Buổi sáng 26-9, gần 50 tàu cá của ngư dân đang đánh bắt ở các vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa ùn ùn đổ về cảng cá Quy Nhơn để đăng ký neo đậu, tránh trú bão. Bên cạnh đó, ngư dân các làng biển lân cận cũng di chuyển tàu cá của mình vào thượng lưu cảng Quy Nhơn để tránh bão.
Ngư dân Nguyễn Thành Sơn (47 tuổi, ở thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi), chủ tàu cá QNg 94857 TS (trên 700 CV) kể, anh cùng 9 thuyền viên mới ra đến vùng biển Hoàng Sa đánh được 2 mẻ lưới được hơn 10 tạ cá thì nghe tin bão dữ nên đành quay đầu về cảng cá Quy Nhơn tránh trú.
Trực tiếp kiểm tra công tác ứng phó bão số 4 tại cảng cá Quy Nhơn, ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định đã động viên ngư dân cố gắng neo đậu tàu, bảo vệ tài sản trước mưa bão. Đặc biệt, cần phải lên bờ khi bão đổ bộ, không nên ở lại tàu vì rất nguy hiểm.
Thương lái tranh thủ thu mua hải sản cho các tàu cá vừa trở về tránh báo
Theo Chi cục Thủy sản Bình Định, đến trưa 26-9, trên biển có 258 tàu cá ngư dân Bình Định hoạt động trong vùng nguy hiểm.
Quảng Ngãi đang có mưa trên diện rộng, một số vùng chuyên canh rau màu các xã Nghĩa Hà, Nghĩa Dũng, Nghĩa Dõng… của TP Quảng Ngãi đang có dấu hiệu hư hại do mưa. Để hạn chế thiệt hại khi bão số 4 đổ bộ, nông dân khẩn trương xuống đồng thu hoạch rau.
Chị Nguyễn Thị Bé (xã Nghĩa Hà, TP Quảng Ngãi) đang thu hoạch 2 sào rau cải, chị cho biết: “Nhà tôi lo lắng rau bị hư hỏng khi gặp mưa bão, úng gốc, thối rễ nên đã tranh thủ thu hoạch”. Chị Bé còn trồng 70 cây đu đủ, tuy nhiên, chị cũng đã cắt một số trái đu đủ lớn để xuất bán.
Bà Nguyễn Thị Lưỡng (xã Nghĩa Hà, TP Quảng Ngãi), cho biết: “Mấy hôm nay trời mưa nên rau cải bị hư hết nên bây giờ phải bán rẻ cho thương lái nếu không bão đổ bộ cũng mất trắng”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Hồng (xã Nghĩa Hà) cũng đang phải cắt toàn bộ 350m2 diện tích trồng rau muống.
Anh Lê Văn Nghĩa, Giám đốc HTX Nông nghiệp - Dịch vụ xã Nghĩa Hà, cho biết: “Hiện nay 10ha chuyên canh trồng rau an toàn của xã thì có khoảng 4ha đang thu hoạch chạy bão”.
Bà Nguyễn Thị Loan, Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hà, cho biết, toàn xã có 180ha diện tích rau màu, hiện vẫn còn trên 70ha đang khẩn trương thu hoạch.
Các địa phương xã Nghĩa Dũng, Nghĩa Dõng, TP Quảng Ngãi cũng đang tất bật thu hoạch rau màu trước bão.
Ngày 26-9, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành lệnh vận hành điều tiết các hồ chứa nước Đakđrinh, Nước Trong để đón, giảm lũ cho hạ du do ảnh hưởng của bão số 4.
Trưởng ban Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Quảng Ngãi quyết định vận hành hồ chứa nước Đakđrinh để đón lũ. Thời điểm bắt đầu vận hành là 14 giờ ngày 26-9.
Đối với hồ thủy điện Đakđrinh, mức lưu lượng xả về hạ du bằng lưu lượng đến hồ cộng thêm 200m³/s, trong quá trình vận hành nếu mực nước sông Trà Khúc tại Trạm thủy văn Trà Khúc vượt mức báo động II (cao trình +5.0m) thì chuyển sang vận hành giảm lũ cho hạ du.
Trong quá trình vận hành phải đảm bảo không gây dòng chảy đột biến, bất thường đe dọa trực tiếp đến tính mạng và tài sản của người dân ở khu vực ven sông hạ du hồ chứa.
Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Quảng Ngãi và Công ty CP thủy điện Đakđrinh thường xuyên phối hợp quan trắc, theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ, tình hình mực nước tại cầu sông Rin và mức báo động lũ trên sông Trà Khúc, thông báo đến chính quyền và nhân dân các địa phương vùng hạ du liên quan để đảm bảo an toàn trong suốt thời gian vận hành hạ mực nước các hồ để đón lũ.
Từ ngày 27 đến 28-9 trong đất liền tỉnh Quảng Ngãi xuất hiện một đợt mưa lớn trên diện rộng với tổng lượng mưa phổ biến 200 - 400mm/đợt, phía Bắc tỉnh có nơi trên 500mm/đợt; cần chú ý đề phòng có lũ lớn, lũ ống, lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng ở vùng trũng thấp.