Những người mẹ ở Làng Thiếu niên Thủ Đức đã hy sinh cả một thời thanh xuân để mang đến cho các cháu mồ côi niềm hạnh phúc của mái ấm gia đình. Được sự dưỡng dục của những người mẹ trẻ ở đây, các em có được nụ cười trẻ thơ, có hiện tại tốt đẹp, có tương lai tươi sáng.
Đối với các trẻ em mồ côi, Làng Thiếu niên Thủ Đức quả là một ngôi làng của những câu chuyện thần tiên trong cổ tích. Như một phép mầu, cuộc sống đầu đường xó chợ bỗng chốc biến mất. Các em được đưa về ngôi làng rợp bóng mát, được đến trường học hành, được vui chơi cùng bạn bè và đặc biệt là được sống trong một gia đình có anh chị em thương yêu, có người mẹ dịu hiền.
Đã hơn hai chục năm qua kể từ lúc bà Marina Picasso - cháu nội của họa sĩ tài danh Picasso - lập ra ngôi làng như một nơi chốn yên lành cho những trẻ mồ côi cơ nhỡ rồi giao cho Sở Lao động - Thương binh -Xã hội của TPHCM quản lý, ngôi làng vẫn giữ nguyên những giá trị nhân đạo tốt đẹp ban đầu.
Làng nhận nuôi những trẻ sơ sinh bị bỏ rơi trong bệnh viện, những em bé lang thang ở phố chợ vỉa hè và cả những trẻ em có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn. Về với làng, các em được đến trường phổ thông học hành như những trẻ em bình thường, khi trưởng thành được học đại học nếu có năng lực, được học nghề để nuôi sống bản thân, được dựng vợ gả chồng khi gặp người tâm đầu ý hợp…
Tất cả các quyền lợi ấy của các em hoàn toàn được bảo trợ bằng ngân sách của TPHCM và bằng tấm lòng nhân ái của các mạnh thường quân xa gần.
Mỗi người mẹ ở Làng Thiếu niên Thủ Đức bảo bọc mười đứa con trong tấm lòng nhân từ bao dung. Đã đông con, lại không có người đàn ông trong nhà nên bao nhiêu khó khăn dồn hết lên đôi vai của mẹ.
Một ngày của những người mẹ ở ngôi làng nhân ái này bắt đầu từ sáng sớm. Khi các con còn đang ngon giấc, mẹ trở dậy lo bữa sáng, quét dọn nhà cửa, giặt giũ quần áo. Khi các con đến trường, mẹ bắt đầu đi chợ, nấu nướng cho bữa ăn trưa. Đến chiều, mẹ coi sóc cho con lớn làm bài tập, tắm rửa cho con nhỏ và chuẩn bị bữa ăn chiều. Đó là chưa kể những vất vả khi phải chăm sóc những đứa con đau ốm, những đứa con bị bệnh thiểu năng.
Đối với những người mẹ ở đây, điều lo lắng nhất không phải là chuyện cơm ăn áo mặc mà ở chỗ dạy dỗ chúng thành người có nhân cách, đạo đức. Làm mẹ của mười đứa con mang mười dòng máu khác nhau, quả chẳng dễ dàng gì. Với những trẻ được nuôi dưỡng trong làng từ nhỏ, chúng có phần dễ bảo ban. Ngược lại, tâm lý của những em mới được đưa về làng sau khi đã sống một quãng thời gian ở đầu đường xó chợ lại vô cùng phức tạp.
Chị Quốc – người làm mẹ từ lúc mới thành lập làng – tâm sự: “Đối với những đứa trẻ như vậy, mình phải ân cần hơn, nhẫn nại hơn, cố gắng hiểu sâu sắc tính cách của mỗi đứa để có hướng giáo dục thích hợp”.
Mức lương theo bậc công nhân viên ít ỏi không thể nào bù đắp được những nỗi nhọc nhằn của mẹ. Niềm vui của mẹ là khi các con lớn lên đi làm ăn xa thỉnh thoảng lại quay về tổ ấm thăm mẹ, thăm em; là khi các con nhỏ được tuyên dương trong các kỳ thi học sinh giỏi.
Hạnh phúc của mẹ là lúc mẹ con thủ thỉ tâm tình khi con gái lớn sắp lấy chồng, lúc con trai lớn dắt người yêu về ra mắt “mẹ chồng” tương lai, lúc những đứa cháu ra đời và bi bô gọi “bà ngoại”, “bà nội”… Những niềm hân hoan ấy, người mẹ bình thường chỉ đón nhận vài lần còn các mẹ ở Làng Thiếu niên Thủ Đức thì vô kể, bởi hết lớp trẻ này vào đời, lớp trẻ khác lại về, lại tíu tít níu áo mẹ.
Thanh Nguyên