước rạp hát, khán giả đến coi rất đông, đoàn hát phải tăng thêm suất diễn. Sự kiện này cũng lan truyền đến các đoàn hát tỉnh. Vậy là tôi nhận được nhiều lời mời chụp ảnh cho các đoàn. Hễ đoàn nào có vở diễn mới là tôi có mặt ghi lại những hình ảnh vở diễn. Tôi đi tới tận Quy Nhơn, Rạch Giá…, nhờ vậy mà có được một kho phim quý giá, lưu giữ đến hôm nay”.
Kho ảnh khổng lồ của ông về sân khấu, gồm hình ảnh 550 vở tuồng cải lương của 50 đoàn hát lớn nhỏ và hình ảnh một số sự kiện sân khấu quan trọng diễn ra ở Sài Gòn từ năm 1954 - 1968 bằng phim trắng đen, ông đã không quản công giữ gìn, bảo quản kỹ lưỡng.
Đến năm 2009, lần đầu tiên ông cầm nhà, lấy tiền làm hoàn chỉnh gần 200 bức ảnh “nữ hoàng sân khấu” Thanh Nga khổ lớn, trao tặng cho Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ để thực hiện đợt triển lãm ảnh “Nghệ sĩ Thanh Nga - Những vai diễn tiêu biểu” tại Nhà hát Bến Thành.
Vui vì mình còn bảo quản, lưu giữ được kho hình ảnh đắt giá của sân khấu cải lương xưa, nhưng ông cũng rất lo lắng vì đã trải qua hơn 50 năm, nay tuổi cao, sức yếu, ông sợ đến một lúc nào đó không còn sức khỏe, minh mẫn thì tài sản quý giá này không được bảo quản cẩn thận.
Có một giai đoạn, ông nảy ra ý định muốn nhượng lại toàn bộ phim ảnh của mình cho người có điều kiện bảo quản tốt hơn. Có người đã tìm đến ông, trả giá 1 triệu đồng/phim một vở tuồng, lúc này vàng chỉ có 7,5 triệu đồng/lượng. Nhưng sau khi suy nghĩ, ông quyết định không bán. Mãi sau này, khi liên lạc được với Bảo tàng TPHCM, ông đã quyết định trao lại kho tư liệu ảnh quý giá này cho bảo tàng.
Luôn nhiệt huyết với cải lương
Nhiếp ảnh gia Huỳnh Công Minh tâm tư: “Nhìn lại quãng đường đã qua, tôi thấy mình có nhiều may mắn, từ chụp hình dạo, lấn sang chụp hình sân khấu, chụp hình cho báo, rồi dấn thân vào nghề viết báo với bước đầu làm thông tín viên kịch trường, sau này cộng tác với nhiều tờ báo thành phố viết về lĩnh vực sân khấu, âu đó cũng là duyên nghiệp của tôi”.
Trong hành trình gắn bó với sân khấu, ông rất tâm huyết với sàn diễn nghệ thuật cải lương nên đã tự đầu tư viết và xuất bản 5 tập san “Vang bóng một thời - Sân khấu cải lương Sài Gòn”, in lần đầu 2.000 bản vào năm 2006, tập san được tái bản lần hai với 1.000 cuốn. Đó là sản phẩm báo chí ghi lại nhiều góc nhìn về sân khấu cải lương xưa đăng cùng với nhiều hình ảnh tư liệu quý giá.
100 năm sân khấu cải lương, với những người gắn bó với cải lương và chứng kiến từng bước thăng trầm của loại hình nghệ thuật này, như ông Huỳnh Công Minh, thì những ý kiến đóng góp để bảo tốn và phát huy chất “thật và đẹp” của cải lương là rất đáng trân trọng.