1. Đảo An Bang cách Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) 320 hải lý, có cấu trúc san hô dựng đứng nên bốn mùa sóng vỗ, việc ra vào đảo gặp nhiều khó khăn, nguy hiểm. Nhiều chuyến tàu từ đất liền đến thăm cán bộ, chiến sĩ trên đảo vào đúng mùa sóng dữ nên không thể vào được đảo. Nơi đây giống như các đảo, điểm đảo khác ở Trường Sa, được trang bị tủ sách với hơn 100 đầu sách về quân sự, lịch sử, văn học, kiến thức…
Trợ lý công binh Phạm Hoàng Trung (quê Hải Dương) kể, do đang thời gian huấn luyện nên anh chỉ tranh thủ thời gian rảnh rỗi để đọc. Phòng đọc của đảo cũng chính là hội trường. Những lúc không phải làm nhiệm vụ, anh Trung và các chiến sĩ thường lên hội trường mượn sách đọc trực tiếp, hoặc có thể mượn về phòng đọc trước lúc đi ngủ.
Anh Phạm Hoàng Trung hay tìm sách về truyền thống quân đội, sách về danh nhân, các vị tướng, tiểu thuyết liên quan đến các trận đánh, hay của các nhà văn quân đội kể về các giai thoại lịch sử.
Anh Trung chia sẻ: “Xem một bộ phim, mình chỉ xem được diễn biến, không nắm hết được hồn cốt của tác phẩm, nhưng sách thì được các nhà văn lột tả kỹ hơn. Sách kích thích trí tưởng tượng nhiều hơn”. Tác phẩm yêu thích của anh Phạm Hoàng Trung là tiểu thuyết Người của biển của nhà văn Đình Kính. Tác phẩm viết về Đoàn tàu không số, được anh Trung đọc đi đọc lại nhiều lần.
“Cuốn sách tác động đến tôi rất lớn. Có những lúc mệt mỏi, tôi nghĩ đến những chiến sĩ trong tác phẩm của nhà văn Đình Kính, nghĩ đến cha anh đi trước, như được tiếp thêm sức mạnh. Tác phẩm giúp tôi mạnh mẽ và bản lĩnh hơn”, anh Phạm Hoàng Trung bày tỏ.
2. Với chiến sĩ Trần Công Vĩnh (quê huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam), việc đọc sách được duy trì đều đặn vào cuối tuần hoặc những lúc rảnh rỗi. Theo chia sẻ của anh Vĩnh, thói quen đọc sách được anh tạo lập trước khi lên đảo. Đặc biệt, tranh thủ thời gian làm nhiệm vụ trên đảo An Bang, anh Trần Công Vĩnh còn dành thời gian để học tiếng Anh.
Tranh thủ lúc rảnh rỗi, chiến sĩ Trần Công Vĩnh tìm đến sách. Ảnh: HỒ SƠN |
Anh Vĩnh kể: “Tôi từng có thời gian làm việc tại TPHCM rồi mới vào quân ngũ. Ở TPHCM, tôi có cơ hội làm việc bán thời gian cho một công ty du lịch, được tiếp xúc với người nước ngoài nên cũng có biết một chút về tiếng Anh. Tuy nhiên, khi ra đảo, không thường sử dụng nên cũng bị quên nhiều rồi. Sau này xuất ngũ, tôi muốn được làm việc trong ngành ẩm thực. Bởi vậy, hiện tại, tôi đang ôn luyện từ vựng để có thể tìm kiếm những cơ hội công việc sau này”.
Theo chiến sĩ Trần Công Vĩnh, sách có nhiều nguồn kiến thức khác nhau, được tổng kết qua nhiều thế hệ. Khi đọc sách, sẽ tiếp thu được những kiến thức, kinh nghiệm mà người đi trước để lại. “Hồi còn đi làm, công việc cuốn đi, nhưng ra đảo, những lúc rảnh rỗi thì lại nhớ nhà. Những lúc đó, sách giúp tôi thư giãn, có thể tập trung vào trang sách nhiều hơn, từ đó giúp mình đỡ nhớ nhà”, anh Vĩnh tâm sự.
3. Ở một số đảo, điểm đảo, nhiều tác phẩm vừa ra mắt ở đất liền không lâu, ngoài đảo cũng có, như Đảo bạo bệnh (tác giả Đức Anh), Giáp mặt (Phạm Thanh Khương), Rễ người (Đoàn Hữu Nam), Kẻ truy sát (Lê Ngọc Minh), Đường 1C huyền thoại (Trầm Hương), hay bộ sách Tủ sách Văn học trong nhà trường của NXB Kim Đồng…
Theo Thiếu tá chuyên nghiệp Đoàn Thị Minh Hường (nhân viên Thư viện, Phòng Tuyên huấn, Cục Chính trị Hải quân), hàng tháng, hàng quý, Thư viện Quân chủng Hải quân đều tổ chức cấp phát sách, báo cho các đơn vị trong quân chủng, trong đó luôn ưu tiên các đơn vị làm nhiệm vụ trên các tàu, đảo xa, nhà giàn DK1...
“Với đặc thù hoạt động trên các vùng biển xa thường hạn chế sóng điện thoại, không có internet để cập nhật thông tin hàng ngày như các đơn vị trong đất liền. Vì vậy, đối với bộ đội hải quân làm nhiệm vụ trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc, sách thực sự trở thành người bạn đồng hành không thể thiếu”, Thiếu tá Đoàn Thị Minh Hường chia sẻ.