Nguyễn Mai Anh (20 tuổi, ngụ quận Tân Phú, TPHCM), quản lý nhóm “Cột sống ổn không?” với hơn 30.000 thành viên chia sẻ: “Giờ này, thì cuộc vui chỉ mới bắt đầu. Có bữa nội dung chia sẻ hay, mọi người vô bình luận xôm tụ tới 4, 5 giờ sáng là chuyện thường”. Câu chuyện “ngược múi giờ” cũng phổ biến trong đời sống bạn trẻ Gen Z, quán cà phê xuyên đêm, phòng tập thể dục 24/24… ít nhiều vẫn có khách. Làm việc tự do trong lĩnh vực lập trình phần mềm, những hợp đồng làm việc trái múi giờ đã hình thành thói quen “ngày ngủ đêm thức” với Nguyễn Thành Nhân (28 tuổi, kỹ sự lập trình, ngụ quận 8, TPHCM). “Khoảng 2 năm đầu khi làm tự do, nhận hợp đồng với các nước trái múi giờ với mình là tôi ngại lắm, vì không quen thức khuya. Nhưng ráng cày riết thành thói quen, bây giờ ngày ngủ đêm thức mà lại làm việc hiệu quả hơn”, Nhân chia sẻ.
Trong sự tĩnh mịch của màn đêm, tại nhiều quán cà phê trong thành phố, không khó để bắt gặp những gương mặt miệt mài bên laptop, nhóm bạn trẻ tám chuyện không ngừng. Có những quán chiều lòng khách đến độ, thiết kế riêng một không gian dành cho khách có nhu cầu làm việc, học tập xuyên đêm, không bị ảnh hưởng bởi những khách khác khi đến quán.
Rời phòng tập thể dục gần 3 giờ sáng, Trần Trọng Đan (24 tuổi, ngụ quận 7, TPHCM) chia sẻ: “Công ty của tôi bắt đầu làm việc gần 10 giờ sáng và mỗi người theo một dự án, nên cứ xong việc là về không cần phải đến 5 giờ chiều mới được rời công ty. Một tuần khoảng 3 ngày là tôi đến phòng tập lúc nửa đêm, cứ như thói quen, cảm thấy buổi tối lại dễ rèn luyện hơn”.
Lối sống và sinh hoạt Gen Z ít nhiều đã khác so với thế hệ trước, lựa chọn làm việc và cân bằng cuộc sống được bạn trẻ hiện đại quan tâm. Tuy nhiên, những lựa chọn “ngược múi giờ” cần tính toán đến tình hình sức khỏe bản thân, yêu cầu của công việc, học hành, đừng bắt chước ai hay chạy theo xu hướng chỉ vì trào lưu lạ, nó không đáng để bạn mang sức khỏe bản thân ra đặt cược.