Sống chung với ô nhiễm
Con hẻm đầy ổ voi, ổ gà dẫn chúng tôi vào một khu đất trống nằm gần khu vực cầu Ba Tri (thuộc xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh), nơi có nhiều cơ sở tái chế phế liệu hoạt động. Từ xa, chúng tôi đã thấy cột khói đen của một cơ sở tái chế phế liệu bốc lên nghi ngút, khi đến gần thì ngạt thở bởi khói bụi và mùi hôi nồng nặc. Tại khu vực này có khoảng 10 cơ sở tái chế phế liệu không địa chỉ, không bảng tên, không hệ thống phòng cháy chữa cháy, xưởng chỉ được vây xung quanh bằng những tấm tôn cũ nát, gỉ sét...
Đi tiếp trên tuyến kênh Ba Tri (đoạn thuộc xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh), chúng tôi cũng ghi nhận nhiều cơ sở thu gom, tái chế phế liệu đang hoạt động. Phế liệu được tập kết thành những đống cao như núi và hầu hết để lộ thiên. Chỉ tay về một điểm tập kết phế liệu phía xã Vĩnh Lộc B, anh Trần Minh Kha (ở đường Vĩnh Lộc) ngao ngán: “Mỗi khi trời mưa là toàn bộ nước mưa chảy ra từ mấy bãi phế liệu sẽ trôi thẳng ra kênh. Người dân ở đây lo lắng nước mưa dính chất độc hại có thể thẩm thấu qua đất, xuống mạch nước ngầm, ảnh hưởng sức khỏe người sử dụng”…
Nằm giáp ranh giữa xã Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh) và phường Bình Hưng Hòa B (quận Bình Tân), con hẻm dài chưa tới 500m nhưng có tới 3 cơ sở hoạt động tái chế phế liệu bao bì. Diện tích thì chật chội, phế liệu chất đầy trước cổng, tiếng máy inh ỏi, cùng mùi hôi phát ra làm chúng tôi cảm thấy buồn nôn, khó chịu. Tương tự, khu vực mà chúng tôi cảm thấy nhức nhối nhất về hoạt động tái chế phế liệu là đoạn dưới chân cầu Bình Thuận (thuộc phường Bình Hưng Hòa B) với nhiều cơ sở không có địa chỉ, bảng hiệu...
Theo các chuyên gia, với cách làm manh mún của người dân, và việc thiếu một quy hoạch tổng thể của cơ quan quản lý và chính quyền địa phương khiến ngành nghề này đang gây ô nhiễm, nguy cơ cháy nổ, gây bức xúc cho người dân.
Ngành chức năng phải vào cuộc
PGS-TS Phùng Chí Sỹ, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, nhận định, các cơ sở tái chế phế liệu tự phát phần lớn đang sử dụng công nghệ lạc hậu, dùng chất đốt công nghiệp, không có quy trình về tiêu chuẩn an toàn. Hậu quả là làm phát sinh rất nhiều khói, bụi độc hại, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân, đặc biệt là những trường hợp thường xuyên tiếp xúc hoặc sinh sống gần các xưởng tái chế. Có thể nói, các cơ sở tái chế phế liệu này làm lợi thì ít mà gây ô nhiễm thì nhiều. Để bảo vệ môi trường, ngành chức năng của TPHCM nên có kế hoạch di dời các cơ sở này vào các cụm, khu công nghiệp phù hợp. Đồng thời, hỗ trợ vốn vay ưu đãi để họ chuyển đổi công nghệ tái chế, đáp ứng các yêu cầu mà Luật Môi trường quy định.
Đồng quan điểm, PGS-TS Lê Thị Kim Oanh, Trưởng khoa Môi trường và công nghệ, Trường Đại học Văn Lang, cho rằng, các cơ sở tái chế phế liệu tự phát thường có quy mô nhỏ, vốn ít nên việc đầu tư trang thiết bị để thực hiện công tác bảo vệ môi trường hầu như không có. Đã vậy, do áp dụng công nghệ lạc hậu nên những sản phẩm (hạt nhựa) từ các cơ sở này cũng không đảm bảo chất lượng, giá trị thấp, nếu sử dụng để phục vụ sản xuất đồ gia dụng sẽ rất nguy hiểm. “Khi được hỗ trợ đầy đủ, các cơ sở này sẽ có điều kiện hoạt động tốt hơn, thậm chí còn đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế tuần hoàn của thành phố”, một chuyên gia môi trường nhấn mạnh.
Thống kê gần đây của cơ quan chức năng cho thấy, trên địa bàn TPHCM hiện có khoảng 1.000 cơ sở tái chế chất thải đang hoạt động. Trong đó, phần lớn là các cơ sở có quy mô vừa và nhỏ có hệ thống trang thiết bị, máy móc cũ kỹ, công nghệ tái chế lạc hậu. Qua kết quả khảo sát, có hơn 90% cơ sở tái chế không có hệ thống xử lý nước thải và khoảng 80% cơ sở không có hệ thống xử lý khí thải, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Mỗi ngày, TPHCM thải ra trên 9.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt. Trong đó, có khoảng 4.000 tấn chất thải rắn công nghiệp có thể tái chế, sử dụng lại (giấy vụn, nhựa, ni lông, thủy tinh, kim loại...).