Ngày 7-3, ông Phạm Minh Mẫn, Phó Chủ tịch UBND quận Tân Phú, TPHCM, cho biết, liên quan đến việc Ngân hàng Thương mại cổ phần Nam Á (Nam Á Bank) siết nợ chung cư Khang Gia Tân Hương (số 377 Tân Hương, quận Tân Phú), quận đã yêu cầu và được Nam Á Bank đồng ý là không thu giữ và xử lý tài sản thế chấp tại chung cư Khang Gia Tân Hương nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân mua căn hộ và đã sinh sống tại chung cư, đồng thời đảm bảo an ninh trật tự tại khu vực.
UBND quận Tân Phú sẽ có văn bản báo cáo UBND TPHCM vụ việc này, cũng như Ngân hàng Nhà nước để xem xét và có hướng chỉ đạo tiếp theo. Đây là tinh thần cuộc họp vào chiều cùng ngày do UBND quận Tân Phú chủ trì, với sự tham dự của chủ đầu tư chung cư Khang Gia Tân Hương (Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển địa ốc Khang Gia và đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM).
Trước đó, ngày 28-2, Nam Á Bank có thông báo gửi UBND phường Tân Quý, quận Tân Phú và các bên liên quan về việc thu giữ và xử lý quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền tại chung cư trên để thu hồi nợ.
Việc thu giữ và xử lý các tài sản nhằm thanh toán các khoản nợ của Công ty Khang Gia, chủ đầu tư dự án này, vay ngân hàng từ năm 2011. Tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất của thửa đất tại số 377 Tân Hương và 2 thửa đất gần đó. Ba thửa đất bị Nam Á Bank thông báo thu hồi chính là vị trí của chung cư Khang Gia Tân Hương hiện tại.
Việc thu giữ chung cư sẽ diễn ra vào ngày 15-4, sau đó ngân hàng sẽ đưa tài sản ra bán đấu giá theo quy định. Trong trường hợp Công ty Khang Gia không bàn giao tài sản, Nam Á Bank sẽ phối hợp với cơ quan có thẩm quyền để tổ chức thu giữ.
Có mặt tại chung cư Khang Gia Tân Hương ngày 7-3, PV Báo SGGP ghi nhận tâm trạng vô cùng lo lắng của cư dân.
Trưởng ban Quản trị chung cư Nguyễn Mạnh Hùng bức xúc: Mấy hôm nay cư dân rất hoang mang, tâm lý bất ổn trước việc siết nợ của ngân hàng. Bởi một số lượng căn hộ cư dân mua theo gói 30.000 tỷ đồng, vay từ Ngân hàng BIDV năm 2013, phải chăng có tình trạng các căn hộ bị thế chấp 2 lần? Liệu đó có phải là lý do mà việc cấp giấy chủ quyền cho cư dân cứ lần lữa mãi, trong khi chung cư được đưa vào sử dụng từ năm 2014? Phóng viên liên hệ với tổng đài của Nam Á Bank, họ hứa sẽ gặp cư dân để giải thích và cung cấp thông tin.
Theo thông cáo của Nam Á Bank về sự việc này, Công ty Khang Gia vay vốn Nam Á Bank từ năm 2011 và phát sinh nợ xấu từ năm 2015. Đến nay, Công ty Khang Gia vẫn chưa giải quyết dứt điểm khoản vay Nam Á Bank.
Đầu năm 2019, căn cứ theo Nghị quyết 42 của Quốc hội, Nam Á Bank đã ra thông báo về việc thu giữ và xử lý tài sản thế chấp. Việc thu giữ chỉ tiến hành khi Công ty Khang Gia không hợp tác với Nam Á Bank trong việc xử lý khoản vay. Nam Á Bank đang thực hiện các bước thu giữ tài sản theo đúng trình tự và quy định pháp luật, là nghiệp vụ thông thường trong hoạt động của các ngân hàng.
Thông cáo cũng cho biết, về việc bảo vệ quyền lợi của người mua chung cư, hiện tại dư nợ của khoản vay là không quá cao (vài chục tỷ đồng) so với giá trị thực tế của toàn bộ tài sản thế chấp. Vì vậy, việc xử lý sẽ không ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân chung cư. Trong trường hợp Công ty Khang Gia vẫn không thực hiện cam kết, Nam Á Bank sẽ xử lý tài sản theo quy định, trên nguyên tắc bảo đảm quyền lợi và nghĩa vụ hợp pháp cho người mua căn hộ chung cư Khang Gia Tân Hương.
Được đưa vào vận hành năm 2014, với 409 căn hộ, chung cư Khang Gia Tân Hương từng bị các cơ quan chức năng ban hành nhiều văn bản phạt cũng như thanh tra về các vi phạm xây dựng… TPHCM đã ra quyết định cưỡng chế 71 căn hộ xây dựng trái phép, không đúng với thiết kế ban đầu. Ở dự án này, chủ đầu tư còn xây dựng lấn chiếm các công trình công cộng như nhà sinh hoạt cộng đồng, khu vực giữ xe dịch vụ, lấp các ô thông tầng từ tầng trệt lên tầng lửng... không chịu bàn giao quỹ bảo trì cho cư dân. |