Ngủ núi, mở hầm tuyến cao tốc Bắc - Nam

Trong 10 gói thành phần đường bộ cao tốc Bắc - Nam qua dải miền Trung, 5 gói thành phần từ tỉnh Quảng Ngãi đến tỉnh Khánh Hòa có điều kiện thi công đặc biệt, phức tạp nhất do phải mở núi đào đến 5 hầm. Giữa mùa mưa lũ, hàng ngàn công nhân vẫn “ăn hầm, ngủ núi” nỗ lực thi công đảm bảo thông hầm đạt hoặc vượt tiến độ Thủ tướng đã giao.

Quyết tâm vượt tiến độ

Những cơn mưa dài ngày tại tỉnh Phú Yên dường như không ảnh hưởng đến quyết tâm của hàng trăm công nhân tại công trường hầm đường bộ cao tốc Tuy An (xã An Cư, huyện Tuy An), thuộc dự án thành phần đường cao tốc Chí Thạnh - Vân Phong. Trên đường cao tốc Bắc - Nam, hầm cao tốc xuyên núi Tuy An là một trong những hầm dài nhất, 1.020m, khó thi công nhất do địa chất phức tạp, nhiều mạch nước ngầm trong núi.

Tại cửa Nam hầm Tuy An, anh Phạm Khắc Huỳnh, chỉ huy trưởng điều hành thi công, hướng dẫn chúng tôi chuẩn bị các biện pháp an toàn trước khi “nhập hầm”. Sâu trong hầm là một đại công trường với hàng trăm công nhân cùng phương tiện, máy móc hiện đại.

Vừa đi, anh Huỳnh vừa kể: Điều kiện thi công sâu trong hầm tối, các công nhân, kỹ sư gặp nhiều khó khăn, nhất là không khí ngột ngạt, máy móc làm việc liên tục gây tiếng ồn và bụi bặm. Thời điểm mưa lớn kéo dài, gần như anh em phải bám hầm thi công liên tục trong điều kiện độ ẩm cao hơn bình thường. Dù vậy, hầu hết 300 công nhân ở đây bám công trình thực hiện các hạng mục, đảm bảo đúng tiến độ. Đến nay, hầm cao tốc Tuy An đã khoan đào được 944/1.020m (đạt 92,55%). Với mục tiêu đề ra, chúng tôi quyết tâm đưa dự án về đích vào ngày 31-12-2024 đảm bảo chất lượng cao nhất.

V5A.jpg
Nhà thầu ứng dụng công nghệ, phương pháp thi công mới hầm số 3 dự án đường cao tốc Bắc - Nam qua miền Trung. Ảnh: NGỌC OAI

Qua dãy đèo Cù Mông, chúng tôi đến ghi nhận không khí thi công hầm cao tốc Sơn Triệu (thuộc dự án đường cao tốc Quy Nhơn - Chí Thạnh) dài hơn 600m xuyên qua dãy Sơn Triều (phía Nam tỉnh Bình Định). Tại đây, ông Nguyễn Văn Quảng, Giám đốc điều hành nhà thầu Sông Đà 10, chia sẻ: “Nhiều trận mưa lớn kéo dài, nhưng trong hầm vẫn duy trì 270 quân số thi công. Hiện, khối lượng công việc đạt 85% tại 2 cửa hầm. Anh em đặt quyết tâm sẽ hoàn thành hầm vào tháng 6-2025, vượt tiến độ Thủ tướng giao 6 tháng”.

Ngược ra dự án thành phần đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn (giáp ranh 2 tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi), Tập đoàn Đèo Cả đang cùng các nhà thầu duy trì 1.300 công nhân và gần 1.000 trang thiết bị, phương tiện để chạy đua giữa mưa lũ thi công 3 hầm xuyên núi, tổng chiều dài 4.508m (hầm 1 dài 610m, hầm 2 dài 698m và hầm 3 dài 3.200m).

Theo đại diện Tập đoàn Đèo Cả, hiện hầm 1 và hầm 2 đã cơ bản hoàn thành phần xây lắp, đang tổ chức sơn, lắp các thiết bị còn lại. Đối với hầm 3 (dài 3.200m), hiện ống hầm trái đã đào được 2.141m, ống hầm phải đào đạt 2.260m, dự kiến đào thông hầm trước 30-4-2025.

Trong hầm xuyên núi số 3 dài 3.200m, kỹ sư Nguyễn Văn Lan (45 tuổi, quê Nghệ An) đang lái robot đào hầm, chia sẻ: Nhiều vị trí khu vực núi giữa hầm 1 và hầm 2 có nguy cơ xảy ra sạt lở và chúng tôi đã dồn lực xử lý triệt để trước đợt mưa lớn tới đây. Hầu hết các anh em đều thay ca, thay kíp làm liên tục 24/24 giờ, ai nấy đều quyết tâm đưa 3 hầm về đích kịp hoặc vượt tiến độ Chính phủ giao.

Ứng dụng công nghệ đào hầm tiên tiến

Để đảm bảo các điều kiện thi công hầm giữa mùa mưa lũ, các nhà thầu đều áp dụng nhiều phương án, kỹ thuật và công nghệ đào hầm tối tân. Trong đó, Tập đoàn Đèo Cả, đơn vị tham gia thi công 4/5 hầm cao tốc, đang áp dụng khá nhiều công nghệ, kỹ thuật đào hầm mới.

Một đại diện Ban Điều hành dự án thành phần đường cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn cho biết, trước đây phương pháp thi công đào hầm truyền thống ở Việt Nam áp dụng theo một số nước phát triển, chủ yếu với 1 không gian cho 1 mũi thi công. Tuy nhiên, từ thực tiễn thi công hầm ở địa chất trong nước, Đèo Cả đã cải tiến phương pháp đào hầm mới tối thiểu 2 không gian cho 1 mũi thi công, giúp đẩy nhanh tiến độ, đồng thời nâng cao hiệu quả, an toàn và đảm bảo chất lượng thi công trong mọi điều kiện thời tiết, kể cả mưa lũ…

Một đại diện Ban Quản lý dự án 7 cho biết, qua khảo sát ban đầu, để thi công hầm cao tốc Tuy An, phải xuyên qua lớp đá cứng, các đơn vị thi công sẽ tận dụng loại đá này để xay nghiền làm lớp bê tông vỏ hầm, lớp cấp phối đá dăm. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, nhà thầu phát hiện địa chất hầm Tuy An khác so với khảo sát ban đầu, khi địa chất thực tế hầm yếu, chủ yếu là đất sét, đá, cát và nước ngầm. Điều này đặt ra bài toán để những kỹ sư hàng đầu của nhà thầu và đơn vị thi công phải giải quyết.

Giải pháp là thay đổi sử dụng kết cấu chống đỡ loại DIII thay cho các kết cấu chống đỡ DI, DI-A, CI và B có chu kỳ chống đỡ thưa hơn. Bên cạnh đó, trong quá trình thi công, xuất hiện cát và nước ngầm gây sạt nóc hầm. Những yếu tố này khiến tiến độ thi công chậm so với kế hoạch. Tuy nhiên, với sự quyết tâm của chủ đầu tư dự án, nhà thầu, đơn vị thi công và hàng trăm công nhân, công trình hầm Tuy An được triển khai với cường độ làm việc 24/24 giờ nhằm đảm bảo mục tiêu đề ra.

Theo báo cáo mới nhất của đơn vị thi công, hiện nay địa chất hầm Tuy An đã ổn định hơn, nên tiến độ được cải thiện đáng kể (khoảng 2,5m-3m/ngày). “Với tiến độ này, nhiều khả năng chúng tôi dự kiến sẽ thông hầm trước ngày 31-12-2024, vượt kế hoạch đề ra”, anh Phạm Khắc Huỳnh chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục