TS - bác sĩ Trần Quốc Cường, giảng viên Bộ môn Dinh dưỡng và An toàn thực phẩm (Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch), cho biết người cao tuổi bị SDD sẽ làm gia tăng các nguy cơ về sức khỏe như: tăng thời gian nằm viện, tăng tỷ lệ mắc bệnh, tăng nguy cơ tàn tật, giảm chất lượng cuộc sống và tăng tỷ lệ tử vong. Hiện SDD ở người cao tuổi là bệnh lý khá phổ biến nhưng rất ít người bệnh hay người nhà bệnh nhân quan tâm đúng mức.
“Ngoài lý do ăn uống không đủ, kém hấp thu, tăng thất thoát chất dinh dưỡng, thì việc cô đơn, ngại vận động, thiếu sự quan tâm chăm sóc từ con cái là nguyên nhân góp phần dẫn đến thực trạng SDD ở người cao tuổi”, bác sĩ Trần Quốc Cường cho biết.
Để tránh tình trạng SDD ở người cao tuổi, con cháu cần quan tâm trong việc tổ chức bữa ăn gia đình. Ở người cao tuổi có khó khăn trong nhai, nuốt, hoặc đường tiêu hóa khó hấp thu, cần thay đổi cấu trúc thực phẩm phù hợp. Có thể chế biến thực phẩm dưới dạng lỏng, nghiền nhuyễn, tán nhỏ, cắt nhỏ. Ngoài ra, có thể sử dụng các dược phẩm làm tăng khẩu vị cũng như sử dụng thuốc bổ sung vitamin và khoáng chất, nếu chế độ ăn không đáp ứng và người cao tuổi có nguy cơ SDD hoặc SDD.
“Con cái nên hướng dẫn người cao tuổi hoạt động thể lực 30 phút mỗi ngày ở cường độ trung bình, phù hợp với thể trạng và tình trạng bệnh lý để cơ thể khỏe mạnh và tăng cảm giác thèm ăn. Để người cao tuổi tiếp xúc ánh nắng mặt trời nhẹ khoảng 15-20 phút mỗi ngày, nhằm giúp da tổng hợp được vitamin D”, bác sĩ Trần Quốc Cường khuyến cáo.