Những phận đời lầm lỡ
Trần Thị Hòa (23 tuổi) đến từ Hà Nội vào “Nhà của bố” hồi tháng 5-2017. Hòa chia sẻ, hơn một năm qua, cuộc sống của bản thân cũng tương đối thoải mái dần. Không được học đến nơi đến chốn, Hòa lỡ có thai với bạn trai nhưng bị từ chối. Không nỡ bỏ cái thai trong bụng nên Hòa đã tìm đến nơi này. “Sau khi sinh con xong, tôi được chương trình tạo điều kiện cho đi học may và học cắm hoa. Khi đi học thì hai “mẹ” (cách Hòa gọi 2 quản lý ở đây - PV) trông coi con giúp. Tạm thời mẹ con tôi ở đây chưa biết khi nào ra, khi nào con lớn rồi tính chứ giờ con nhỏ quá”, Hòa tâm sự. Thỉnh thoảng gia đình Hòa vô thăm nhưng không nhiều, phần vì đường sá xa xôi, cùng nỗi giận buồn con gái khiến sợi dây với gia đình Hòa càng xa cách.
Khác với Hòa, Nguyễn Mai Trâm (17 tuổi, TP Đà Nẵng) đến với “Nhà của bố” khi đang học phổ thông dang dở. Tại đây, Trâm được chăm sóc cho đến khi em sinh nở và được tạo điều kiện tiếp tục học phổ thông. Hiện Trâm đang học lớp 12, con gái đã được 2 tuổi. “Tôi sống ở đây cũng được 3 năm. Gia đình sợ hàng xóm, xã hội gièm pha kỳ thị nên tạm thời để tôi ở lại nơi này tiếp tục đi học cho đến khi có thể tự lập, nuôi sống bản thân và con mình. Khi ấy mẹ con tôi sẽ ra khỏi nơi này”, Trâm nói.
Đến từ Quảng Ngãi, cô gái 22 tuổi Nguyễn Thị Phương Thúy, ngậm ngùi: “Khi biết mình mang thai, bạn trai từ chối. Em suy nghĩ là đi tìm nơi nào đó có thể sống và sinh con mà không ai biết, không ảnh hưởng đến gia đình. Lên mạng dò tìm được biết “Nhà của bố”, em đã âm thầm mang quần áo đến đây xin tá túc”. Thoạt đầu, Thúy nghĩ đây cũng chỉ là nơi để những cô gái nhẹ dạ cả tin, trót lầm lỡ sống tạm. Nhưng khi đến nơi, Thúy mới giật mình, thì ra nơi này tốt hơn những gì cô đã nghĩ trước đó. Ngoài những nhu cầu ăn ở sinh hoạt và học hành, Thúy cũng như những chị em lầm lỡ khác được các bác sĩ thăm hỏi và chăm sóc sức khỏe cho các bé. “Hiện nay, con tôi được 1 tuổi. Thời gian qua tôi được tạo điều kiện đi học Spa tại Đà Nẵng. Với sự tận tụy chăm sóc giúp đỡ của các cô quản lý nơi này, thêm vào đó là chia sẻ đồng cảm của các bạn, tôi cảm nhận được cuộc sống của mình thoải mái dần lên. Dự định khoảng 2 tháng nữa sau khi hoàn thành việc học và có việc làm, tôi sẽ ra khỏi chương trình nhường chỗ cho những bạn khác đến”, Thúy chia sẻ.
Ngôi nhà của niềm tin
Bà Nguyễn Thị Mai (54 tuổi, quê Quảng Nam, quản lý “Nhà của bố”) tâm sự, chương trình chỉ nhận các em tuổi từ 14 - 22, tức là chưa đủ khả năng tự lập khi phải nuôi con một mình. Các em ở đây đa số đến từ các tỉnh phía Bắc như Hà Nội, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị..., phần nhiều là học sinh, sinh viên và công nhân.
Các em coi bà Mai giống như mẹ, những đứa trẻ sinh ra vẫn gọi bà là ngoại. “Thay vì phải bỏ cái thai ấy đi thì “Nhà của bố” sẽ chào đón những phận đời này. Tại đây các em sẽ được chăm sóc sức khỏe cho đến ngày sinh nở, mẹ tròn con vuông. Những em chưa học hết phổ thông, chương trình sẽ tạo điều kiện tiếp tục đi học sau khi sinh nở cho đến khi tự tạo ra thu nhập đủ để nuôi con. Em nào không học sẽ được tư vấn hướng dẫn học nghề và tạo việc làm”, bà Mai cho biết.
Thông thường đến phiên em nào đi học, bà Mai sẽ cùng các thành viên còn lại trông coi, chăm sóc bọn trẻ. Ngoài tạo cơ hội cho các em tiếp tục học phổ thông và học nghề, hàng tuần chương trình cũng tổ chức cho các bà mẹ trẻ học kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng nuôi dạy trẻ. Đặc biệt, chương trình chu cấp tiền ăn cho mỗi mẹ và con 60.000 đồng/ngày; gạo, gia vị các thứ và sữa, tã cho các bé được chương trình mua để sẵn. Ngoài ra, các em được chu cấp mỗi tháng 200.000 đồng tiêu vặt.
Trong căn nhà 3 tầng rộng hơn 100m2, được chia thành 5 phòng, mỗi phòng khoảng 3 - 4 bà mẹ trẻ. Các thành viên sinh sống phải tuân thủ nội quy, quy chế rất nghiêm ngặt từ giờ giấc đến thời gian, lịch trình đi học hàng ngày. Đi đâu, làm gì đều phải báo cáo. “Các em đến đây người thì chưa thấy bụng, người thì bụng lúp xúp, cũng có người bụng đã to. Ở với chương trình cho đến khi sinh nở, được đi học văn hóa cũng như học nghề cho đến khi có việc làm ổn định, đủ khả năng nuôi con thì các em sẽ ra khỏi chương trình, tức rời “Nhà của bố”, để tạo dựng cuộc sống riêng cho mình. Đặc biệt có những em được cha của đứa trẻ đến tìm hai mẹ con đón về hoặc được gia đình nhận và đưa về nhà”, bà Mai nói.