Nhiều hộ dân còn giấu dịch
Bất chấp nỗ lực ngăn chặn, dịch tả heo châu Phi vẫn bùng phát trên diện rộng ở tỉnh Quảng Trị. Chị Nguyễn Thị Vinh, ở thôn Hướng Phương, xã Quảng Trạch, từng tin tưởng hệ thống phòng dịch ở trang trại nuôi heo của gia đình nhà mình với quy mô hơn 200 con, khu trang trại cách biệt, kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện ra vào cũng như đã rắc vôi bột, khử trùng đầy đủ, vậy mà trong vòng 5 ngày đã có 56 con heo đổ bệnh, chết.

Theo ông Dương Viết Phương Tuấn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Trị, dịch bùng phát nhanh là do thời tiết cực đoan, nắng nóng kéo dài đan xen với mưa giông, tạo điều kiện thuận lợi cho virus tồn tại và phát tán. Việc buông lỏng quản lý đầu vào con giống, phương tiện vận chuyển, tỷ lệ tiêm phòng thấp, cùng tâm lý chủ quan của một bộ phận người chăn nuôi càng khiến tình hình thêm phức tạp. Nhiều hộ không khai báo khi phát hiện dấu hiệu bệnh mà chờ đến khi heo chết hàng loạt mới báo, nên khó kiểm soát. Chung cảnh ngộ, nhiều hộ chăn nuôi ở các tỉnh Quảng Ngãi, Gia Lai đang “ngồi trên đống lửa” khi dịch tả heo châu Phi lây lan mạnh.
Tại tỉnh Quảng Ngãi, từ ngày 1-7 đến nay, dịch tả heo châu Phi bùng phát tại 184 cơ sở, 78 thôn của 15 xã, phường gây thiệt hại gần 1.300 con heo. Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh này huy động tất cả nguồn lực đến các tâm điểm dịch nhằm hạn chế tối đa thiệt hại cho người chăn nuôi.
Người tiêu dùng ở Huế quay lưng với thịt heo
TP Huế từ đầu năm 2025 đến nay có 37 trường hợp mắc liên cầu khuẩn lợn; trong đó, 14 ca khỏi bệnh, 1 ca tử vong và 3 ca bệnh nặng xin về. Ông Trần Kiêm Hảo, Giám đốc Sở Y tế TP Huế, cho biết, đã yêu cầu các đơn vị tăng cường giám sát dịch bệnh tại cộng đồng, phối hợp chặt chẽ với ngành nông nghiệp, cơ quan thú y, thực hiện nghiêm quy chế phối hợp về phòng, chống bệnh lây truyền từ động vật sang người. Trong khi đó, nhiều người dân ở Huế lo ngại, e dè không chọn mua thịt heo làm thức ăn trong bữa cơm hàng ngày. Lượng người mua giảm mạnh khiến không ít tiểu thương bán thịt heo ở các chợ An Cựu, Bến Ngự, Đông Ba… phải nghỉ bán tạm thời, còn người chăn nuôi lao đao.
Ông Nguyễn Lê Tâm, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Huế, chia sẻ, có một yếu tố "bất thường" trong việc kiểm soát bệnh liên cầu khuẩn lợn khiến nhiều người nhập viện ở Huế. Đó là dù Huế ghi nhận hàng chục ca nhập viện do liên cầu khuẩn, nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn chưa ghi nhận ổ dịch bệnh lớn như heo tai xanh, tả heo châu Phi… xảy ra trên đàn heo ở địa phương. Trong khi ở hai địa phương lân cận đã có ghi nhận dịch tả heo châu Phi bùng phát.