Sở Y tế TPHCM ghi nhận có 61,6% NCT bị tăng huyết áp, 25,68% NCT mắc và nghi ngờ đái tháo đường, 0,26% NCT có mức độ trầm cảm, lo âu từ vừa đến nặng; 18,3% người có dấu hiệu tiền suy yếu, 1,3% người có dấu hiệu suy yếu; 2,2% người cao tuổi có các hoạt động sống cơ bản hằng ngày (tắm, mặc quần áo, ăn uống, vệ sinh, tiêu tiểu, di chuyển) cần người khác hỗ trợ và 7,9% cao tuổi người cao tuổi có các hoạt động sinh hoạt hàng ngày (khả năng sử dụng điện thoại, mua sắm, chuẩn bị thức ăn, dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ...) cần người khác hỗ trợ.
Ngoài ra, cũng nhờ hoạt động khám sức khỏe NCT, 49.197 người cao tuổi lần đầu phát hiện bị tăng huyết áp (15%), 26.375 NCT nghi ngờ đái tháo đường (8%) mà trước đó chưa được phát hiện bệnh; bước đầu nhận diện mô hình sức khỏe của người cao tuổi đang sinh sống trên địa bàn thành phố để từ đó có các giải pháp can thiệp phù hợp nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho NCT. Tuổi thọ trung bình của người dân thành phố năm 2024 dự ước là 76,7 tuổi.
Theo số liệu từ Cục Thống kê, TPHCM bước vào thời kỳ “già hóa dân số” chậm hơn so với cả nước khoảng 6 năm (năm 2017, thành phố chính thức bước vào thời kỳ già hóa dân số với tỷ lệ trên 60 tuổi là 10,28%), tuy nhiên tốc độ già hóa dân số của thành phố đang diễn ra với tốc độ khá nhanh. Tỷ lệ này, vào năm 2017 là 10,28% (với 889.178 NCT), nhưng đến năm 2023 đã lên 11,33% (với 1.071.442 NCT). Tuổi thọ trung bình của người dân là 76,5 tuổi, có xu hướng giảm so với năm 2019 là 76,6 tuổi, do tỷ lệ tử vong liên quan đến tình hình dịch bệnh Covid-19 bắt đầu từ năm 2021.
"TPHCM đã bước nhanh vào tiến trình già hóa dân số và đang phải đối diện với các thách thức về già hóa dân số, già hóa dân số tại thành phố chịu sự tác động sâu sắc của mức sinh thấp, mức chết thấp và tuổi thọ trung bình tăng cao", Sở Y tế TPHCM thông tin.
Hiện chương trình chăm sóc sức khỏe NCT tại TPHCM đang gặp một số khó khăn, hạn chế như: việc tiếp cận đầy đủ các dịch vụ tư vấn và chăm sóc sức khỏe của NCT còn bị giới hạn, hệ thống chăm sóc sức khỏe chưa bắt kịp với tốc độ già hóa dân số ngày càng tăng. Các hoạt động chăm sóc sức khỏe NCT còn phân tán, riêng lẻ, chưa mang tính hệ thống và thiếu sự lồng ghép với các chương trình khác liên quan đến NCT.
Theo Sở Y tế TPHCM, về tổng thể, hạn chế trong chăm sóc sức khỏe NCT thể hiện trên một số khía cạnh: thiếu các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban ngày NCT; nguồn nhân lực cho chăm sóc sức khỏe NCT còn chưa được quan tâm phát triển; chất lượng chăm sóc người cao tuổi còn chưa cao; thiếu nguồn kinh phí tổ chức các hoạt động chăm sóc sức khỏe NCT già yếu neo đơn tại cộng đồng….
Hoạt động khám sức khỏe, phát hiện sớm bệnh không lây nhiễm ở NCT mặc dù luôn được theo dõi, giám sát và đề ra nhiều giải pháp kịp thời nhưng tỷ lệ khám sức khỏe vẫn còn thấp.
"Dân số người cao tuổi chưa thống nhất, số liệu dân số do công an thành phố cung cấp và thực tế do UBND TP Thủ Đức, quận, huyện cung cấp có sự chênh lệch cao gây khó khăn cho công tác rà soát danh sách NCT trên địa bàn khu phố không tham gia khám sức khỏe. Bên cạnh đó, người dân chưa có thói quen chú ý đến sức khỏe bản thân, chưa có thói quen khám và tầm soát bệnh tật; khi mắc bệnh thì họ nghĩ đến bệnh viện và chính vì vậy mà NCT không tham gia khám, tầm soát bệnh không lây tại các trạm y tế, trung tâm y tế", Sở Y tế TPHCM thông tin.