Cuộc chiến chống bệnh viêm não
Chuyên ngành vi sinh, thật ra ban đầu khá xa lạ với bác sĩ Phương Liên, nhưng khi đã lăn lộn với nghề, nhất là những tháng năm một sống một còn ở chiến trường Khu V, bác sĩ Phương Liên nhận ra đó là một hướng đi khá may mắn đối với bản thân. Bởi chính nhờ đi sâu vào nghiên cứu vi sinh mà lần đầu tiên ở nước ta, nhóm bác sĩ, kỹ thuật viên của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương Hà Nội do bác sĩ Phương Liên làm chủ đề tài, hoàn thiện công nghệ sản xuất vaccine viêm não Nhật Bản.
Trở về lại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương làm việc sau 6 năm ở chiến trường, bác sĩ Phương Liên được cử đi nghiên cứu sinh ở CHDC Đức đến năm 1987, sau đó được giao làm Chủ nhiệm Khoa Virus, phụ trách 11 phòng thí nghiệm của Viện Vệ sinh dịch tễ. Một năm sau, bác sĩ Phương Liên lại được cử sang Nhật học công nghệ sản xuất vaccine viêm não Nhật Bản từ não chuột (vaccine thế hệ 1). Đây là vaccine bất hoạt, tinh khiết, được Tổ chức Y tế thế giới công nhận chất lượng và cấp phép lưu hành trên thị trường thế giới. Riêng ở Việt Nam, năm 1997, Bộ Y tế chính thức đưa vaccine viêm não Nhật Bản vào chương trình tiêm chủng mở rộng hàng năm. Nhờ vậy mà bệnh viêm não Nhật Bản ở nước ta đã giảm rất nhiều.
Từ những thành công kể trên, uy tín của vaccine viêm não Nhật Bản - một sản phẩm công nghệ cao của Việt Nam đã xuất khẩu trên 5 triệu liều ra nước ngoài. Đây là lần đâu tiên nước ta có vaccine xuất khẩu. Và điều có ý nghĩa nhất là từ năm 1994 đến nay, trên cả nước chưa có một trường hợp nào bị tai biến do sử dụng vaccine viêm não Nhật Bản của Viện Vệ sinh dịch tễ sản xuất. Đó là phần thưởng vô giá đối với các bác sĩ ngành vi sinh học Việt Nam.
Đến tuổi được nghỉ hưu, người bác sĩ đã từng tham gia “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” ấy thấy mình vẫn còn nợ cuộc đời nhiều lắm. Thế là năm 2006, bác sĩ Phương Liên bắt tay vào nghiên cứu công nghệ mới trong sản xuất vaccine viêm não Nhật Bản bất hoạt sản xuất trên tế bào Vero, là vaccine thế hệ 2 để chuẩn bị thay thế vaccine thế hệ 1, sản xuất từ não chuột. Đến năm 2018, bác sĩ Phương Liên được Bộ KH-CN chỉ định làm chủ nhiệm đề tài độc lập cấp nhà nước: “Nghiên cứu đánh giá tính an toàn và sinh miễn dịch trên người đối với vaccine viêm não Nhật Bản sản xuất trên tế bào Vero JECEVAX Vabiotech Việt Nam”.
Sau khi đưa vào thử nghiệm lâm sàng trên người lớn và trẻ em, vaccine JECEVAX cho kết quả rất an toàn, dung nạp tốt, đáp ứng kháng thể từ 99,6%-100% so với vaccine đối chứng. Tháng 1-2019 vaccine thế hệ 2 này được chọn là sản phẩm quốc gia trong chương trình khoa học công nghệ cấp nhà nước. Triển vọng năm 2021 vaccine viêm não Nhật Bản thế hệ 2 JECEVAX chất lượng cao sẽ được sản xuất để tiêm phòng bệnh viêm não Nhật Bản cho người dân.
Chính nhờ công trình nghiên cứu sản xuất vaccine phòng bệnh viêm não Nhật Bản của GS-TS - Thầy thuốc Nhân dân Huỳnh Phương Liên và các cộng sự mà căn bệnh viêm não Nhật Bản ngày nay không còn là nỗi ám ảnh kinh hoàng của các bậc làm cha mẹ.
Tốt nghiệp phổ thông, Huỳnh Phương Liên theo học ngành y đến năm 1966 tốt nghiệp Đại học Y khoa Hà Nội thì tình nguyện về quê hương Khu V tham gia chiến đấu. Được phân công chuyên khoa vi sinh, cô sinh viên vừa ra trường thật sự thất vọng. Đã ra mặt trận thì phải tham gia mổ xẻ, băng bó thương binh chứ sao lại ngồi trong phòng thí nghiệm? Cô đắn đo suy nghĩ mãi mới đề nghị với lãnh đạo chuyển sang ngành khác. Và câu trả lời của cấp trên là: Chuyên khoa vi sinh vào miền Nam sẽ tham gia chống chiến tranh vi trùng. Từ đó, người con gái xứ Quảng có tên Phương Liên ấy đã gắn bó suốt đời với ngành vi sinh học. |
Sức mạnh của tình yêu
Tròn 80 tuổi đời, 54 năm làm việc không nghỉ ngơi với 114 công trình khoa học đã công bố trong các tạp chí trong và ngoài nước cùng không biết bao nhiêu huân chương, huy chương, giải thưởng cũng như các danh hiệu thi đua cao quý, nhưng với tôi, bác sĩ Huỳnh Phương Liên luôn là người bạn đồng hương tri kỷ, giỏi giang, thủy chung, tận tụy.
Tại chiến trường Khu V ác liệt và vô cùng gian khổ, thiếu thốn của những năm 1966-1972, Phương Liên được phân công phụ trách công tác phòng dịch bệnh. Trong hoàn cảnh hết sức khó khăn, nguy hiểm, ác liệt mọi bề của cuộc chiến, nữ bác sĩ ấy đã gan góc vượt lên cùng đồng đội tổ chức sản xuất thành công các loại vaccine phòng chống bệnh tả, thương hàn và đậu mùa đang hoành hành ở đây và phòng chống chiến tranh vi trùng theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế lúc bấy giờ là bác sĩ Phạm Ngọc Thạch.
Năm 1966, khi vừa tốt nghiệp Đại học Y khoa Hà Nội, Phương Liên đã háo hức tình nguyện lên đường trở về miền Nam chiến đấu. 6 năm ròng rã trong hiểm nguy và bệnh tật, cùng với đồng chí, đồng đội, Phương Liên đã sống và làm việc như một chiến sĩ thực thụ. Cũng chính ở nơi mà ranh giới giữa sự sống và cái chết chỉ cách nhau gang tấc ấy, người nữ bác sĩ trẻ Phương Liên có một mối tình sâu đậm với nhà văn Trần Tiến - Chu Cẩm Phong, cũng đang sống và làm việc tại Hội Văn nghệ Khu V. Họ đều là người cùng quê Hội An, cùng tập kết ra miền Bắc học tập và sau này đều xung phong trở về miền Nam tham gia chiến đấu.
Nhà văn Trần Tiến - Chu Cẩm Phong trong những năm sống và làm việc ở chiến trường đã ghi lại trong nhật ký của mình: “Anh hứa với em một lần nữa rằng cho đến khi trái tim anh ngừng đập, anh vẫn còn yêu em. Anh có thể chết trong cuộc chiến tranh này, nhưng tình yêu em thì anh mãi mãi không bao giờ tắt. Chiến tranh rồi sẽ qua đi, lúc ấy em sẽ say sưa nghiên cứu khoa học, sẽ phát minh theo ngành nghề của em. Còn anh sẽ cố gắng viết về những con người mà anh yêu dấu…”. Chính mối tình ấy đã giúp nữ bác sĩ Phương Liên có thêm sức mạnh, thêm nghị lực, vượt lên mọi khó khăn, gian khổ, nguy hiểm để sống và làm việc quên mình.
Trong cuộc chiến đấu sinh tử với kẻ thù những năm 70, nhà văn, nhà báo Trần Tiến - Chu Cẩm Phong đã vĩnh viễn nằm lại ở mảnh đất quê hương Quảng Nam lúc vừa tròn 30 tuổi! Khi ấy, bác sĩ Huỳnh Phương Liên cũng đang công tác tại Ban Dân y Khu V đầy bom đạn...
Được Nhà nước phong tặng Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới, Huỳnh Phương Liên báo tin vui đến chúng tôi: “Thế là mình đã sống xứng đáng với những người thân đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước và phần nào đó đã cố gắng sống thay họ”.
Chúng tôi hiểu, từ trong thâm tâm, bác sĩ Phương Liên muốn nói với các đồng nghiệp, bác sĩ, liệt sĩ cùng lên đường vào miền Nam chiến đấu như: Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Thị Trừng..., song từ nơi sâu thẳm tâm hồn, tôi biết Phương Liên muốn nói với người yêu Trần Tiến đã hy sinh năm 1971 rằng, bản thân chị đã thực hiện ước mơ của anh là khi hết chiến tranh sẽ say sưa nghiên cứu khoa học, sẽ phát minh và sáng tạo theo ngành nghề.
Ở tuổi “xưa nay hiếm”, Phương Liên làm sao có thể ngày ngày miệt mài trong phòng thí nghiệm với căn bệnh thoái hóa xương khớp nặng, phải nhờ đến phẫu thuật cột sống và hai đầu gối luôn đau nhức để nghiên cứu thành công vaccine viêm não Nhật Bản? Có lẽ, chính thế hệ thanh niên thời kháng chiến chống Mỹ trước năm 1975 đã rèn đúc nên những con người dám hy sinh tất cả vì Tổ quốc, vì nhân dân phục vụ và chính họ đã truyền cảm hứng sống và làm việc cho một lớp người hôm nay - lao động quên mình cho một cuộc sống đẹp tươi!