Teo tóp những làng chài tỷ phú
Theo tuyến đường ven biển Vũng Tàu đi Bình Châu, qua cầu Cửa Lấp, cây cầu nối TP Vũng Tàu với huyện Long Điền, chúng tôi tìm đến xã Phước Tỉnh, nơi từng được mệnh danh là làng chài giàu nhất Việt Nam với thu nhập bình quân đầu người đạt tới 2.500 USD đầu những năm 2000. Thế nhưng sau hơn 20 năm, hình hài ngôi làng chài hơn 300 năm tuổi với những ngôi nhà lầu mái ngói đỏ tươi cả một vùng trời giờ đã phai nhạt nhiều.
Băng qua con đường nhựa lởm chởm ổ gà để đi vào ấp Phước Tân, chúng tôi gặp ông Trần Ngọc Hùng, người từng có hàng chục năm gắn bó với nghề chài lưới. Ngồi trước hiên nhà nhâm nhi ngụm cà phê đắng, ánh mắt hướng về cặp tàu nằm trong ụ sửa chữa, ông Hùng kể, trước đây nhà có 3 cặp tàu giã cào đánh bắt xa bờ, giá trị tính bằng cả trăm cây vàng nhưng gần chục năm nay đánh bắt thua lỗ nên đã bán bớt để trả nợ. Hiện nhà còn một cặp tàu nhưng gần 2 năm nay không ra khơi bởi càng đi càng lỗ, lãi mẹ cõng lãi con, nhân công thạo việc ngày càng khó kiếm. Tàu lâu ngày không hoạt động dễ bị hư, rao bán chẳng ai mua nên nhiều khả năng sẽ phải xẻ bán phế liệu. Theo nhẩm tính sơ sơ của ông Hùng, ở làng chài này đang có trên dưới 20 người cùng lâm vào hoàn cảnh như ông.
Khung cảnh ở cảng cá Hưng Thái hay cảng Cát Lở (phường 11, TP Vũng Tàu) - nơi tập trung nhiều tàu cá lớn của tỉnh cũng ảm đạm không kém. Ngư dân Nguyễn Văn Hoàng (phường 5, TP Vũng Tàu) than thở, mỗi chuyến đi biển khoảng 2 tháng cặp tàu hơn 600CV của ông tiêu tốn hết hơn 15.000 lít dầu. Chi phí dầu chiếm khoảng 60% tổng chi phí và với giá 23.000 đồng/lít như hiện nay thì ông phải bỏ khoảng 450 triệu đồng tiền nhiên liệu cho mỗi chuyến đi. Trong khi đó, giá hải sản tăng không đáng kể, tiền nhân công tăng nên chuyến nào đánh bắt không đạt, giá trị hải sản thu về dưới 750 triệu đồng thì chủ tàu cầm chắc phần lỗ, thậm chí lỗ nặng nếu tàu phát sinh thêm sự cố.
Theo thống kê của ngành nông nghiệp, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hiện có hơn 4.600 tàu cá, giảm hơn 1.200 tàu so với năm 2020. Trong đó, hiện còn gần 2.800 tàu dài trên 15m đánh bắt xa bờ, chiếm gần 60% đội tàu, còn lại là tàu cá đánh bắt ở vùng lộng và vùng ven bờ.
Cần thời gian để chuyển đổi nghề
Nhằm tháo gỡ khó khăn cho nghề đánh bắt thủy hải sản, ngành nông nghiệp cùng các địa phương trong tỉnh đã triển khai các gói chi hỗ trợ theo Quyết định số 48- 2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa bờ. Mỗi tàu thuyền nếu đáp ứng điều kiện sẽ được tỉnh hỗ trợ tiền nhiên liệu, bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm tai nạn thuyền viên hoặc hỗ trợ máy thông tin liên lạc.
Theo các chuyên gia, về lâu dài, chuyển đổi nghề là biện pháp căn cơ để phát triển một nghề cá bền vững. Theo đó, tỉnh dự kiến chuyển đổi nghề cho nhóm tàu cá hoạt động ven bờ và các nghề có nguy cơ hủy diệt nguồn lợi thủy sản sang nghề khai thác hải sản có tính chọn lọc cao, thân thiện với môi trường. Thế nhưng, hiện đội tàu đánh bắt xa bờ có tính hủy diệt nguồn lợi thủy sản khá lớn, đến hơn 1.400 tàu và hầu hết phương thức đánh bắt mang tính truyền thống lâu đời nên việc chuyển đổi đòi hỏi phải có thời gian và lộ trình. Chưa kể, chi phí chuyển đổi ngư cụ, máy móc cũng khá tốn kém, lên đến 2-3 tỷ đồng cho mỗi cặp tàu nên cần sắp xếp bố trí tài chính. Việc phát triển vùng nuôi trồng trên các sông cũng đã được tỉnh sắp xếp nhưng đến nay cũng đã kín chỗ. Riêng việc nuôi biển là cả chiến lược dài hạn bởi không những phải đáp ứng các tiêu chí nằm ngoài luồng hàng hải chằng chịt mà còn đòi hỏi chủ đầu tư phải có vốn lớn, công nghệ cao.
Theo lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trước mắt, ngành sẽ tập trung thực hiện các biện pháp mạnh để ngay trong năm 2023 chấm dứt hoàn toàn tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác trái phép. Bên cạnh đó, cơ cấu lại hoạt động khai thác hải sản vùng lộng, ven bờ, giảm cường lực khai thác phù hợp với trữ lượng nguồn lợi để góp phần bảo vệ sinh kế của ngư dân được lâu dài.