Dịp cuối năm, các ngư dân vươn khơi không quên mang theo bánh chưng, hoa, quả, nhang đèn, bánh kẹo và cả bia… để ra khơi ăn tết, đón giao thừa trên biển.
Những ngày cận kề Tết Nguyên đán Nhâm Dần, tại các cửa biển Quy Nhơn, Đề Gi, Tam Quan Bắc (tỉnh Bình Định), các tàu cá ngư dân tấp nập ra khơi, vào bến. Bên cạnh những tàu cá mang đầy ắp cá tươi về cập cảng bán cho thương lái sau trăng biển kéo dài 25 ngày về bờ ăn tết, nhiều tàu cá khác quyết tâm vươn khơi đón tết trên biển để cầu may, đón “lộc” xuân.
Dù đã 60 tuổi, song lão ngư Trần Sơn (ở xã Hoài Hải, thị xã Hoài Nhơn, Bình Định) vẫn còn đeo đuổi nghiệp biển. Không còn nhớ cái tết thứ bao nhiêu trên biển, nhưng ông Sơn vẫn tự hào về thâm niên 43 năm làm ngư phủ của mình.
“Năm nay tôi cùng với các thuyền viên ra khơi quyết tâm ăn tết, đón giao thừa trên biển luôn. Chúng tôi chuẩn bị rất đầy đủ, lương thực, thực phẩm, bánh kẹo, rau tươi, hoa, quả, bia…để ra khơi ngày tết. Ra khơi đánh bắt ngày tết không ở nhà được với vợ con, cháu chắt nên tôi cũng rất buồn. Nhưng vì mưu sinh, vì nghiệp biển nên mình phải đeo bám lấy biển”, ông Sơn chia sẻ.
Còn lão ngư Đặng Văn Bạn (51 tuổi, xã Hoài Hương, thị xã Hoài Nhơn) có thâm niên 30 năm bám biển. Ngần ấy năm đánh bắt trên biển, ông Bạn có 20 cái tết trên biển. “Chúng tôi ra khơi ăn tết trên biển thì cũng giống như trên chính quê hương của mình, chỉ hơi buồn vì xa vợ con, cháu chắt thôi. Còn ra khơi, đêm giao thừa chúng tôi vẫn cúng biển, anh em ngồi lại vừa thả lưới đến đêm khuya, đón giao thừa…”, ông Bạn cho hay.
Đa phần các ngư dân Bình Định đều hành nghề câu cá ngừ đại dương, lưới rút, lưới vây, câu mực. Từ nhiều thập kỷ trở lại đây, cánh ngư dân vùng đất võ này đều có thói quen ăn tết trên biển. Phong trào này trở thành truyền thống của các ngư dân nên đa số các tàu đều đón bắt ngày tết để ra khơi.
Theo lý giải của một số ngư dân thị xã Hoài Nhơn, nhiều lý do khiến họ chọn cách ăn tết trên biển. Thứ nhất là do ngày tết ít tàu cá cả nước ra khơi nên biển vắng nhiều đàn cá xuất hiện. Thứ hai, các ngư dân quan niệm ra khơi ngày tết đầu xuân, đón giao thừa trên biển thì tàu cá đó sẽ gặp nhiều may mắn trong năm tới. Và nhiều ngư dân mong muốn ra khơi ngày tết để vừa tăng thu nhập, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo, ngư trường ngày tết…
Thường thì chuyến biển tết thường kéo dài từ 20 tháng Chạp đến giữa đầu tháng Giêng năm sau. Đầu năm, cá vào cảng bờ tươi rói, được thương lái mua cao giá nên các tàu đều trúng lớn. Trong đêm giao thừa, các đội tàu đánh cá Bình Định sẽ liên hệ với nhau trước rồi cùng di chuyển đến một khu vực biển để cùng nhau đón giờ khắc của năm mới.
“Năm nay, một phần do dịch Covid-19 nên nhiều khó khăn hơn nên đa số các ngư dân Bình Định đều chọn vươn khơi ăn tết, đánh bắt tăng thu nhập. Hiện, giá cá các loại đặc biệt là cá ngừ đại dương đang tăng cao nên chúng tôi ra khơi với hy vọng trúng mẻ cá lớn, kiếm nhiều tiền hơn để qua năm giáp hạt trang trải cuộc sống, nợ nần…”, lão ngư Trần Sơn cho hay.
Theo ông Đào Xuân Thiện, Giám đốc BQL Cảng cá Bình Định, để hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển ngày tết, hàng năm, ngành thủy sản Bình Định, Ban Quản lý Cảng cá Bình Định đều duy trì các đơn vị, cảng cá trực 24/24 trong tết để kịp thời hỗ trợ, động viên ngư dân vươn khơi bám biển. Ngoài ra, các thủ tục xuất bến, lý trình, vị trí đánh bắt ngư dân trên biển đều được ngành chức trách theo dõi liên tục, nhằm thực hiện nghiêm theo các quy định chống đánh bắt IUU của Ủy ban châu Âu…
Theo TS Trần Văn Vinh (sống tại Bình Định), người có nhiều nghiên cứu về văn hóa làng biển, thủy sản, việc đón tết trên biển của ngư dân Bình Định kéo dài trong hơn một thập niên qua, là một nghi thức nhiều ý nghĩa. Thực ra, xuất phát từ thực tế lao động đánh bắt trên biển mà các ngư dân chọn việc vươn khơi ngày tết.
"Các ngư dân tranh thủ lúc ngư dân cả nước nghỉ biển ăn tết để ra khơi đánh bắt thì gặp nhiều đàn cá hơn. Ngoài ra, việc vươn khơi những ngày giáp tết kéo dài sang những lễ hội ra khơi, mở biển đầu năm càng góp phần tô vẽ cho những nét đẹp văn hóa làng biển của ngư dân miền Trung", TS Vinh cho hay.