15 năm trước, năm 2009 - trong chuyến ra Trường Sa đầu tiên của mình, tôi đã dự một buổi lễ như thế, diễn ra trên boong tàu 957. Tấm băng rôn căng ngang in dòng chữ: “Lễ tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh trên quần đảo Trường Sa”.
Trên đỉnh cột cờ của con tàu, lá cờ đỏ sao vàng bay phần phật trong nắng sớm. Màu của sắc cờ, màu của tấm băng rôn soi bóng phản chiếu xuống mặt biển quanh thân tàu, qua khúc xạ của những con sóng, rực lên một màu đỏ thật kỳ lạ, ngỡ như dòng máu thanh xuân của những người lính trẻ đã ngã xuống vào một ngày tháng Ba của mấy mươi năm trước vẫn còn đây, đỏ rực lên trong từng ngọn sóng.
Trong khoảnh khắc ấy, mấy câu thơ của nhà thơ Nguyễn Đức Mậu chợt vọng về như một cảm thức nhắc nhớ: “Thay cho màu cỏ thanh minh là xanh rợp trời cao/ Thay cho dòng tên khắc trên bia là trùng trùng sóng trắng/ Thay cho đất nâu là vô cùng biển thẳm/ Các anh chết rồi, tên tuổi cũng lênh đênh...”.
Cho đến thời điểm ấy, năm 2009 - những liệt sĩ đã hy sinh để bảo vệ chủ quyền Tổ quốc trên Biển Đông vẫn chưa có một ngôi đền tưởng niệm khang trang với đầy đủ tuổi tên để tưởng nhớ. Sau chuyến đi ấy, chúng tôi còn được ra Trường Sa thêm nhiều lần nữa, và cũng như lần tưởng niệm đầu tiên, vẫn trĩu nặng nỗi niềm day dứt khi bản nhạc tưởng niệm cất lên, sau trùng trùng con sóng bạc đầu là linh hồn những người lính “các anh chết rồi, tên tuổi cũng lênh đênh”.
Đúng vào dịp này 10 năm trước, tháng 3-2014, nhân dịp tưởng niệm 64 liệt sĩ Gạc Ma hy sinh, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng đã có lời kêu gọi đóng góp cho chương trình “Nghĩa tình Hoàng Sa - Trường Sa”, đã khiến hàng triệu người dân Việt xúc động và cảm kích. Bởi ở một đất nước mà lịch sử mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước, chủ quyền cõi bờ Tổ quốc luôn được đổi bằng máu của những người lính.
Một xứ sở mà giữa mỗi ngày bình yên đều khôn nguôi sự thao thức cảnh giác đừng để Tổ quốc bị bất ngờ. Một năm sau lời kêu gọi đó, ngày 13-3-2015, quần thể Đài tưởng niệm liệt sĩ Gạc Ma đã được làm lễ đặt đá và sau hơn 2 năm, công trình được khánh thành!
Giờ đây, trên tuyến đường từ sân bay Cam Ranh về TP Nha Trang, rất nhiều người dân Việt sẽ dừng lại trước khu tưởng niệm này để vọng về Gạc Ma, về Biển Đông. Hơn cả sự tưởng niệm, đó còn là lời nhắc nhở về những hòn đảo của Việt Nam và là lời nhắc hãy bền chí nuôi lớn khát vọng đến một ngày tất cả sẽ trở về trong vòng tay mẹ Việt!
Và để tri ân những người lính Gạc Ma, tri ân những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì chủ quyền biển đảo Tổ quốc không chỉ là những tượng đài hay quần thể tưởng niệm. 3 tháng trước, Trần Thiên Phụng, một người lính trở về từ Gạc Ma đã đột ngột ra đi. Người lính ấy, trong trận hải chiến Gạc Ma bị bắt làm tù binh, mất liên lạc, gia đình từng nhận giấy báo tử từ đơn vị.
Vậy rồi gần 3 năm sau khi bị bắt, anh được trở về, vẫn sống với “tinh thần Gạc Ma”. Vào những dịp tháng Ba, anh lại được nhiều trường học mời đến dự sinh hoạt dưới cờ cùng học sinh và kể chuyện Gạc Ma. Rất nhiều đồng đội của anh Phụng cũng đã sống như thế và luôn nuôi dưỡng tinh thần Gạc Ma ấy.
Tháng Ba này có những người lính Gạc Ma vắng dần trong đội ngũ cựu binh như anh Phụng, nhưng tinh thần ấy vẫn mãi tiếp tục. Sáng hôm nay, 14-3-2024, ở thị xã Ba Đồn (Quảng Bình), sẽ có một con đường được gắn biển mang tên Anh hùng liệt sĩ Trần Văn Phương, người chỉ huy khi ngã xuống trên đá Gạc Ma vẫn ôm trước vòm ngực lá cờ Tổ quốc nhuộm đỏ máu mình.
Cũng như những con sóng mang linh hồn người lính vẫn chưa bao giờ nguôi vỗ trên Biển Đông, dù đó là một quần thể tượng đài tưởng niệm Gạc Ma trang nghiêm bề thế, một biển tên đường mang tên người lính Gạc Ma bên dòng sông quê hương hay những cựu binh Gạc Ma vẫn miệt mài truyền cho cháu con ngọn lửa tình yêu biển đảo... Những câu chuyện đó gợi nên hình ảnh của những con sóng gối vào nhau mang bóng hình của Gạc Ma vỗ vào lòng con dân nước Việt, mãi mãi muôn đời và khôn nguôi thao thức!