Nhà chính trị học Nga Vladimir Sotnikov ghi nhận: “Thỏa thuận hạt nhân và việc bãi bỏ các trừng phạt đã đánh dấu sự trở lại của các doanh nghiệp châu Âu ở Iran, khiến cạnh tranh trở nên gắt gao. Nhưng nay các công ty châu Âu sẽ khó mà tiếp tục như thế. Vì thế, hơn bao giờ hết, các công ty Nga đang chiếm thế thượng phong”.
Liên minh châu Âu (EU) cũng đã có biện pháp giúp các công ty của họ khi cam kết đền bù cho các công ty làm ăn với Iran nếu vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ. Các doanh nghiệp Nga vẫn ung dung. Ông Delanoe nhắc lại: “Ngay cả khi Iran còn bị quốc tế trừng phạt, các doanh nghiệp Nga vẫn tiếp tục làm việc một cách thoải mái ở Iran. Họ đã quen thích ứng với những bó buộc về pháp lý và kinh tế. Việc Mỹ o ép Iran sẽ càng khiến nước này quay sang Trung Quốc và Nga”.
Quan hệ giữa Nga và Iran đã được cải thiện kể từ khi chấm dứt chiến tranh lạnh. Vào lúc chế độ Tehran còn bị thế giới cô lập, giữa thập niên 1990, Mátxcơva đã chấp nhận thực hiện hợp đồng xây dựng nhà máy điện hạt nhân Bouchehr (miền Nam Iran), sau khi Đức bỏ dở dự án này. Ngay cả trước khi ký JCPOA, bất chấp các biện pháp trừng phạt của quốc tế, hai nước vẫn tìm cách tăng cường trao đổi mậu dịch.
Tình hình hiện nay có thể tạo xung lực mới cho quan hệ kinh tế Nga - Iran, vốn đã bị chựng lại trong vài năm trở lại đây. Trao đổi mậu dịch giữa hai nước năm 2017 chỉ đạt 1,7 tỷ USD, giảm đến 20% so với năm 2016, thấp hơn nhiều so với mức 3 tỷ USD vào cuối thập niên 2000. Ông Charles Robertson, thuộc Ngân hàng đầu tư Renaissance Capital, phân tích Nga muốn bán thép, các cơ sở hạ tầng giao thông và các hàng hóa khác cho Iran. Cạnh tranh của Mỹ và EU càng yếu thì càng có lợi đối với Nga”.
Nhà phân tích Igor Delanoe cho biết, Iran cũng đang có nhu cầu rất lớn về cơ sở hạ tầng cho ngành năng lượng, viễn thông và điện lực, những lĩnh vực Nga có lợi thế. Cũng theo ông Delanoe, tình hình hiện nay có thể thúc đẩy xu hướng sử dụng đồng rúp trong giao thương giữa Nga với các nước Trung Đông, để tránh USD, bởi vì việc sử dụng đơn vị tiền tệ này có thể bị tư pháp Mỹ gây khó dễ.
Việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân 2015 còn có một tác động tích cực khác đối với kinh tế Nga, đó là giá dầu tăng lên đến mức cao nhất từ năm 2014, làm tăng thêm nguồn thu cho ngân sách Nhà nước Nga, vốn phụ thuộc nhiều vào dầu khí. Điều này tạo thuận lợi cho Tổng thống Vladimir Putin, vừa chính thức nhậm chức cho nhiệm kỳ thứ tư, với lời hứa hẹn sẽ phát triển kinh tế Nga và giảm nghèo đói.
Để thực hiện hai mục tiêu dài hạn đó, Thủ tướng Dmitri Medvedev sẽ cần đến hơn 100 tỷ EUR. Quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi JCPOA đã mang lại “món quà” cho điện Kremlin, theo phân tích của Reuters. Một năm trước, giá dầu thô Brent dao động trong khoảng từ 46 - 51 USD/thùng.
Giờ đây, dầu đã tăng vọt lên trên 80 USD/thùng, tăng khoảng 62% cùng lúc với việc Mỹ thắt chặt các biện pháp trừng phạt kinh tế Nga và rút khỏi JCPOA. Với Nga sản xuất gần 11 triệu thùng dầu mỗi ngày, có nghĩa là thêm hơn 300 triệu USD mỗi ngày hoặc 120 tỷ USD/năm.
Theo báo cáo của Reuters hồi tuần trước, Nga đột ngột tăng trưởng ngân sách trong năm nay lần đầu tiên kể từ năm 2011 - chủ yếu là do giá dầu thô tăng 65%, chiếm 40% thu ngân sách của quốc gia.