Đầu năm 2022, đoàn lãnh đạo thành phố do đồng chí Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM, làm trưởng đoàn đã đến nhà trao huy hiệu 70 năm tuổi Đảng cho đồng chí Lâm Tư Quang.
Đây là danh hiệu cao quý mà Đảng dành tặng người cán bộ Hoa vận một đời trung kiên, hết lòng vì sự phát triển của đất nước và TPHCM. Khi ấy, ông Ba Toàn đã yếu nhưng vẫn còn minh mẫn nói về công tác vận động bà con người Hoa.
Ông nói, người Hoa yêu nước nhiều lắm, thời kỳ làm công tác Hoa vận, có tới 300 người Hoa vốn không tham gia chính trị, chỉ làm ăn nhưng sẵn lòng ủng hộ kháng chiến. Có người ủng hộ cả 10 triệu đồng, là một khối tài sản khổng lồ thời ấy. Câu chuyện dù có gián đoạn do ông mệt và cũng không còn nhớ nhiều, nhưng vẫn giúp chúng tôi thấy được ông Ba Toàn đã dành rất nhiều tâm huyết trong công tác Hoa vận.
Từ một nhà tư sản yêu nước, ông Lâm Tư Quang đã có nhiều đóng góp trong phong trào đấu tranh của dân tộc. Ông từng giữ nhiều vị trí quan trọng như: nguyên Ủy viên Thành ủy Sài Gòn - Gia Định, nguyên Quyền Trưởng ban Hoa vận Thành ủy TPHCM, nguyên Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng (SGGP) Hoa văn, nguyên Giám đốc Xí nghiệp quốc doanh Chế biến hàng xuất khẩu Cầu Tre.
Câu chuyện mà nhiều người vẫn nhắc về ông Ba Toàn khi còn là Giám đốc Xí nghiệp quốc doanh Chế biến hàng xuất khẩu Cầu Tre chính là người nghĩa khí và liêm chính. Khi ấy, ông chỉ là một giám đốc đơn vị nhưng đã giúp sức vào công cuộc tìm đường lối đổi mới kinh tế.
Ông là một trong các giám đốc góp sức thực hiện làm mẫu thực tế cho công cuộc “xé rào” của TPHCM rất gian nan, nhưng sau này bước đi ấy được áp dụng trong nền kinh tế vào những năm 1980 và được ghi nhận trong lịch sử phát triển của đất nước và TPHCM.
Còn công việc làm báo của ông Ba Toàn đã bắt đầu từ những năm 1961, khi đó ông đã trực tiếp chỉ đạo tổ in ấn làm việc trong hầm bí mật ở nội thành. Công việc chủ yếu được thực hiện thủ công để in tài liệu tuyên truyền bằng tiếng Hoa. Lúc bấy giờ trong Ban Tuyên huấn Hoa vận ngoại trừ chủ nhiệm là ông Lâm Tư Quang, còn có các đồng chí khác: Lâm Cúc, Quách Thanh, Trần Khai Nguyên, Lâm Liên Thành, Hàn Mai, Mỹ Hương và Trần Khai Hùng.
Từ lòng yêu nước nồng nàn họ trở thành những người tiên phong sáng lập ra tờ báo cách mạng Hoa văn. Nội dung tờ báo lúc bấy giờ là tuyên truyền những tin chiến thắng của quân kháng chiến cũng như chủ trương chính sách của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam để cổ vũ cho nhân dân cùng tham gia đấu tranh.
Sau khi miền Nam giải phóng, ông Lâm Tư Quang trở thành Tổng Biên tập đầu tiên của Báo SGGP Hoa văn. Có lần, ông Ba Toàn tự hào kể lại rằng ngay sau ngày giải phóng, tờ báo SGGP Hoa văn đầu tiên được xuất bản đã thu hút rất nhiều độc giả đến mua báo. Trong một ngày đã bán hơn 70.000 tờ. Đó là niềm tự hào không chỉ của riêng ông.
Cơ duyên được làm việc cùng ông Ba Toàn khi mới chuyển công tác từ Hà Nội vào làm việc tại Báo SGGP Hoa văn năm 1976, dù không nhiều lần gặp mặt, nhưng ông Lục Tiến Nghĩa (sau này Phó Tổng Biên tập Báo SGGP Hoa văn) vẫn nhớ về người thủ trưởng hiền hòa sống lạc quan, yêu đời, yêu cuộc sống.
“Anh Ba Toàn khi ấy ngoài là Tổng Biên tập Báo SGGP Hoa văn, còn kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ khác nên anh vô cùng bận rộn. Tôi nhớ rõ nhất ở anh là người sống tình cảm nhưng quan điểm vững vàng. Anh còn là người có nhiều biện pháp hay để phát triển công ty sau khi chuyển sang làm kinh tế”, ông Lục Tiến Nghĩa nhớ lại.
Những người như chúng tôi, thế hệ lớn lên sau này chỉ được nghe kể và quý trọng chú Ba Toàn, bởi ông là cán bộ người Hoa lão thành tham gia cách mạng từ năm 17-18 tuổi. Ông đã dành cả tuổi trẻ đóng góp cho đất nước và tuổi già lại tiếp tục có những đóng góp công sức khi địa phương, cộng đồng cần đến.
Lần được đến nhà thăm ông, chúng tôi ngưỡng mộ biết bao khi thấy các phần khen thưởng của Đảng, Nhà nước trao tặng được ông trang trọng treo trên tường: Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất, Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng nhất, Huân chương Độc lập hạng nhất. Đó là những minh chứng, niềm tự hào về cả một đời cống hiến của người cán bộ Hoa vận ấy.