Kéo dài nhiều năm
Theo quy luật, vào tháng 1 âm lịch hàng năm, các loại cua, cá, tôm ở đầm Thị Nại bắt đầu sinh nở. Năm nào cũng thế, cứ ra tết là dân làng ven đầm Thị Nại lại ra các khu rừng ngập mặn để đón bắt con giống về thả xuống ao, đìa vào vụ nuôi mới.
Tuy nhiên, năm nay, đến tháng 3-2022 mà con giống trên đầm vẫn sinh nở rất muộn, khan hiếm. Không chỉ con giống mà thủy sản các loại trên đầm Thị Nại cũng cạn kiệt dần, ngư dân truyền thống bỏ nghề, số thì bám trụ lây lất bên đầm, số thì bỏ đầm lên khô làm thuê kiếm sống.
Lão ngư Phan Đình L. (54 tuổi, ở xóm Cồn Chim, giữa đầm Thị Nại) kể: “15 năm nay, ở đầm xuất hiện nạn xung điện, xiếc máy - được ví như hung thần bay, thủy tặc. Các tàu giã cào càn quét, tàn sát vô tội vạ, không tha một con gì. Cá lớn, cá bé, trứng, ấu trùng đều bị dòng điện công suất lớn chích gí, chết hết. Các chủ tàu giã cào rất manh động, trang bị cả hung khí khi hành nghề. Mới đây, có 2 ngư dân thả lưới đánh cá ở gần Cồn Chim bị chúng tấn công, bị thương rất nặng ở đầu. Giờ dân làng không ai dám nói, tố cáo gì chúng hết…”.
Ông Huỳnh Ngọc Biên, Trưởng thôn Diêm Vân 2 (xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định), cho biết, cả chục năm nay, người dân khiếu kiện khắp nơi về nạn xung điện, xiếc máy, thậm chí làm đơn tập thể cầu cứu nhưng chuyện vẫn đâu vào đấy. Không chỉ hệ sinh thái, thủy sản bị tận diệt mà mâu thuẫn giữa các ngành nghề trên đầm ngày càng gia tăng…
Tại thôn Huỳnh Giản Nam (xã Phước Hòa, Tuy Phước), vợ chồng ngư dân Đỗ Chín bức xúc kể: “Trước đây, đầm Thị Nại là “hũ gạo, bát cơm” nuôi hàng chục ngàn dân ven đầm, với các nghề truyền thống như: lưới gõ, dũi ngao, xiếc, thả lưới, chụp, rớ giàn, mò cua, ốc, hàu... Nhưng hơn 10 năm nay, tàu giã cào tàn sát hết cá tôm, cướp mất bát cơm của hàng ngàn hộ dân”.
Khó xử lý
Theo ghi nhận của chúng tôi, đội ngũ tàu xung điện, xiếc máy phát triển nhiều nhất tại các thôn Nhân Ân, Lộc Hạ (xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước), Nhơn Hội (TP Quy Nhơn) với khoảng 150-200 tàu. So với 5 năm trước, loại hình đánh bắt này được các đối tượng nâng cấp rất nhiều để tàn sát cá, tôm trong phạm vi rộng…
Có mặt tại cửa sông các thôn Nhân Ân, Lộc Hạ kết nối ra đầm Thị Nại, chúng tôi ghi nhận hàng trăm chiếc tàu giã cào trang bị gọng xiếc nằm đậu bến, đợi thời cơ hành nghề. Đến khoảng 18 giờ, các tàu (mỗi tàu 2 ngư dân) xuất bến, máy nổ đành đạch vang dội ầm ĩ khắp cả góc đầm, rồi lũ lượt túa ra khu vực sinh thái rừng ngập mặn Cồn Chim…
Gặp chúng tôi, ông Huỳnh Văn Trinh, Trưởng thôn Nhân Ân, than rằng, dù biết các tàu xung điện, xiếc máy đậu nhiều ở các bến sông nhưng không thể xử lý do không có quy định, dù loại hình này đã bị cấm. “Mỗi khi xã, thôn thuê ghe ra đầm tuần tra, dù phát hiện tàu giã cào, chúng tôi đuổi theo cũng không kịp, đành chịu thua vì chúng chạy rất nhanh”, ông Trinh nói.
Ông Lê Đức Quang, Phó Chủ tịch xã Phước Thuận, cho biết, địa bàn có khoảng 100 tàu xung điện, xiếc máy tập trung ở thôn Nhân Ân, Lộc Hạ. Những thành phần này hoạt động rất tinh vi, thuê cả “cò bờ” để canh trực, nắm bắt động tĩnh của tổ tuần tra, do vậy ca nô của huyện và kiểm ngư rất khó bắt giữ, ngăn chặn…
Trước đây, chính quyền và ngành chức năng truy quét rất nghiêm ngặt, hình thức xử lý đa dạng, như: phạt hành chính, cắt gọng, tịch thu phương tiện, máy móc tại bến, thậm chí khởi tố hình sự…, nên có giai đoạn vấn nạn trên lắng xuống. Tuy nhiên, từ khi có Luật Thủy sản (2017), Nghị định 42/2019/NĐ-CP của Chính phủ thì phát sinh nhiều “lỗ hổng”, dẫn đến công tác ngăn chặn các tàu xung điện, xiếc máy bị bỏ bê.
Trước thực trạng phức tạp ở đầm Thị Nại, ông Lê Đức Quang, Phó Chủ tịch xã Phước Thuận, kiến nghị UBND tỉnh Bình Định cần chỉ đạo Sở NN-PTNT sớm thành lập tổ chốt trực chuyên trách thường xuyên giữa đầm Thị Nại; nắm bắt, xử lý các tàu có dấu hiệu vi phạm ngay tại bến. Giải pháp lâu dài là cần nghiên cứu chuyển đổi nghề, tạo sinh kế mới cho ngư dân đang làm các nghề cấm như xung điện, xiếc máy, lưới lồng…
Khi chúng tôi nêu thực trạng này với ngành chức năng, ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định, nói rằng rất khó ngăn chặn triệt để các tàu giã cào, xung điện do lực lượng chuyên trách còn quá mỏng, không có công cụ hỗ trợ… |