Ngôi nhà cổ tích của Đặng Việt Nga

Ngôi nhà cổ tích của Đặng Việt Nga

16 năm trước, sự xuất hiện của một biệt thự mang tên Hằng Nga trên đường Huỳnh Thúc Kháng (TP Đà Lạt) đã gây “sửng sốt” giới kiến trúc và người dân thành phố. Chủ nhân khu biệt thự “kỳ quặc” này là kiến trúc sư, tiến sĩ Đặng Việt Nga, 66 tuổi.

Ngôi nhà cổ tích của Đặng Việt Nga ảnh 1

... Sáng nay, Albert Karin, dân vùng Avignon (Pháp) đến thăm, đã đặt bút viết vào sổ lưu niệm biệt thự Hằng Nga: “Cảm ơn bà đã cho tôi ý nghĩa cuộc sống khi đến Việt Nam. Căn nhà được sinh ra từ cổ tích và ám tượng của Thượng đế đã dẫn tôi về với tuổi thơ, về thưở hồng hoang của loài người…”. Bà Nga không còn nhớ bao nhiêu người đến và yêu nơi này. “Tôi không còn cô độc vì người ta đã hiểu và chia sẻ cùng mình tư tưởng tự do…”.

25 năm trước, bà Nga đã gây “sốc” cho gia đình và bạn bè khi rời Hà Nội vào Đà Lạt sống. “Một người bạn khóc và bảo tôi “khùng”. Nhưng tôi muốn tự do để hoàn thành dự định của mình…”.

Phong cách kiến trúc của bà đã tạo nên một Cung thiếu nhi, nhà thờ Liên Khương… nhưng ít nhận được sự ủng hộ. “Sáng tạo độc đáo thì cứ bị phê bình là rắc rối. Nên khi nghỉ hưu tôi đã quyết định phải thực hiện cái gì đó, đúng với hiểu biết của mình và biệt thự Hằng Nga ra đời”.

  • Nghệ sĩ “điên”

Ngôi nhà cổ tích của Đặng Việt Nga ảnh 2
Biệt thự Hằng Nga nhìn bên ngoài.

Năm 1990, xuất hiện một biệt thự với 6 căn phòng hốc cây, mạng nhện “không giống ai” với nhiều cái tên: Trăng mật, Cây tre, Kangaroo, Đại bàng đất… Bà trở thành một “người điên” trong mắt nhiều người. “Tôi là người liều mạng làm những gì mình thích. Nhưng khi mới làm xong mấy cái hồ và mấy cây nấm đã có khách. Tôi nghĩ ra chuyện thu tiền (năm ấy 200 đồng/người, bây giờ 7.000 đồng) và tiếp tục công việc. Hóa ra cái gốc cây 5 tầng, mỗi tầng một phòng của tôi lại hơn các khách sạn 5 tầng trống trơn bên cạnh”, bà Nga cười.

Tư tưởng tự do và quan điểm “kiến trúc không phải hình hộp”, cộng với sự bức xúc từ công việc đã tạo ra sự khác biệt. “Đà Lạt đã cho tôi ý tưởng, hướng kiến trúc về thiên nhiên nguyên sơ. Sống trong những hốc cây, hang đá bí ẩn của người xưa, con người sẽ thấy gần nhau, cần đến nhau hơn”.

Nhiều người đã từng hỏi bà về sự cô độc trong ngôi nhà lạ lẫm mà bất kỳ đêm mưa gió nào cũng cảm thấy rùng rợn. “Tôi không có thời gian để buồn. Lúc nào cũng muốn mọc thêm tay để hoàn thành biệt thự này trước năm 2010. Nhiều sách du lịch đã cho là kiến trúc độc đáo, hấp dẫn nhất Việt Nam. Tôi không nghĩ thế. Sống trong không gian tự do, con người sẽ bừng tỉnh tư tưởng tự do. Hơn hết, tôi muốn làm điều mình thích, ăn cái mình thích: ăn chay. Và tôi tự do”.

Váy đầm dài, mũ vành mỏng như một công nương thế kỷ 18, bà Nga bước vào chiếc ô tô màu đen loại Citroen cổ lỗ sĩ, phóng khỏi lâu đài. Để lại hàng chục du khách leo lên leo xuống các hốc cây chiêm ngưỡng, giữa cơn mưa chiều Đà Lạt. 

NHẬT PHONG 

Tin cùng chuyên mục