Lòng từ tâm, nhân ái
Vào một sáng sớm mưa rả rích, khi mới thức dậy dọn dẹp chuẩn bị một ngày mới, anh Chánh nghe có tiếng trẻ con khóc trước cửa nhà. Anh ra mở cửa và thấy một em bé sơ sinh nằm trong cái thùng carton nhỏ.
Anh kể: “Bé còn đỏ hỏn, vừa mới sinh chừng vài tiếng, chưa được cắt dây rốn, toàn thân đầy nhớt, cuốn trong một chiếc áo mỏng, cũ kỹ. Những giọt mưa rơi xuống đất hắt vào, khiến khuôn mặt nhỏ nhắn của bé bị nhòe nước mưa lẫn đất cát. Quá xót xa khi nhìn thấy cảnh đó, tôi vội vã ôm cháu đưa vào nhà”.
Vì còn quá sớm, không thể đưa bé đi bệnh viện để kiểm tra sức khỏe, anh Chánh nhờ người nấu nước ấm, lau người cho bé. Chính anh hút hết nhớt, đàm trên người, trên mặt cho đứa trẻ bởi sợ bé không thở nổi.
Anh cũng là người ôm bé rất lâu, bởi anh nghĩ bé mới sinh rất cần hơi ấm của tình người. Đến sáng, anh báo UBND phường, nhân viên y tế phường đã đến thăm khám, cắt dây rốn cho bé. Một thời gian sau, anh hoàn tất các thủ tục nhận nuôi đứa bé, đặt tên con là Nguyễn Minh Quang, với mong muốn sau này cuộc đời em bé sẽ tươi sáng.
Nay bé Minh Quang đã cứng cáp, khỏe mạnh, vẻ mặt lanh lợi. Anh Chánh không còn nhớ bao nhiêu lần đã đón những đứa bé côi cút như vậy đến với cuộc đời mình. 10 năm qua, anh đã làm cha nuôi của nhiều đứa trẻ ở Mái ấm Thánh mẫu La Vang, dù bản thân kinh tế không quá giàu có.
Mái ấm nhỏ của anh và các con đã được UBND phường Bình Hưng Hòa A cấp giấy phép hoạt động từ tháng 5-2016. Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND phường Bình Hưng Hòa A, là người rất quan tâm đến mái ấm và thường xuyên đến thăm các cháu ở đây, nhận xét: “Đây là một trong những mái ấm cưu mang trẻ mồ côi, bất hạnh trên địa bàn phường có cơ sở vật chất khá tốt, các cháu được chăm sóc chu đáo. Tôi rất ấn tượng với hình ảnh anh Chánh đưa đón mấy đứa nhỏ đi học, rất tình cảm. Nhìn thấy niềm vui của các cháu, cũng hiểu được tình thương anh dành cho tụi nhỏ lớn đến như thế nào”.
Chắp cánh ước mơ cho trẻ
Trước đây, khi đang học lớp 12, anh Chánh mắc căn bệnh ký sinh trùng não, buộc phải tạm thời nghỉ học hơn một năm rưỡi. Có những dự định trong tuổi trẻ đã dang dở. Sau này, khi đã hết bệnh, rồi đi học lại, đi làm thêm, phục vụ trong nhà hàng, quán cơm, mỗi lần thấy đồ ăn còn rất ngon bị dư thừa, anh thường xin cho vào hộp mang về. Những hộp thức ăn ngày đó, anh thường mang cho những đứa trẻ lề đường, cơ nhỡ, sống không nhà cửa.
Nhìn các bé ăn ngấu nghiến, vô tư, trong lòng anh tràn lên một tình thương khó tả. Ngày tháng cứ trôi qua, đến một ngày, anh nhận nuôi dưỡng luôn mấy đứa nhỏ.
May mắn cho mái ấm của anh Chánh, cảm mến tấm lòng hào hiệp và yêu trẻ của anh, một số mạnh thường quân sốt sắng giúp đỡ gạo, muối, đường, mì tôm, bột ngọt…, hoặc lo một phần học phí cho mấy đứa nhỏ. Các tiểu thương bán thịt, rau củ quả ở chợ Bình Thuận, chợ Hoàng Hoa Thám gần nhà cũng ủng hộ thực phẩm hàng ngày.
Ngoài ra, anh Chánh còn kinh doanh shop hoa tươi, hoa vải, để có thêm tiền mua sữa, tã, học phí cho các con. Sau này, anh Chánh thuê thêm 5 cô về cùng chăm sóc trẻ. Cuộc sống gia đình do người cha trẻ gầy dựng không hề dễ dàng. Bởi nuôi một đứa trẻ đã khó, anh Chánh lại là cha của nhiều đứa trẻ, khó khăn, bận rộn đến nhường nào.
Hiện tại mái ấm của anh Chánh đang nuôi khoảng 26 trẻ. Các em là trẻ mồ côi, trẻ bị cha mẹ bỏ rơi, trẻ nghèo khó ở vùng sâu vùng xa… Mỗi em là một số phận, một cuộc đời, một nỗi đau riêng mà anh đã đọc những cuộc đời đó bằng yêu thương, chia sẻ mỗi ngày.
Anh Chánh kể: “Để nuôi được mấy chục bé trong nhà không dễ, bởi không phải chỉ cho các bé ăn uống, ngủ nghỉ, mà còn phải dành tình thương, giáo dục trẻ mỗi ngày. Với các cháu lớn hơn, đang trong độ tuổi dậy thì, tôi phải dành thời gian rất nhiều để định hướng. Cũng có lúc có con làm mình buồn chứ, vì các con đang ở độ tuổi dễ khủng hoảng, dễ nghe theo bạn bè bên ngoài trong thời gian đi học. Do đó, tôi thường đưa đón các con đi học mỗi ngày, uốn nắn các con biết suy nghĩ đúng đắn”.
Năm nay, niềm vui lớn của anh Chánh là mái ấm có 3 con vào đại học, cao đẳng. Các con được nuôi dưỡng cả chục năm nay, khi lớn vẫn ở lại phụ anh Chánh nuôi dạy các em lứa sau.
Ngày các con Trần Minh Quyền, Vũ Văn Thiên, Nguyễn Văn Sĩ vào đại học, lòng anh Chánh rộn ràng hạnh phúc. Quyền (23 tuổi) năm nay đã là sinh viên năm cuối ngành Kế toán Trường Đại học Lao động Xã hội TPHCM. Thiên (22 tuổi) cũng học ngành Kế toán tại trường này và còn học thêm kỹ thuật vi tính. Sĩ (18 tuổi) thì đang học năm nhất Trường Cao đẳng Tài chính TPHCM.
Em Vũ Văn Thiên kể: “Lúc 12 tuổi, nhà con rất nghèo, may mắn con đã được bố Chánh đưa về nuôi và cho ăn học. Vào đại học, bố cũng là người định hướng con đường nghề nghiệp, ước mơ. Lúc nào bố cũng ân cần chia sẻ về sự quan trọng của việc học với tụi con. Nhớ lại ngày đầu tiên gọi “bố”, con đã cảm thấy có một điểm tựa vững chãi khi đang bơ vơ giữa cuộc đời vốn nhiều khó khăn, bất trắc này”.