Ngư dân miền Trung vươn mình ra biển lớn - Bài 1: “Mắc kẹt” trong ngư trường cạn kiệt

LTS: Miền Trung có ngư trường trải dài, rộng lớn đến Hoàng Sa, Trường Sa (Việt Nam). Với ngư trường tiềm năng, nhưng suốt thời gian dài việc đánh bắt chưa mang lại hiệu quả cao, đời sống phần lớn ngư dân vẫn nghèo. Đã đến lúc ngư dân miền Trung nói riêng, ngư dân cả nước nói chung phải thay đổi tư duy và cách thức khai thác, không đơn thuần “ăn không của biển” mà phải “dưỡng” biển, bảo tồn và phát triển bền vững nguồn lợi, tài nguyên vô giá của biển.

Lão ngư Lê Bá Hoàng (xã Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai, Nghệ An) than thở: Nếu trước đây không đánh bắt kiểu "tận thu" thì bây giờ ngư trường ven biển không thiếu cá. Ảnh: DUY CƯỜNG
Lão ngư Lê Bá Hoàng (xã Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai, Nghệ An) than thở: Nếu trước đây không đánh bắt kiểu "tận thu" thì bây giờ ngư trường ven biển không thiếu cá. Ảnh: DUY CƯỜNG

Khi đề cập đến tình cảnh ngư dân miền Trung những năm gần đây, những người am hiểu về biển thường liên tưởng tới truyện “Ông lão đánh cá và con cá vàng” của Pushkin. Biển cả nuôi sống ngư dân bao đời, giúp ngư dân có của ăn của để, nhưng chỉ vì sự khai thác tận diệt, đánh bắt vô tội vạ của một bộ phận ngư dân đã khiến nguồn tài nguyên biển cạn kiệt, kế sinh nhai mất dần.

Bòn từng mớ cá

Ông Lê Bá Hoàng ở xóm Tân Thành (xã Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai, Nghệ An), một lão ngư kỳ cựu, kể: “Ngày xưa chạy từ cửa Lạch Cờn chỉ tầm một giờ ra biển là đã có thể neo lại đánh bắt đủ các loại mực, tôm, cá nục, bạc má, cá măng, cá đốm… giờ phải ra tận ngư trường Hoàng Sa, chạy ngược lên vùng biển Bạch Long Vĩ hoặc xuôi xuống vùng biển Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi… mới có cá mà đánh bắt”. Ông Hoàng thở dài: “Cũng do mình cả thôi. Do mình làm trước mà không ngó sau, chứ nếu biết vun bồi, không đánh bắt tận thu thì ngư trường ven biển không thiếu cá”.

Ngư dân Lê Văn Bình (phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) nhớ lại, cách đây khoảng 20 năm, nguồn hải sản dồi dào, muốn làm nghề gì về biển cũng kiếm sống được. Nhưng chừng 10 năm lại đây, tàu giã cào của nhiều địa phương khác đến đánh bắt theo kiểu tận diệt nên nguồn thủy hải sản trên biển Thanh Khê giảm hẳn. Ngoài ra, do lượng tàu thuyền ngày càng nhiều cũng khiến cá tôm không kịp sinh sôi nảy nở.

Tại các xã Quảng Xuân, Quảng Phú, Cảnh Dương (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình), đầu vụ cá gần bờ năm nay mới có vài thuyền trúng. Ngư dân Nguyễn Rạn (xã Quảng Xuân) than: “Năm nay luồng cá ít hơn hẳn mọi năm do biến đổi khí hậu, dòng hải lưu chuyển hướng dẫn đến khó đánh bắt. Cùng với đó một số tàu lại đánh bắt kiểu tận diệt như rà điện, giã cào... khiến cho nhiều loại thủy hải sản gần bờ khó sống”. Ông Dương Minh Phương, Chủ tịch UBND xã Quảng Xuân, thông tin thêm: “Toàn xã có gần 200 tàu cá các loại, nhưng thời gian từ sau Tết Giáp Thìn đến nay chỉ có 5 tàu trúng luồng cá, thu về tổng cộng 500 triệu đồng, số còn lại bòn từng mớ cá chỉ đủ chi phí tiền dầu và mua gạo”.

Ghi nhận thực tế tại các khu vực ven biển của tỉnh Bình Thuận, nơi được đánh giá là 1 trong 3 ngư trường trọng điểm của cả nước, nguồn lợi hải sản ven bờ đã không còn dồi dào như trước. “Cách đây hơn 10 năm, hải sản khu vực gần bờ nhiều vô kể, nhiều khi ngư dân chỉ cần đứng trên bờ quăng lưới là thu về đầy cá, tôm. Nhưng kể từ khi những chiếc tàu giã cào xuất hiện, hải sản ven bờ từ bé đến lớn bị càn quét dẫn đến suy kiệt. Bây giờ, chỉ ai có tàu cá lớn đi khai thác xa bờ là còn kiếm sống được, còn tàu thuyền nhỏ khai thác ven bờ thì chỉ biết khóc ròng”, ngư dân Lê Văn Bảnh (ngụ phường Mũi Né, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận), chia sẻ.

H5b.jpg
Nhiều tàu câu cá ngừ đại dương ở biển Tam Quan Bắc (thị xã Hoài Nhơn, Bình Định) lâm tình thế khó khăn, nằm bờ do nguồn lợi suy giảm. Ảnh: NGỌC OAI

Khai thác quá trữ lượng

Khoảng năm 2018 trở về trước, thị xã Hoài Nhơn (tỉnh Bình Định) được xem là “thủ phủ” của nghề câu cá ngừ đại dương, với 1.000 tàu cá. Thời ấy, cá nhiều, giá cao và được xuất khẩu đi các nước nên cuộc sống nhiều ngư dân sung túc, không ít chủ tàu tậu được nhà lầu, xe hơi. Nhưng, thời hoàng kim ấy cũng chỉ kéo dài được hơn 10 năm. Lão ngư Phan Văn Côi (phường Tam Quan Bắc) trầm ngâm: “Nguyên nhân chính là do sản lượng suy giảm, giá cả rớt thảm, tiêu thụ khó, trong khi người hành nghề quá nhiều. Cả ngàn tàu cá đánh bắt liên tục hơn 10 năm, gần như tận diệt hết cá ngừ đại dương. Cá ngừ đại dương thường từ 30kg trở lên, con nhỏ sống chung đàn với cá ngừ sọc dưa nên bị các tàu lưới rút, lưới vây săn bắt nhầm khiến lượng cá suy giảm”.

Lão ngư Bùi Thanh Ninh (làng biển Thiện Chánh, phường Tam Quan Bắc) - một trong những “cây đại thụ” nghề câu cá ngừ đại dương ở Hoài Nhơn, phân tích thêm: “Hiện nguồn lợi loài cá này ở biển Đông suy giảm, trong khi ngư trường bó hẹp nên đội tàu câu cá ngừ đại dương ở Hoài Nhơn gặp khó. Hơn nữa, tần suất đánh bắt của ngư dân quá mức, khai thác kiểu tận diệt, bắt cá từ to đến nhỏ... nên ngư trường suy giảm nghiêm trọng. Không chỉ cá ngừ đại dương mà nhiều loài khác cũng suy giảm đến mức báo động”.

Ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định, nhìn nhận, hiện nguồn lợi thủy sản trên các ngư trường suy giảm là do sự khai thác quá mức của ngư dân. Ngoài ra, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường biển cũng góp phần khiến tình trạng này ngày càng nghiêm trọng. Vì vậy, cần phải điều tra, đánh giá lại nguồn lợi thủy sản và môi trường sống, từ đó đề xuất cấp hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản phù hợp. Tới đây, tỉnh Bình Định sẽ tổ chức điều tra, đánh giá toàn bộ nguồn lợi vùng bờ, vùng lộng để đưa ra hạn ngạch cấp giấy phép khai thác trên biển.

Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Thuận, ngoài việc khai thác theo kiểu tận diệt, quá mức, thời gian qua, việc khai thác vào mùa các loại thủy sản đẻ trứng cũng là nguyên nhân khiến nguồn lợi thủy sản bị suy kiệt. Trong khi đó, ông Hoàng Hồng Hiệp, Quyền Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Trung bộ, phân tích: “Chúng tôi đi điều tra, khảo sát ngư dân thì họ nói rằng so với 5 năm trước, sản lượng thủy sản giảm sút rất mạnh. Nguyên nhân có rất nhiều yếu tố, trong đó có việc chúng ta khai thác vượt quá trữ lượng và quá khả năng tái phục hồi của tự nhiên. Nói vậy để thấy, một khi việc đo lường tài nguyên biển chưa được thực hiện thì kinh tế biển khó phát triển bền vững. Trữ lượng cá hiện nay chỉ đang được ước tính theo phương pháp thông thường mà không có điều tra, định lượng thực tế ngoài thực địa”.

Tin cùng chuyên mục