Đại biểu HĐND… không hiểu chuyên môn
Ông Phan Trần Nam, Phó Ban Văn hóa xã hội (VHXH) của HĐND tỉnh Quảng Bình, cho biết: “Vừa qua, Ban VHXH tiến hành giám sát nhiều vấn đề văn hóa, trong đó có vấn đề phòng khám đa khoa của các trung tâm y tế tuyến huyện, thành phố. Thấy việc đã có bệnh viện đa khoa tuyến huyện rồi thì không nên tồn tại phòng khám đa khoa của các trung tâm y tế, vì thế tôi đã chất vấn câu hỏi này trước HĐND tỉnh”.
Tại kỳ họp thứ 12 (diễn ra từ ngày 10 đến 12-12-2019), HĐND tỉnh Quảng Bình có nghị quyết xóa 7/8 phòng khám đa khoa của các trung tâm y tế tuyến huyện, thành phố. Ông Nguyễn Đức Cường, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Bình, cho biết: “Cá nhân tôi đã giải trình với HĐND tỉnh là việc thành lập phòng khám đa khoa thuộc trung tâm y tế huyện đúng thẩm quyền, không phát sinh thêm nhân sự, không phát sinh thêm tổ chức, bộ máy mà thuộc quy chế chuyên môn nghiệp vụ nhằm làm tốt lĩnh vực y tế dự phòng, đặc biệt là thực hiện tốt các chuyên khoa về mục tiêu quốc gia sức khỏe người dân mà bệnh viện đa khoa không được khám theo quy định. Nôm na là các phòng khám đa khoa này là nơi khám cho các bệnh mãn tính và bệnh truyền nhiễm, còn bệnh viện đa khoa huyện là nơi khám bệnh cấp tính. Tuy nhiên, khi chủ tọa HĐND tỉnh đã kết luận thì Sở Y tế trước mắt phải chấp hành, rút giấy phép các phòng khám đa khoa này”.
Bác sĩ Lại Văn Hải, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Lệ Thủy, cho rằng: “Đại biểu HĐND thực hiện quyền giám sát nhưng không hiểu rõ chuyên môn ngành y nên đánh đồng bệnh viện đa khoa tuyến huyện với phòng khám đa khoa của trung tâm y tế huyện khiến hàng ngàn bệnh nhân không được khám chữa bệnh đúng phác đồ, gây ra tai hại rất lớn và khó lường cho xã hội. Riêng Phòng khám Đa khoa huyện Quảng Trạch không bị rút giấy phép vì là huyện mới thành lập, chưa xây bệnh viện đa khoa. Đây hoàn toàn thuần túy chuyên môn mà Ban VHXH đã không hiểu, trong quá trình giám sát không giám sát ở trung tâm của tôi để được giải thích rõ ràng, mà giám sát ở đâu tôi lại không được tham vấn trước khi đưa ra chất vấn, dẫn đến đi sai… cả dặm”.
Thụt lùi chương trình mục tiêu quốc gia
Theo bác sĩ Lại Văn Hải, phòng khám đa khoa của trung tâm y tế tuyến huyện khám các chuyên khoa thuộc chương trình mục tiêu quốc gia gồm: lao, tâm thần, da liễu, mắt, bướu cổ, HIV, tiêm chủng mở rộng, dịch vụ kế hoạch hóa gia đình… Việc bị rút giấy phép hoạt động các phòng khám này khiến hàng ngàn bệnh nhân thuộc đối tượng này không được khám theo chương trình mục tiêu quốc gia, bệnh nhân không biết đi đâu vì bệnh viện đa khoa tuyến huyện không được cấp phép khám những chương trình quan trọng như thế do không có bác sĩ các chuyên khoa này được đào tạo bài bản. Hơn nữa, muốn điều trị phải có phác đồ chuẩn. “Bệnh viện đa khoa không thể khám lao và chứng nhận bệnh nhân lao để nhận thuốc hay chứng nhận cho người bệnh tâm thần, HIV… Chúng tôi đang lo việc lây chéo trong cộng đồng vì họ không được tiếp tục khám khi phòng khám bị tước giấy phép” - Bác sĩ Hải giải thích.
Bác sĩ Lại Văn Hải cũng cho biết, do yêu cầu của các bệnh nhân và tình hình thực tế nên dù phòng khám đa khoa bị tước giấy phép nhưng các bác sĩ của Trung tâm Y tế huyện Lệ Thủy vẫn phải khám chữa bệnh “chui” các chuyên khoa mục tiêu quốc gia vì bệnh viện đa khoa huyện không khám được. Biết là trái phép nhưng không thể từ chối bệnh nhân mà phải cứu chữa trước rồi báo cáo sau.
Các trung tâm y tế tuyến quận huyện trên toàn quốc đều phải thành lập phòng khám đa khoa để tiến hành khám các chuyên khoa thuộc chương trình mục tiêu quốc gia, khám sàng lọc nhiều bệnh xã hội theo quy định nhằm tránh lây nhiễm chéo, tránh quá tải cho các bệnh viện đa khoa huyện và tỉnh. Riêng tỉnh Quảng Bình, chỉ vì đại biểu HĐND giám sát nhưng thiếu chuyên môn khiến người bệnh chịu thiệt vì không có chỗ khám, trong khi các phòng khám đã được đầu tư xây dựng đúng chuẩn Bộ Y tế nay đắp chiếu, gây lãng phí nghiêm trọng.
Trước việc này, ông Nguyễn Lương Bình, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Bình cho biết, đã tiếp thu phản ánh của nhân dân và sẽ tiến hành giám sát lại nhằm có tham mưu tốt hơn tại kỳ họp HĐND kỳ tới.