Ngư dân “mắc cạn” - Bài 2: Hạ tầng hậu cần nghề cá - Nơi thiếu, nơi lãng phí

Thời gian qua, Trung ương và nhiều địa phương ở miền Trung đã dành kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm từng bước hoàn thiện, thúc đẩy phát triển hậu cần nghề cá. Tuy nhiên, bên cạnh những công trình thực sự là “bệ đỡ” cho hoạt động đánh bắt trên biển thì vẫn còn một số công trình dù được đầu tư hàng tỷ đồng, song chưa phát huy hiệu quả, không thu hút được tàu thuyền ra vào; một số công trình xây dựng xong bỏ không, hư hỏng, xuống cấp.

Xây cảng để... “ngắm”

Cảng cá Thuận An (phường Thuận An, TP Huế) hoàn thành xây dựng, bàn giao cho đơn vị chức năng quản lý từ gần 1 năm nay nhưng hiện vẫn chưa thể công bố mở cảng. Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ nguồn vốn bồi thường của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai dự án xây dựng nâng cấp cơ sở hạ tầng nghề cá với tổng mức đầu tư 400 tỷ đồng, do Sở NN-PTNT tỉnh làm chủ đầu tư. Trong đó, cảng cá Thuận An kết hợp khu neo đậu tránh trú bão là 1 trong 3 dự án thành phần với tổng mức đầu tư 220 tỷ đồng.

Dự án khởi công xây dựng từ năm 2019, dự kiến hoàn thành vào năm 2021. Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân dẫn đến chậm tiến độ, đến cuối năm 2023 dự án mới hoàn thành, bàn giao cho Ban Quản lý cảng cá Thừa Thiên Huế. Thế nhưng, sau khi tiếp quản, Ban Quản lý cảng cá Thừa Thiên Huế lại chưa thể đưa cảng cá Thuận An mới vào vận hành do chưa làm xong thủ tục xin công bố mở cảng. Hiện nơi đây bị bỏ hoang, cỏ dại mọc um tùm, trông rất nhếch nhác. Vào mùa nắng, người dân tận dụng sân bãi cảng cá làm chỗ phơi hải sản.

$5B.jpg
Dự án cảng cá Thuận An (Thừa Thiên Huế) kết hợp khu neo đậu tránh trú bão hoàn thành nhưng chưa đưa vào hoạt động vì thiếu quyết định giao đất, giao mặt nước. Ảnh: VĂN THẮNG

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Giám đốc Ban Quản lý cảng cá Thừa Thiên Huế, cho biết, trong quá trình làm thủ tục trình cấp có thẩm quyền công bố mở cảng cá Thuận An, các cơ quan chuyên môn phát hiện công trình dự án hạ tầng nghề cá này dù thực hiện từ 5 năm trước nhưng lại chưa có quyết định giao đất, giao mặt nước. Đó là một trong những nguyên nhân khiến thủ tục công bố mở cảng chưa được chấp nhận.

Liên quan việc này, ông Thái Văn Phúc, Trưởng phòng Quản lý và Xây dựng công trình (Sở NN-PTNT tỉnh Thừa Thiên Huế) giải thích: “Quá trình thực hiện dự án trên phạm vi đất, mặt nước của cảng cá Thuận An cũ với ranh giới ổn định nên chúng tôi không nghĩ phải làm thủ tục xin cấp quyền sử dụng đất, giao đất để triển khai. Chỉ đến khi làm thủ tục xin công bố mở cảng mới phát hiện ra cần phải có quyết định cấp quyền sử dụng đất, mặt nước, vì vậy phải làm bổ sung”, ông Thái Văn Phúc cho hay.

Ngoài ra, dự án cảng cá Thuận An dù đã bàn giao cho đơn vị chức năng quản lý nhưng hiện trạng luồng lạch chưa được xử lý nạo vét, gây khó khăn cho tàu cá ra vào. Thực tế này cũng ảnh hưởng đến thủ tục xin công bố mở cảng đối với cảng cá Thuận An.

“Toàn bộ khu vực cảng mới và 740m luồng lạch đã được nạo vét từ năm 2021 theo hạng mục của dự án cảng cá Thuận An. Sau 3 năm, luồng lạch cảng bị bồi lắng trở lại, hạng mục này hiện còn trong thời gian bảo hành nên đơn vị thi công sẽ tổ chức nạo vét trong thời gian tới”, ông Thái Văn Phúc nói.

Tại tỉnh Hà Tĩnh, cảng cá Xuân Hội (xã Xuân Hội, huyện Nghi Xuân) được xây dựng từ năm 2009 với vốn đầu tư trên 110 tỷ đồng. Năm 2011, hạng mục cầu cảng dài 128m được đưa vào sử dụng và năm 2014 toàn bộ hạng mục được đưa vào sử dụng.

Trước đây, bình quân mỗi ngày có 30-50 tàu thuyền trong và ngoài tỉnh ra vào cập cảng, bán hải sản. Tuy nhiên, nhiều năm nay do cảng bị bồi lấp nghiêm trọng, tàu thuyền ra vào khó khăn nên các chủ tàu không còn mặn mà nữa. Việc này khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ hậu cần nghề cá của người dân ở xã Xuân Hội bị ảnh hưởng, đặc biệt là không phát huy được hết công năng của cảng như kỳ vọng.

Hạ tầng thiếu thốn, đầu tư nhỏ giọt

Liên quan đến hoạt động ngày càng teo tóp của cảng cá Tam Quan (thị xã Hoài Nhơn, Bình Định), ngư dân cho rằng do công tác đầu tư, nạo vét luồng lạch cửa biển này nhiều năm qua còn rất “nhỏ giọt”. Đội tàu cá Tam Quan hùng hậu, nhiều dịch vụ hậu cần nghề cá và doanh nghiệp thủy sản nhưng cửa biển lại như “cổ cò” kìm hãm trung tâm thủy sản này phát triển.

Theo ngư dân Nguyễn Lành (ngụ phường Tam Quan Nam, thị xã Hoài Nhơn), việc đầu tư hạ tầng, nạo vét luồng lạch ở Tam Quan lâu nay diễn ra theo thời vụ, chỉ là giải pháp tạm thời. Có khi luồng lạch được nạo vét vài ngày thì bồi lấp lại, trong khi nguồn cát nạo vét không biết “trôi” về đâu?

$1g.jpg
Nhiều ngư dân ở “thủ phủ” khai thác cá ngừ xuất khẩu Bình Định gặp khó vì quy định mới về kích thước cá ngừ vằn. Ảnh: NGỌC OAI

Ông Đặng Văn Dẫn, Phó Giám đốc Ban Quản lý Cảng cá và dịch vụ đô thị Tam Quan, nhìn nhận, việc hạ tầng đầu tư manh mún, “nhỏ giọt” gây nhiều khó khăn không chỉ cho ngư dân mà cả cảng cá. Hiện cảng cá Tam Quan thiếu thốn rất nhiều về cả hạ tầng cứng lẫn hạ tầng mềm.

Cụ thể, hạ tầng cứng còn thiếu khu tránh trú bão chưa được đầu tư bài bản, chưa có kè, chưa được nạo vét, luồng lạch hẹp, thiếu tường rào, cổng ngõ, trạm cân, văn phòng làm việc… Hạ tầng mềm thì thiếu máy móc điện tử, máy tính cấu hình lớn, bộ đàm và hệ thống tích hợp dữ liệu điện tử trong đánh bắt... Ngoài ra, ứng dụng điện tử mới trong đánh bắt đang tạo ra nhiều áp lực, gây khó khăn cho ngư dân khi trình độ của họ còn hạn chế.

Theo Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định Trần Văn Phúc, nhiều hải sản của tỉnh có tiềm năng xuất khẩu. Để khai thác hiệu quả tiềm năng này, về lâu dài tỉnh sẽ quan tâm đầu tư hoàn thiện, đồng bộ cơ sở hạ tầng, khu neo đậu tránh trú bão, xây dựng trung tâm bán đấu giá cá ngừ theo tiêu chuẩn quốc tế tại cảng cá Tam Quan...

Ngoài ra, tỉnh cũng đang đề nghị Bộ NN-PTNT hỗ trợ thực hiện giai đoạn 2 dự án cá ngừ, cụ thể là triển khai việc ứng dụng công nghệ khai thác cá ngừ tiết kiệm năng lượng và công nghệ bảo quản sản phẩm hiện đại sau thu hoạch để nâng chất lượng, giá thành sản phẩm.

Ông Nguyễn Văn Mười, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ngãi, cho biết, tỉnh có đội tàu cá lên đến 4.624 tàu, trong đó có trên 3.000 tàu cá đánh bắt xa bờ. Tuy nhiên, các cảng ở tỉnh này chỉ đáp ứng được 1.750 tàu, 60% tàu cá còn lại phải đi “ăn nhờ, ở đậu” tại nhiều cảng ngoài địa phương. Thực tế này khiến năng lực khai thác nghề cá của tỉnh giảm sút, có tiềm năng nhưng không phát huy được.

Ngoài ra, công trình cảng đầu tư chưa hoàn chỉnh, chưa đồng bộ dẫn đến việc quản lý, sử dụng gặp nhiều khó khăn, không phát huy hết hiệu quả. Chưa kể, hàng năm việc bố trí kinh phí để thực hiện duy tu, bảo dưỡng các hạng mục công trình rất ít so với nhu cầu thực tế; luồng vào cảng và vũng neo đậu thường xuyên bị bồi lấp nên tàu thuyền ra vào gặp nhiều khó khăn; diện tích mặt bằng quy hoạch tại các cảng cá để đầu tư dịch vụ hậu cần nghề cá rất hạn chế.

Trong đó, cửa biển Sa Cần chưa có cảng cá (cảng cá sông Trà Bồng chưa hoạt động) nên tàu cá vùng khơi khu vực này phải vào các cảng cá chỉ định, gây khó khăn cho hoạt động thủy sản của ngư dân và công tác quản lý của Nhà nước.

Tin cùng chuyên mục