1. Có một mùa hè hoa lửa, có một Thành cổ Quảng Trị 81 ngày đêm kiên cường, những câu chuyện lịch sử vẫn còn nguyên vẹn lớp ký ức một thời hào hùng. Nhìn từng nhành hoa cúc vàng thả theo dòng Thạch Hãn, NSƯT Lê Thiện hoài niệm: “Ngày xưa tôi cũng tham gia văn công, cũng đi qua vùng đất Quảng Trị rồi Đường 9 - Nam Lào. Tại đây tôi cũng từng cùng với đồng đội của mình, tự tay chôn cất bạn bè đã nằm xuống… Có những lần ở các trạm xá, tôi cũng hát cho đồng đội nghe vài câu quan họ Bắc Ninh Người ơi người ở đừng về. Tôi biết vết thương nặng như vậy, điều kiện chiến tranh khó khăn, thiếu thốn, họ sẽ nằm lại mãi ở nơi này”.
Câu chuyện ngưng đọng, bởi có một điều gì đó nghèn nghẹn nơi trái tim của người văn công một thời đi qua Quảng Trị. “Bồi hồi lắm, có cái gì đó cứ nghèn nghẹn trong tim không biết phải nói thế nào. Nghe mấy bạn trẻ trong đoàn hát Bài ca Trường Sơn, tôi càng nhớ đồng đội một thời với mình hơn”, NSƯT Lê Thiện bày tỏ.
Mùa hè khốc liệt của năm 1972, đâu chỉ là tuổi trẻ tạm biệt giảng đường để ra chiến trường, người xếp bút nghiên, người gác lại niềm riêng, có những câu chuyện tình hòa vào tình yêu đất nước, bởi người đi đã mãi không về. Nghệ sĩ múa Lê Thu Hiền (Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen) chia sẻ: “Trong công việc của mình, khi hóa thân vào các vai diễn, tôi cũng tìm hiểu kiến thức về văn hóa, lịch sử để cảm về một thế hệ hào hùng, có như vậy tác phẩm mình thể hiện mới mang lại cảm xúc chân thật với khán giả. Dù không phải là người đi qua cuộc chiến, nhưng tôi cảm nhận có một tình yêu và một lý tưởng sống thật đẹp ở thế hệ cha anh. Bao lớp người sẵn sàng gác lại hạnh phúc riêng tư để ra chiến trường, có người đi mãi mãi không về, nhưng tôi nghĩ tình yêu của họ không bao giờ chết, vì nó đã hòa cùng tình yêu Tổ quốc”.
2. Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn tối 7-11, một trong những nghĩa trang liệt sĩ lớn nhất cả nước với hơn 10.000 mộ phần, dòng người đến viếng, thắp nhang, thắp nến tưởng niệm và tiếng hát cất lên mộc mạc như tấm lòng thành của người đến.
“Hồi tham gia Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn, tôi mới 18 tuổi. Năm tháng đó khốc liệt lắm, một chút lời ca tiếng hát cũng là nguồn động viên cho nhau. Sau này tôi về lo phần việc quét dọn ở nghĩa trang từ năm 1981, tới bây giờ nghỉ hưu rồi nhưng nhà gần đây nên rảnh thì lại lên quét dọn, mình còn khỏe thì còn góp một chút cho người nằm đó mà. Lời ca tiếng hát hôm nay, như nhắc nhớ tôi về thời hoa lửa”, cô Đoàn Thị Hồng (huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) tâm sự, khi dừng lại, lắng nghe tiếng hát mộc mạc của đoàn văn nghệ sĩ đến từ TPHCM.
Chia sẻ về hành trình về nguồn “Âm vang Trường Sơn” của đoàn văn nghệ sĩ TPHCM do Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM tổ chức, đồng chí Nguyễn Thọ Truyền, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM, chia sẻ: “Chúng ta có mặt tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn để lần tìm về những địa danh ghi dấu ấn oai hùng, ai trong chúng ta cũng mong được thêm một lần đến với chiến trường xưa để hiểu hơn về sự hy sinh của các thế hệ đi trước để giữ từng tấc đất, từng cột mốc biên cương. Giữa đất trời, hồn thiêng sông núi, hồn tử sĩ đã hóa thân vào đất nước. Gió như đang hát giữa bạt ngàn cây cỏ và mộ phần của những người con ưu tú”.
Những nén nhang cúi đầu tưởng nhớ, tiếng chuông vang vọng đất trời, tràng hoa xuôi dòng Thạch Hãn hay ngọn nến hồng trong đêm Trường Sơn không hẳn chỉ tưởng nhớ người nằm xuống, mà còn nhắc nhở bản thân mỗi người giữ cho mình một ngọn lửa để biết ơn thế hệ hôm qua và trân trọng giá trị hòa bình, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ hôm nay.
Hành trình về nguồn “Âm vang Trường Sơn” (diễn ra từ ngày 7-11 đến hết ngày 10-11 tại tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế) hướng tới chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước, đặc biệt kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2025); đồng thời khơi gợi lòng yêu nước, ý thức trách nhiệm và tạo cảm xúc cho văn nghệ sĩ qua chuyến đi về nguồn, từ đó có những tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị.
|