Đồng hành với cộng đồng
Qua cơn thất thần, người đàn ông từ tốn chia sẻ, ông và 2 người em gái “ở vậy” chăm nhau, trong ngôi nhà được ba mẹ di chúc cho cả 3 người. Họ thống nhất để một trong 3 người đứng tên trên giấy tờ nhà. Một sáng nọ, bất ngờ ai đó đặt trước cửa nhà một em bé đỏ hỏn, em gái ông - đại diện “chủ nhà” - đã làm thủ tục nhận làm con, đặt tên là X. Dưới mái nhà chung, họ rất mực thương yêu, cùng nhau nuôi dạy bé X. Thời gian trôi mau, X. lớn khôn, lập gia đình, nhưng không lâu thì “chủ nhà” mất. Từng là chốn an vui, nương náu của tất cả, ngôi nhà bỗng trở thành hố cách ngăn những người ở lại. Điều không ai ngờ tới là ở vào lúc tuổi già bóng xế, ông và người em gái còn lại lại rơi vào cảnh có thể “ra đường” bất cứ lúc nào, vì X. quả quyết ngôi nhà là tài sản được thừa kế từ mẹ.
Lắng nghe câu chuyện và với kinh nghiệm dạn dày trong tư vấn xử lý các tranh chấp tài sản, bà Hậu bắt đầu tỉ mẩn thu thập tài liệu, từ di chúc đến nguồn gốc ngôi nhà. Bà đặc biệt dồn tâm sức tìm gặp X., kiên trì trao đổi, phân tích cả tình lẫn lý. Bà mong muốn X. hiểu bản thân đã may mắn ra sao khi được cả gia đình nhận chăm sóc từ nhỏ xíu. “Cuối cùng, X. đồng ý để 2 anh em của mẹ có quyền sở hữu một phần nhà, tiếp tục ở đó cho đến ngày cuối đời. Tôi mừng quá, vội mời tất cả ra phòng công chứng”, bà Hậu nhớ lại. Theo bà, vấn đề ở đây không phải chuyện tài sản thuộc về ai, mà là người đàn ông muốn cảm giác an toàn, “có quyền” để an tâm sống những ngày còn lại. “Anh em ông ấy cũng cam kết sau này sẽ để lại hết phần tài sản của mình cho X. Người già, có cần gì đâu”, bà Hậu chia sẻ câu chuyện với cái nhìn thấu suốt.
Ở tuổi 60, bà Hậu tự nhận là dân “khu phố 3” chính gốc. Bà nắm rõ sự đổi thay từng ngày của địa phương. Đời sống cộng đồng, nhất là trong nhiều gia đình, bên cạnh sự phát triển, kèm theo đó cũng có không ít nỗi niềm. “Vướng” nhất là trẻ đến tuổi đi học lại không có giấy tờ làm thủ tục nhập học, như trường hợp con trai của anh B. có nguy cơ thất học vì không có giấy khai sinh. Đã ở trọ quận khác, nhưng anh B. vẫn quay về gõ cửa nhà bà Hậu: “Con từng trọ ở đây, giờ con hết cách!”. Vợ chồng B. chưa đăng ký kết hôn. Từ nhỏ, vợ của B. rày đây mai đó theo cha mẹ, không có giấy tờ tùy thân, khiến con trai của B. cũng rơi vào cảnh như mẹ.
Bà Hậu ngẫm nghĩ: “Chỉ còn cách nhận cha cho con, mà muốn vậy phải xét nghiệm ADN”. Khi có kết quả, bà tiếp tục kết nối giúp anh B. gặp chính quyền trình bày, cùng B. đôn đáo bổ túc các giấy tờ. Bà thở phào trong ngày B. được công nhận là cha của đứa trẻ, rồi làm được hồ sơ cho con kịp đến trường. “Thành công, cũng là cố gắng nhất của tôi là giúp được nhiều đứa trẻ đến trường và chị em khó khăn, yếu thế có nguồn vốn làm ăn”, bà Hậu trầm tư. Dọc một số con đường ở khu phố 3, có tiệm giặt sấy của chị K., quán cà phê của chị L., quầy bún riêu của chị M… Những sinh kế ấy đều từ sự hỗ trợ của bà Hậu. Nhiều trường hợp, bà phải đánh cược, bảo lãnh để hội liên hiệp phụ nữ địa phương chấp thuận cho vay vốn. Bà Hậu chia sẻ: “Có khi vợ cầm vốn, chí thú làm ăn mà chồng “phá” quá mình cũng lo, nhưng không đành để các chị khổ sở. Nên giúp rồi mình vẫn đồng hành, động viên họ nỗ lực vươn lên”.
Ai cũng là thầy!
Gói trong chữ “duyên” khi nhắc lại điều khiến mình đến và gắn bó với công tác phụ nữ, bà Hậu kể, bấy giờ, địa phương đang tìm một “hậu bối” và Trương Thị Hậu trong mắt nhiều người là cô gái đầy sáng tạo, năng động, thương người nên đã được đề cử. Giữ vai trò cánh tay nối dài của hội ở cơ sở, bà Hậu không đợi người dân gặp chuyện mới “gõ cửa” đến mình. “Kỹ năng lắng nghe rất quan trọng. Nhưng để người ta mở lòng thì mình phải có cách tiếp cận, gần gũi, gợi chuyện trước”, bà Hậu nêu bí quyết. Phương pháp là vãng gia để có cơ hội chạm gần hơn đến các gia đình có vấn đề, đồng thời trao cam kết “biết đâu tôi có thể là một chỗ dựa”.
“Đổi lại, ngủ cũng ít khi tròn giấc”, bà Hậu bật cười, bất giác nhìn chiếc điện thoại - vật bất ly thân bởi thấu suốt “chuyện các gia đình “gấu ó” phần lớn xảy ra trong đêm”. Bà trải lòng, nhiều cuộc gọi cầu cứu lúc giữa đêm, chậm nghe một chút cũng có khi thành quá muộn.
Với bà Hậu, hạnh phúc là khi xử lý thành công một tình huống nan giải, giúp đỡ được một người gặp trắc trở, khó khăn. Để có thể đồng hành với nhiều người và mang lại thật nhiều hạnh phúc, bà Hậu không ngừng học hỏi. Bà bộc bạch: “Biết mình có thể góp phần làm ấm êm một gia đình, ấm êm một đoạn đường, góc phố… tôi luôn dặn mình phải cố gắng từng ngày”. Cố gắng đó không chỉ là sự trau dồi, tìm tòi qua sách báo, mà với bà, ai cũng có thể trở thành “thầy” mình, trao cho một bài học từ cách sống hay chuyện đời của chính họ.
Năm 2023, bà Trương Thị Hậu là một trong các điển hình được Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam TPHCM tuyên dương có nhiều đóng góp tích cực cho hoạt động tư vấn cộng đồng giai đoạn 2012-2022. Trước đó, bà được Thành ủy TPHCM khen thưởng là cá nhân thực hiện tốt “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” (2016-2021)...