Đắm chìm trong những kiến trúc cổ
Thủ đô Tehran đón chúng tôi bằng tiết trời se lạnh. Đường từ sân bay vào trung tâm thành phố phía xa sừng sững công trình biểu tượng của Tehran - tháp tự do Azadi bằng đá cẩm thạch cầu kỳ, án ngữ cửa ngõ phía Tây; cung điện Golestan Palace với các khu vườn, bảo tàng và tòa nhà hoàng gia đầy vẻ trầm mặc nép dưới vòm lá hơn 400 năm qua.
Xuôi xuống phía Nam, nằm phía Tây Nam Iran là thành phố Shiraz, cũng là cố đô của triều đại Ba Tư nghìn năm trước. Người Iran tự hào gọi Shiraz là thành phố của rượu và hoa; là biểu trưng của âm nhạc và thi ca với các công trình nghệ thuật như vườn hoa xanh đẹp tuyệt mỹ Eram Garden, lăng mộ cẩm thạch của đại thi hào Hafez và Saadi, hay quần thể phức hợp khổng lồ Vakil ôm trọn nhà thờ Vakil và khu chợ Vakil Bazaar.
Ấn tượng nhất là thánh đường Nasir ol Molk Mosque, còn được biết đến với cái tên quen thuộc Pink Mosque, với những mái vòm, ô cửa được gắn kính vạn hoa đủ màu sắc. Mỗi khi ánh nắng chiếu vào, bên trong thánh đường tràn ngập ánh sáng đa sắc lung linh huyền ảo.
Góc phế tích nghìn năm Persepolis
Cách Shiraz hơn 70km về phía Đông Bắc là phế tích nghìn năm tuổi ở kinh đô nghi lễ cổ Persepolis. Sách sử Iran chép lại những chương huy hoàng về thời đại Achaemenes trên mảnh đất này từ thế kỷ VI trước Công nguyên. Dấu thời gian vẫn còn khắc trên những cột đá cao trước Cổng chào Vạn quốc (Gate of All Nations). Khi đế quốc Ba Tư suy vong và bị chinh phạt bởi Alexandros đại đế vua xứ Macedonia, người Hy Lạp đã đốt trụi hoàn toàn Persepolis.
Đâu đó trong khu phế tích rộng lớn này vẫn còn vết tích cung điện đền đài cùng tượng nhân sư Lamassu hay điểu sư Griffin; những bức phù điêu trên tường đá kể câu chuyện các sứ thần đem sản vật đến cống nạp thời Achaemenes còn thịnh trị. Tiếp giáp với Persepolis là vùng bình nguyên rộng lớn Pasargadae - một địa danh khác của Iran cũng được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, đồng thời là nơi an nghỉ của Cyrus đại đế, vị vua khai quốc của triều đại Achaemenes. Trải qua bao biến động của lịch sử, vùng đất xanh tươi trù phú giờ đây chỉ còn là những bãi cát đá trải dài vô tận dưới nền trời xanh ngắt.
Cách Shiraz không xa là Yazd. Khác biệt hẳn với vẻ lộng lẫy, nguy nga của các cung điện, đền đài tại Tehran hay Shiraz, thành phố Yazd nhỏ bé tôn thờ Hỏa giáo và sự linh thiêng của lửa. Nhìn từ trên cao, Yazd như một sa bàn khổng lồ đắp bằng đất sét đã tôi qua lò lửa, tôn lên màu nâu vàng đất nung đặc trưng với đền thờ Ateshkadeh xây từ năm 470 trước Công nguyên, bên trong còn nguyên vẹn ngọn lửa thiêng theo truyền thuyết, vẫn luôn cháy từ khi ngôi đền được dựng lên cho đến nay. Tháp Bình yên (Towers of Silence) phía Tây thành phố, là nơi tín đồ Hỏa giáo thiên táng người đã khuất rồi thu nhặt phần xương cốt để chôn xuống đất.
Tháp ngày nay chỉ còn 2 quả đồi lớn, trên có tháp thiên táng và một số nhà chờ xây dưới chân tháp, nằm lặng lẽ như chứng nhân của một giai đoạn lịch sử huy hoàng đã qua. Vương triều Sassanid bị lật đổ thế kỷ thứ VII sau Công nguyên, Hỏa giáo suy yếu, Hồi giáo trỗi dậy tại Ba Tư đã tạo nên sự giao thoa văn hóa có một không hai ở Iran, trong đó có Yazd. Các Mosque ở Yazd bên ngoài đều trang trí bằng đá xanh phản chiếu ánh sáng lung linh, các tháp được xây dựng như hình ngọn lửa vút cao, còn bên trong là các dãy hành lang sâu hun hút màu vàng đất nung, làm thành một quần thể tâm linh độc đáo.
Isfasan ở miền Trung là thành phố du lịch nổi tiếng nhất Iran với quảng trường khổng lồ Naghsh-e-Jahan, còn gọi là quảng trường Khomeini, dài 512m, rộng 159m - một trong những quảng trường lớn nhất thế giới. Ở giữa quảng trường là đền thờ Hồi giáo Sheikh Loftollah - kiệt tác kiến trúc xây dựng vào đầu thế kỷ 17 với mái vòm ấn tượng và bốn ngọn tháp nhỏ. Isfasan từng là thủ đô xứ Ba Tư trong giai đoạn từ 1598 - 1722 và là một trong những thành phố cổ có lịch sử phong phú nhất thế giới. Về đêm, Isfasan càng trở nên huyền ảo với ánh sáng dịu nhẹ quanh đền thờ quảng trường, làm nổi bật các tranh ghép và mái vòm đền thờ. Đây là lúc dân địa phương đổ ra quảng trường thư giãn.
Điều khiến chúng tôi mê mệt ở Isfasan là những cây cầu cổ nơi đây. Từ cây cầu Si-o-seh pol có 33 vòm, xây dựng từ năm 1602 bắc qua sông Zayandeh và cung điện Chehel Sotoun 40 cây cột, đến cầu Shahrestan lâu đời nhất thành phố, hay cầu Khaju xây dựng vào năm 1650 ở thượng nguồn - được xem là cây cầu đẹp nhất thành phố. Những tối cuối tuần, dưới vòm những cây cầu ở Isfasan là đám đông du khách hòa lẫn cùng dân địa phương say mê thưởng thức giai điệu của các ca sĩ không chuyên.
Ngược lên phía Bắc, bỏ qua những đồi cát khô rang với ánh nắng cháy bỏng, chúng tôi hòa mình vào dòng không khí lạnh trên con đường chạy dọc biển Caspian để đến ngôi làng huyền thoại Masouleh. Masouleh nằm ở phía Bắc tỉnh Gilan, trên vách một ngọn núi có mật độ rừng dày đặc và cách biển Caspian 60km. Cảnh quang ở đây thật kinh ngạc, một loạt các khu nhà được xây dựng trên vách núi, sân của nhà này đồng thời là mái của một nhà khác.
Nằm ở độ cao 1.050m so với mực nước biển, nhưng độ cao trong làng trên 100m. Do đó, các ngôi nhà được xây dựng và liên kết với nhau bằng các bậc thang, đường đi cũng được bố trí dọc theo những mái nhà. Do cấu trúc độc đáo nên Masouleh không cho phép xe máy vào làng vì đường nhỏ và nhiều cầu thang. Kiến trúc đặc biệt của Masouleh có thể được so sánh với làng Ghadames ở Libya, nơi có những mái nhà được kết nối với nhau tạo ra một mạng lưới các lối đi.
Do có vị trí cao, khí hậu của Masouleh khác với những nơi còn lại của Iran. Tại đây khí hậu ấm áp, hơi ẩm thổi từ biển Caspian phía Tây Nam, bị chặn bởi dãy Alborz, tạo ra mưa lớn và sương mù ở phía biển các ngọn núi. Lượng mưa dồi dào đã tạo nên những khu rừng dày đặc trong vùng. Ngôi làng đầu tiên của Masouleh được xây cách đây hơn 1.000 năm, nằm cách phía Tây Bắc của ngôi làng 6km và được gọi là Old Masouleh.
Masouleh đã từng là con đường tơ lụa của vùng Gilan. Những người từ phương xa hoặc trong vùng đã từng tập trung tại nơi này để buôn bán hàng hóa... Hiện tại, Masouleh đang trở thành điểm đến du lịch phổ biến của du khách gần xa.
Đi chợ ở Iran
Đi chợ ở Iran không chỉ để mua sắm sản vật địa phương, mà còn là để giao lưu trong một không gian văn hóa đậm chất lịch sử. Những mái vòm cổ xưa ngập nắng này đã chứng kiến hàng vạn con người đến từ các quốc gia với những món đồ được trung chuyển theo dòng chảy thời gian.
Các thành phố lớn của Iran đều có khu chợ Grand Bazaar như nét văn hóa đặc trưng truyền đời, nổi bật như Vakil Shiraz hay Tabriz đã được UNESCO công nhận là Di sản thế giới.
Một góc khu chợ Ba Tư
Ngay từ phía bên ngoài, người ta đã choáng ngợp bởi quy mô của chợ và độ rực rỡ của các gian hàng. Những phân khu rõ ràng bán thảm, đồ mỹ nghệ, trang sức, giày dép, đồ dùng gia đình, hoa tươi, đồ lưu niệm… Chợ sạch sẽ, người bán niềm nở mời bạn thử từ nước ép lựu chua ăn kèm quả vả khô ngọt, đến những miếng bánh mì nóng hổi. Bạn sẽ ngất ngây trước những tấm thảm Ba Tư trứ danh đầy màu sắc hay những bích họa bằng lụa về cuộc sống và con người bản xứ.
Bạn cũng đừng ngạc nhiên nếu thấy giữa khu chợ, giữa những gian hàng thảm Ba Tư hay đồ thủ công mỹ nghệ dày đặc, bỗng xuất hiện một khoảng sân ngập tràn hoa với bồn nước và những chiếc bàn gỗ nho nhỏ. Đây là chỗ để du khách nghỉ chân, uống cà phê và thích thú quan sát dòng chảy sôi động không ngừng của khu chợ.
Ẩm thực Iran chịu ảnh hưởng của khá nhiều nền văn hóa như Trung Đông, Trung Á, Nga và châu Âu. Có nhiều loại thức ăn, đồ uống đa sắc, đa vị. Một đặc điểm chung của ẩm thực Iran là trong các món ăn thường trộn lẫn nhiều nguyên liệu, nổi bật là rau, củ, hạt quả với nghệ, quế, ngò, diếp, mộc qua, óc chó, lựu, nho, táo, mận khô, chanh, ớt chuông, cà chua, lá cải bắp, lá nho, đậu ván, bí ngô, bí đao, cà rốt, dưa chuột và hành. Người dân rất thích ăn rau ghém nên cũng có nhiều thứ sa lát xanh trộn dầu ô liu, nước chanh, muối, hạt tiêu và tỏi. Có hai món rất phù hợp với người Việt Nam là cơm Nàng Hương nấu từ gạo thơm Berenj và món thịt nướng Kimbap. Đây cũng là những món ăn chính có mặt trong mọi bữa ăn ở Iran.
Không giống như một số nước Trung Đông và Trung Á khác, Iran có hơn 40 loại bánh mì từ màu nhạt đến màu đậm. Đây cũng là món ăn được bày bán nhiều nhất trên đường phố. Iran cũng có rất nhiều loại trái cây để du khách thưởng thức như dưa hấu, dưa lê, nho, táo, mận, đào… nên bạn không sợ đói khi không hợp khẩu vị Trung Đông.
Người dân thân thiện
Khi biết chúng tôi chuẩn bị đến Iran, nhiều bạn bè, người thân lo ngại trước một đất nước Hồi giáo còn nhiều chiến tranh, loạn lạc. Thế nhưng khi đặt chân đến đây mới thấy, người dân Iran rất thân thiện với khách du lịch nước ngoài, đặc biệt khi biết bạn đến từ Việt Nam. Là một quốc gia Hồi giáo, nhưng bạn sẽ thường xuyên bắt gặp những nụ cười thân thiện trên phố. Bạn sẽ được giúp đỡ tận tình khi có yêu cầu, được mời chụp ảnh cùng, thậm chí họ còn mời bạn những bữa ăn truyền thống địa phương hoặc mời lại nhà chơi.
Chúng tôi đã đi từ ngạc nhiên đến thú vị khi ngắm những cánh hoa hồng, lavender khô được ướp thành trà, chủ tiệm mời chúng tôi vào nhà uống trà hoa. Đang ngược xuôi trên những con dốc trong ngôi làng Mashoule, chúng tôi cũng được người dân trong làng mời ăn cơm truyền thống với gạo trắng, sốt hoa quả và thịt gà nhân dịp lễ hành xác tưởng niệm cháu trai của nhà tiên tri Mohammad, Imam Hussein của các tín đồ Hồi giáo.
Câu chuyện Nghìn lẻ một đêm kết thúc với nụ cười của nàng Sheherazade, kết thúc chặng đường ngược xuôi Iran của chúng tôi từ sự tò mò khám phá đến tình người nồng đậm và tìm cảm đầy ăm ắp dành cho Iran.