Năm 2025, Quảng Bình đặt mục tiêu hoàn thành chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hơn 1.500 hộ nghèo, cận nghèo trên toàn tỉnh. Không phải là khẩu hiệu hô hào nhất thời, mà là một chương trình được tổ chức bài bản, có tiến độ, có lực lượng cụ thể. Và đặc biệt có sự tham gia sâu rộng của cả hệ thống chính trị.

Ở xã Cao Quảng, huyện Tuyên Hóa, ngôi nhà xuống cấp của anh Đặng Mạnh Chiến được tháo dỡ trong sự chung tay của công an xã, đoàn thanh niên và cả cộng đồng. Gạch, xi măng, ngói đỏ được vận chuyển bằng chính những bàn tay đã quen với công việc giữ gìn trật tự.
Những chiến sĩ công an, đoàn thanh niên ở đây lặng lẽ giúp dân xóa nhà tạm. "Khi thấy những chiến sĩ công an, Đoàn thanh niên làm việc giúp gia đình, tôi cảm động vô cùng", anh Chiến nói.

Lực lượng Công an tỉnh Quảng Bình không chỉ ủng hộ 500 triệu đồng, 150 tấn xi măng, mà còn phân công từng phòng, ban, đơn vị phối hợp trực tiếp với các xã, vận động ủng hộ thêm nhân công, ngày công.
Tỉnh đoàn Quảng Bình cũng phát động phong trào "20.000 ngày công" như một cách để khơi lại tinh thần “ba sẵn sàng” từng là biểu tượng một thời. Ở Trung Hóa (Minh Hóa), ngôi nhà của vợ chồng ông Đinh Xuân Lưu đã già yếu, không còn đủ sức cải tạo nay được lợp lại mái ngói.
Ông Lưu bộc bạch: “Mưa gió không còn lo nữa”. Câu nói ấy tưởng chừng giản dị, nhưng chạm đến điều sâu hơn rằng sự an cư không chỉ đến từ vật liệu xây dựng, mà đến từ lòng an tâm khi có cộng đồng bên cạnh.

Trong hơn 1.500 căn nhà được phê duyệt hỗ trợ, đã có hơn 1.100 căn được khởi công, với 648 căn xây mới, 528 căn cải tạo, và 336 căn đã hoàn thành. Tiền hỗ trợ từ ngân sách tỉnh là hơn 71 tỷ đồng, và hơn 1,2 tỷ đồng khác đến từ nguồn xã hội hóa. Những con số khô khan nhưng ẩn sau đó là vô vàn những cảnh đời, những mái nhà từng rách nát vì bão lũ, từng đọng nước qua mùa đông, nay được thay bằng tường gạch, mái ngói.
Ông Trần Phong, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình chia sẻ: “Không chỉ là hỗ trợ nhà ở, mà là khẳng định quyết tâm xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân”. Với một tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn như Quảng Bình, việc đặt mục tiêu xóa nhà tạm như một nhiệm vụ trọng tâm trong nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội, là một lựa chọn chính trị theo nghĩa tốt đẹp nhất.