Ngôi nhà vận động và ứng xử

Ngôi nhà vận động và ứng xử

Mọi bài trí, sắp xếp trong một không gian sống đều sẽ trở nên vô nghĩa nếu những vật dụng ấy, sắp xếp ấy không phục vụ cho các hoạt động của con người (dù là vật chất hay tinh thần). Chính tính chất Âm Dương hài hòa, trong tĩnh có động khiến Phong Thủy không hề đơn giản là một nghệ thuật hay kỹ thuật mà mang tính chất văn hóa rất rõ nét. Mà đã là văn hóa thì liên quan đến ứng xử. Hãy thử mở cửa bước vào nhà, bạn đã bắt đầu ứng xử rồi đó…

  • Ngôi nhà hô hấp
Ngôi nhà vận động và ứng xử ảnh 1

Hình 1

Thông thường, chủ thể di chuyển và ngôi nhà đứng yên một cách tương đối nhưng tham gia tích cực vào các hoạt động của con người trong đó. Nhưng cũng có những lúc, chủ thể hoàn toàn thụ động (khi ngủ chẳng hạn) còn ngôi nhà – với Nội Khí của nó – thì vẫn hoạt động và tác dụng lên chủ thể (có thể tốt hoặc xấu tùy theo trường hợp).

Nếu nhà đóng kín cửa, sau đó mới có người vào nhà, lập tức các trạng thái năng lượng sẽ được kích hoạt dần dần và ngôi nhà thực sự “hô hấp” cùng với những người sử dụng. Vì thế việc cung cấp Ngoại Khí tốt để từ đó đảm bảo Nội Khí cho nơi cư ngụ rất quan trọng, nếu không muốn nói là hàng đầu trong các tiêu chuẩn về môi trường sống hài hòa Phong Thủy.

Những khu đô thị có cơ sở hạ tầng tốt, nhiều cây xanh bao bọc, không bị ô nhiễm là những vùng cư trú lý tưởng (Hình 1). Sở dĩ phải nhắc yếu tố cơ sở hạ tầng vì điều này đảm bảo cho cư dân điều kiện sinh hoạt tiện nghi, giao thông thuận tiện. Đây cũng là sự khác biệt giữa một vùng đồi núi rất xanh tươi (nhiều dưỡng khí, không bị ô nhiễm) nhưng chưa chắc đã là nơi cư trú tốt vì còn phụ thuộc vào vấn đề cơ sở hạ tầng và và xử lý các “tiểu vũ trụ” trong từng ngôi nhà cụ thể.

Ngôi nhà vận động và ứng xử ảnh 2

Hình 2

Ngôi nhà hô hấp tốt là ngôi nhà không quá khép kín với Trường Khí bao quanh và nếu gia chủ tạo được mối liên thông trong và ngoài nhà tốt thì Nội Khí sẽ được bảo đảm. Đó là trường hợp của ngôi nhà truyền thống cha ông ta đã tạo lập được từ bao đời nay thông qua các biện pháp xử lý trong – ngoài, Âm Dương rất hữu hiệu.

Kết cấu bao che nhưng không ngăn chặn, khiến không khí luôn đối lưu tốt và được chọn lọc trước khi xâm nhập vào nhà qua hệ thống hàng hiên vươn rộng làm vùng đệm, mái cao và thềm cao để tránh ẩm thấp, cửa rộng và linh hoạt để chủ động đón nắng gió. Ngoài ra còn có vườn và ao, những yếu tố sinh thái then chốt giúp giải nhiệt cho ngôi nhà, tạo Phong và Thủy một cách rõ rệt nhất (Hình 2). Những thành phần quan trọng kể trên, tiếc thay trong điều kiện đô thị hóa hiện nay không còn giữ được nguyên vẹn, đòi hỏi ngôi nhà – căn hộ hiện đại phải tìm kiếm các lối giải khác cho bài toán ngôi nhà hô hấp sạch và xanh.

  • Những khoảng trống – buồng phổi
Ngôi nhà vận động và ứng xử ảnh 3

Hình 3

Khi không khí nóng nhẹ hơn chuyển động lên cao thì tạo ra các khoảng trống, không khí lạnh di chuyển vào tạo nên các luồng khí đổi chỗ “gió vào nhà trống” chính là giải pháp đầu tiên để nhà hô hấp: tạo ra những khoảng trống cho nhà. Sau thời kỳ đổ xô xây dựng nhà chia lô chen chúc ngộp thở, các chủ đầu tư giờ đây đang thấm thía nỗi khổ thiếu dưỡng khí. Tỷ lệ quy định 10% – 20% diện tích thông thoáng cho nhà chia lô xem ra vẫn chưa đủ vì còn phải tính đến độ cao tầng, hiện trạng hạ tầng và điều kiện môi sinh chung quanh.

Ngôi nhà vận động và ứng xử ảnh 4

Hình 4

Những ngôi nhà được thiết kế đảm bảo tỷ lệ này luôn có không khí bên trong rất thoáng đãng và ôn hòa, ví dụ ngôi nhà trên đất 100m2 có bố trí 2 Thiên Tỉnh (giếng trời) 1,5m x 5m và 4,5m x 3m (Hình 3) hầu như không dùng máy lạnh, ngoài trời nóng trong nhà vẫn mát và gia chủ luôn cảm thấy khỏe khoắn hơn so với khi ở trong ngôi nhà cũ tuy rộng mà hoàn toàn bít bùng. Tuy nhiên, cần phải đảm bảo rằng những khoảng trống này thật tinh sạch bởi nhiều gia chủ sau khi miễn cưỡng chừa sân trống lại biến nơi này thành kho, bít kín mái lại hay làm giàn phơi đồ, đưa cục nóng máy lạnh vào… khiến buồng phổi của cả nhà bị xâm hại và phản tác dụng.

Ngoài yếu tố tạo Thiên Tỉnh kể trên, khoảng trống của ngôi nhà còn nằm ở cách thức ngăn chia phòng ốc và xếp đặt vật dụng nội thất. Nhiều nhà biệt thự có sân vườn chung quanh mà vẫn ngột ngạt vì trong nhà có quá nhiều đồ vật. Vì thế, phong cách nội thất tối thiểu (minimalism) với vật liệu thân thiện môi trường (Hình 4) hiện nay đang được ưa chuộng chính vì một phần tạo ra được những không gian trống có nghĩa để Nội Khí luân chuyển dễ dàng, nhà ít bị đọng bụi trên vật dụng và giảm các nguy cơ bệnh tật do thiết bị máy móc, đồ dùng công nghiệp gây ra.

HOÀI AN

Tin cùng chuyên mục