Bà Hường sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng. Năm 17 tuổi, bà đã nhập ngũ, làm giao liên ở Quân khu V tại Nam huyện Trà My, tỉnh Quảng Nam. Đến khi vừa tròn 20 tuổi, bà được kết nạp Đảng. Sau đó bà đi học bổ túc và học hệ trung cấp quản lý kinh tế, rồi làm việc tại Công ty Cầu đường 2 An Nhơn, Nghĩa Bình.
Năm 1991, bà về lại quê hương xã Nghĩa Thắng, lấy chồng và có 1 người con trai. Những năm sau đó, bà công tác tại địa phương, giữ chức Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Nghĩa Thắng.
Năm 2011, khi bà vừa nghỉ hưu cũng là lúc Trung tâm Nuôi dưỡng, phục hồi chức năng nạn nhân chất độc da cam/dioxin Nghĩa Thắng xây dựng hoàn thành, bà xung phong tham gia làm việc tại đây để giúp đỡ các em.
Bà Hường chia sẻ: “Vùng tôi đóng quân cũng bị nhiễm chất độc da cam, cây mì quéo lá, biến dạng, nhưng chúng tôi vẫn phải ăn, ăn để có sức làm việc. Tôi biết ở các vùng Nghĩa Thắng, Nghĩa Thọ, Nghĩa Lâm những năm bom đạn dày xéo, chất độc da cam đổ xuống trên mảnh đất quê hương này, khiến hàng trăm đứa trẻ sinh ra là nạn nhân chất độc này. Nghĩ về những năm tháng chiến trường, rồi làm trong Hội Phụ nữ, tôi thương cảm trẻ con nơi này và thấu hiểu nỗi lòng của các bậc làm cha mẹ”.
Trung tâm Nuôi dưỡng, phục hồi chức năng nạn nhân chất độc da cam/dioxin Nghĩa Thắng có diện tích khoảng 1.000m2, hiện đang nuôi dưỡng 15 em, cuộc sống các em vô cùng khó khăn và không có cơ hội tham gia các hoạt động xã hội.
Ngày đầu khi nhận việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ, bà Hường gặp ngay một tình huống khẩn cấp. Đó là Nguyễn Văn Lời (sinh năm 1978, xã Nghĩa Thắng) bất ngờ lên cơn co giật, bị ngã từ trên giường xuống đất, vừa la hét, rất nguy hiểm. Bà Hường nói: “Lúc đó trời rất nắng nóng, Lời tự nhiên lên cơn, tôi lo lắng, vừa chạy đến, vừa nâng đầu em lên gối, một hồi lâu thì em trở lại bình thường”.
Về sau, bà Hường hỏi thăm gia đình thì được biết cha mẹ Lời đều tham gia cách mạng, sinh Lời ra bị nhiễm chất độc da cam. Khi trời nắng nóng, Lời rất khó chịu. Lúc này, chỉ cần kê cao đầu, sau đó để yên cho Lời nằm đó đến một lúc sau sẽ hồi tỉnh, rồi xoa bóp tay chân thì em sẽ lại bình thường.
Bà Hường kể: “Mỗi em có những dị tật, biểu hiện bệnh lý khác nhau, thậm chí mất ý thức và không tự chủ vệ sinh. Thế nhưng, vì tình thương và trách nhiệm dành cho các em mà tôi quyết tâm giúp các em vượt qua khó khăn, rèn luyện các em giờ ăn, giấc ngủ, học cách chăm sóc bản thân, vui chơi cùng các bạn”.
Hiện tại trung tâm, phụ huynh đưa con đến buổi sáng và đón con vào chiều tối, nên các cháu chỉ có một bữa cơm trưa. Trước đây, suất ăn của các em từ các nguồn hỗ trợ, vận động, đến năm 2020, HĐND tỉnh Quảng Ngãi thông qua hỗ trợ tiền ăn cho trẻ em khuyết tật thuộc gia đình hộ nghèo và hộ cận nghèo tại các cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập, suất ăn các em được nâng lên 20.000 đồng/suất. Trong 15 em thì chỉ có 9 em thuộc hộ nghèo, cận nghèo được nhận hỗ trợ suất ăn trên, còn lại các em khác là từ các nguồn kêu gọi, vận động.
Để đảm bảo bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng, bà Hường trồng thêm các loại cây, rau, củ quả trong khuôn viên trung tâm. Mùa nào rau củ quả nhiều, bà Hường mang ra chợ bán rau đổi thịt, cá. Nhiều người xung quanh biết bà Hường nấu ăn cho các em nên cũng mang gửi chút “cây nhà lá vườn” để góp vào suất ăn cho các em.
70 năm tuổi đời, 50 năm tuổi Đảng và hơn 13 năm gắn bó với trung tâm, dù với mức trợ cấp vừa là tiền lương chỉ 1,5 triệu đồng/tháng nhưng chỉ cần vẫn còn khỏe mạnh, bà vẫn ở lại, dành hết tình yêu thương cho trẻ em nơi đây.
Ông Lê Văn Tiền, Giám đốc Trung tâm, cho biết: “Trên địa bàn tỉnh có rất nhiều trẻ em bị nhiễm chất độc da cam nhưng trung tâm chỉ có thể nhận 15-20 em/năm để đảm bảo khả năng nuôi dưỡng, chăm sóc. Cả trung tâm chỉ có 3 người là tôi, bà Hường và một cô phụ trách y tế kiêm văn thư, chúng tôi gắn bó với trung tâm chủ yếu là từ cái tâm mà ở lại, giúp các em vượt qua khó khăn, tự tin hòa nhập xã hội”.
Ông Tiền cho biết, cơ sở hạ tầng hiện nay của trung tâm đã xuống cấp nghiêm trọng: sân chơi trẻ em bị hỏng, một khoảnh sân vẫn là sân đất, các phòng bị hư hỏng do bão năm 2020 đến nay không có kinh phí để khắc phục... Việc vận động, kêu gọi hỗ trợ cũng ngày càng khó khăn, chỉ có dịp lễ, tết, các đơn vị, doanh nghiệp mới đến thăm các em và tặng quà.