“Muốn cho nhiêu cho”
Xe dừng lại đầu hẻm, cô hỏi: “Nhiêu tiền?”, bác tài xế cười khà khà: “Muốn cho nhiêu cho”. Cô lấy trong túi xách ra năm chục ngàn đồng, đưa gọn cho bác. “Biết rồi còn hỏi khó tui, khách mối mà sao dám lấy mắc”, bác cười rồi vọt lẹ để rước khách khác. Cô Ngọc Tú (55 tuổi, ngụ quận 4) kể: “Tôi đi tới đi lui nhà con gái để phụ coi cháu ngoại. Tụi nhỏ lu bu công chuyện, bữa qua rước được, bữa không, nên tôi đi xe ôm luôn cho lẹ. Hai năm nay, đi mối ổng không đó, gọi điện cái rụp là ổng tới đầu hẻm rước liền, nắng mưa gì cũng đi chứ không có nề hà. Ổng hiền queo, hông có nói thách, có bữa tui cũng gửi thêm tiền cà phê mà ổng ngại quá chừng”.
Ở thời điểm chưa có xe ôm công nghệ, câu nói “muốn cho nhiêu cho” dường như là “khẩu hiệu” một thời của các bác xe ôm. Đi đường xa mà nói giá trước sợ khách ngán, tới nơi “muốn cho nhiêu cho”, khách trả ít quá thì năn nỉ thêm chút tiền cà phê. Còn đoạn đường gần thì “muốn cho nhiêu cho” là tùy ý khách, thương thì cho thêm chút đỉnh, còn không thì nhắm chừng vẹn cả hai bên là được. Nhiều bạn bè tôi ở các tỉnh đến thành phố học cũng từng không hiểu câu này mỗi khi đi xe ôm. Học hết năm nhất đại học thì bắt đầu quen dần và bây giờ, nhiều lúc ngồi lại với nhau thường hay kể: “Ngày xưa, đi cuốc xe tới trường mà hông biết trả nhiêu tiền, vì bác tài xế nói muốn cho nhiêu cho. Lúc đầu còn ngại, sau hết ngại luôn…”.
Nhiều bác tài xế chuyên đậu cạnh các trường học nên có khách ruột là học sinh, sinh viên. Không ít lần tôi chứng kiến, chú Mai Hậu (56 tuổi, ngụ quận Tân Bình), đậu xe trên đường Cộng Hòa (gần về hướng Lăng Cha Cả), vội vàng cất lại hộp cơm trưa, vọt xe đưa học sinh về nhà để lấy cuốn sách kịp giờ học buổi chiều: “Tội nghiệp, thằng nhỏ bỏ quên cuốn sách, sợ bị cô giáo la nên bắt xe về nhà lấy gấp. Chở nó về nhà lấy sách rồi quay lại ăn cơm cũng được, chừng nửa tiếng chứ nhiêu”. Và cũng có cuốc xe dưới trời mưa tầm tã, chú đưa bạn tôi ra bến xe về quê gấp vì gia đình có công chuyện. Tới bến xe cười trừ một cái là xong: “Thấy nó thương đứt ruột, còn đủ tiền mua vé xe về quê, rồi mớ tiền lẻ đâu chừng mấy chục ngàn. Tao đâu có nỡ lấy tiền xe ôm của nó, mấy chục lẻ đó để dành dọc đường nó đói bụng còn có mà mua bánh mì”. Không ít lần, đám bạn tôi hỏi ghẹo chú không sợ tụi tui quỵt tiền sao, chú lại cười khà khà: “Tụi bây học ở đây tới 4 năm lận mà, bữa nay tao không đòi, bữa sau tao đòi, lo gì”.
Hay như con hẻm nhỏ 96 (đường Phan Đình Phùng, quận Phú Nhuận) có chú Út ngồi đầu hẻm bơm vá xe miễn phí cho người khuyết tật, sinh viên. Chú Phúc đậu xe kế bên, thi thoảng lại chạy một cuốc xe vội vã đưa người bệnh đi bệnh viện, xong chuyện thì cũng khoát tay: “Tiền bạc gì mày ơi, bữa nào kẹt thì tao mượn ông Út đỡ cữ cơm trưa, chứ người ta bệnh cấp cứu vậy, sao nỡ lấy tiền, cũng dân lao động nghèo với nhau không hà. Mà tao hên lắm, gặp nhiều khách sộp họ cho thêm, bù qua sớt lại, giúp ai được cái gì phải giúp liền”.
“Ôm” nào cũng gắng mưu sinh
Ở những đô thị hiện đại và nhộn nhịp như TPHCM, xe ôm công nghệ có mặt khắp nơi, một cái quẹt trên điện thoại là có ngay bác tài nón xanh, nón đỏ… tới đón. Hiện đại và công nghệ là vậy, những cũng không ít cuốc xe, cánh tài xế cũng đành ngậm bồ hòn làm ngọt. Khách đặt xe từ quận 3 về chợ An Đông, quận 5. Đến nơi thì cô khách yêu cầu tài xế chạy thêm gần 2km rồi rẽ vào hẻm nhỏ, dừng lại trước căn nhà đã khóa cổng. “Tới chợ An Đông thì bả nói chạy thêm chút nữa, tới nhà người quen lấy tiền để trả tiền xe. Tôi nghe lời chạy tới nơi thì nhà khóa cổng, chờ hơn nửa tiếng không thấy ai hết thôi tôi đi về, kiếm cuốc xe khác chứ thấy bả cũng hông giàu có gì, đếm đi đếm lại trong túi không đầy năm chục ngàn, mình cũng không nỡ lấy hết”, chú Nguyễn Văn Tài (53 tuổi, tài xế xe ôm công nghệ, ngụ quận 8) kể.
Ở thời điểm xe ôm công nghệ mới bắt đầu, không ít cánh tài xế xe ôm truyền thống phải lao đao vì “ôm công nghệ” có giá cước cạnh tranh, đặt xe nhanh gọn qua điện thoại… Nhưng rồi ăn theo thuở ở theo thời, các bác tài ngoài 50 tuổi, ngoài 60 tuổi cũng bắt đầu nón xanh, nón đỏ… lướt điện thoại để theo dõi khách đặt xe. “Tôi chạy xe ôm gần ba chục năm nay rồi, hồi mấy cái này mới ra, không biết làm sao, tưởng đâu bỏ nghề luôn rồi. Mấy bữa đầu mới ra, có khách đặt xe mà hông biết quẹt sao hết trơn. Rồi mấy ông bạn dợt cho tui cả tuần, nay xài ngon lành”, chú Đặng Văn Thành (57 tuổi, ngụ quận 4) kể.
Có người bênh vực xe ôm truyền thống vì không cạnh tranh được với xe ôm công nghệ, nhưng cũng có ý kiến đó là phát triển tất yếu vì muốn hay không thì công nghệ vẫn sẽ phát triển tới đó. Và cũng có một số người than phiền chuyện “ôm truyền thống” chặt chém khách; còn đặt “ôm công nghệ”, hiển thị giá cước hẳn hoi, đi xe khỏi phập phồng… Nên thành ra, tài xế truyền thống hay “đụng độ” với tài xế công nghệ. “Ai đồn mà bậy quá. Hông có nha, nói nào ngay hồi nó mới ra cũng rầu lắm, lúc đó đâu có biết làm sao, ai mà không sợ mất chén cơm. Nhưng rồi tụi nhỏ trong nhà chỉ lên công ty đăng ký, chạy chừng tuần lễ là quen hà. Dân xe ôm với nhau, ráng kiếm tiền lo cho gia đình, tụi sinh viên thì chạy xe kiếm tiền đi học, nên giúp nhau được gì thì giúp chứ ghét bỏ chi”, chú Thành kể thêm.
Không ít cuốc xe, địa chỉ đến nằm trong hẻm sâu, bác tài công nghệ chở tôi dừng lại hỏi đường. Gặp mấy chú xe ôm truyền thống, cũng nhiệt tình chỉ. Cũng có khi quên chuẩn bị tiền lẻ, tới nơi bác xe ôm không đủ tiền thối, còn loay hoay chưa kịp tìm chỗ đổi thì mấy bác tài “ngạch khác” đậu gần đó cũng sẵn sàng móc ví, có nhiêu gom đổi hết để “đồng nghiệp” đủ tiền thối lại cho khách.
Và bất kể con đường nào trong thành phố, cũng dễ dàng bắt gặp vài tài xế xe ôm công nghệ đang chờ khách và những chiếc xe nón xanh, nón đỏ đang chở khách trên đường. Thịnh hành là vậy, nhưng đâu đó vẫn có những bác tài “muôn năm cũ”. “Hông phải tui hông biết quẹt quẹt trên điện thoại đâu nha, tui rành 6 câu luôn đó chứ nhưng xưa giờ chạy quen rồi, không thích chuyển qua công ty thôi. Một phần nữa là tui cũng có khách mối, chạy hơn hai chục năm rồi, mối cũng nhiều lắm chứ bộ. Tụi nhỏ nhà tui giờ cũng lớn, đi làm hết rồi nên tui khỏe thì chạy, mệt thì nghỉ không có lo thiếu lo đủ như hồi đó, nên không đăng ký xe ôm công nghệ chi”, chú xe ôm hay đứng ở ngã tư Cách Mạng Tháng Tám - Võ Văn Tần, chia sẻ.
Đâu đó trên đường phố hiện đại, nhộn nhịp, “ôm truyền thống” hay “ôm công nghệ” vẫn xuôi ngược để mưu sinh và cùng chia sẻ nhọc nhằn. Đó là cái tình của người nghèo ở phố thị…