Ngôi đình đã chứng kiến nhiều thăng trầm của lịch sử hình thành vùng đất Bình Dương nay đang rất cần các cơ quan chức năng can thiệp để bảo tồn những kiến trúc cổ đang xói mòn qua thời gian.
Đình Phú Long vẫn còn lưu giữ được nhiều dấu tích kiến trúc độc đáo
Ngôi đình cổ nhất Bình Dương
Từ TPHCM đi xuôi theo quốc lộ 13, rẽ vào trung tâm thị xã (TX) Thuận An sẽ thấy nhiều thông tin hướng dẫn tới đình Phú Long. Ngôi đình nằm ẩn khuất giữa nhiều nhà máy, xí nghiệp sản xuất ồn ào và bụi bặm, nhưng càng vào bên trong càng thấy nét trầm mặc, cổ kính. Đứng từ cổng đình, nhìn về hướng Đông là khúc sông Sài Gòn (đoạn chạy qua TX Thuận An) uốn lượn cùng nhiều tàu thuyền xuôi ngược trong khung cảnh thanh bình, yên ả.
Ông Bùi Văn Bòn (69 tuổi), Trưởng ban Nghi lễ đình Phú Long, cho biết: Đình được xây dựng từ hơn 300 năm trước, do những lưu dân phía Bắc đi theo danh tướng Nguyễn Hữu Cảnh (1650-1700) trong hành trình mở cõi, tiến vào Nam sinh sống, rồi lập ra đình thờ các vị tướng lĩnh, vua chúa có công với đất nước.
Những năm đầu, đình được xây dựng khá thô sơ với vật liệu chủ yếu là tre, nứa để phục vụ tín ngưỡng của người dân trong những ngày lễ, tết. Vào năm 1852 (đời vua Tự Đức năm thứ 5), triều Nguyễn có sắc phong xác nhận Thành hoàng, thờ cúng các vị tiên liệt trên mọi vùng của đất nước.
Sắc phong được ghi: “Vua Tự Đức năm thứ 5 tưởng nhớ công lao những vị khai sơn lập ấp, nay sắc phong bảo an, chính trực, hộ thiện, chi nghi đem thỉnh về phương thôn phù hộ cho lê dân bá tánh”.
Sau khi nhận được sắc phong, người dân vùng Lái Thiêu đã xây dựng đình kiên cố trên tổng diện tích hơn 6ha. Riêng khu vực chánh điện có kích thước 45m bề ngang và dài trên 55m với kiến trúc “trùng thiềm điệp ốc” độc đáo (xuất hiện từ khoảng thế kỷ 17-18), với các điểm nhấn là hoa văn trong và ngoài đình có hình cá hóa rồng cách điệu, cảnh hội bát tiên được đắp nổi bằng gốm sứ.
Nhà trước và nhà sau của điện được nối với nhau bằng một hệ thống trần vòm mai cua dưới máng nước nối của hai mái nhà (máng thừa lưu). Chính trần mai cua này nối với nửa trong tạo ra một không gian nội thất liên tục, thống nhất, không còn cảm giác ghép nối 2 tòa nhà. Đến nay, đình còn đầy đủ 3 gian Đông lang, Chánh điện, Tây lang với 2 hàng cột gồm 10 cây gỗ vững chắc, còn lưu giữ rất nhiều câu đối khắc trên thân các cây cột, bàn hương án, nóc đình...
Tất cả đều được chạm trổ tinh xảo, sơn son thếp vàng rực rỡ. Các hoạt động cũng như lễ chính tại đây đã duy trì hàng trăm năm qua như: cúng ông Hổ (1-5 âm lịch), cúng ông Quan Đế (24-6), cúng rước Ông, dựng nêu mừng xuân (30-12)…
Nhờ giữ được nguyên bản sắc phong của vua Tự Đức suốt mấy trăm năm qua nên giới nghiên cứu đã khẳng định đình Phú Long là ngôi đình cổ nhất, có giá trị về kiến trúc, văn hóa, lịch sử của tỉnh Bình Dương và khu vực Đông Nam bộ, bằng việc trao chứng nhận kỷ lục vào năm 2014. Trước đó, vào năm 2001, Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cũng đã cấp bằng công nhận Di tích lịch sử văn hóa quốc gia.
Cần tôn tạo, bảo vệ di tích
Với bề dày lịch sử, đình Phú Long không chỉ là điểm đến nổi tiếng của khách du lịch thập phương, mà còn là địa điểm nghiên cứu lịch sử, văn hóa đặc biệt của giới nghiên cứu và sinh viên ngành văn hóa, kiến trúc từ các trường đại học trên cả nước nhưng đang bị xuống cấp trầm trọng. Sân đình thường bị ngập nước từ 0,5m đến 1m, cá biệt vào những ngày mưa lớn kết hợp triều cường, đình bị ngập tới 2m, cuốn trôi nhiều vật dụng ra sông, gây mối mọt, phá hủy các cột đình bằng gỗ quý tuổi thọ hàng trăm năm.
Đình Phú Long cũng gắn với những câu chuyện về những chiến sĩ cộng sản trong kháng chiến chống Mỹ đã cất giấu vũ khí và náu mình trong khu vực vòm mai cua ở chánh điện của đình suốt nhiều năm nhưng không bị địch phát hiện. Hay giai thoại về nhiều lần ngôi đình bị địch pháo kích trong những năm chiến tranh nhưng đều không trúng hoặc trúng, nhưng vì lý do nào đó không phát nổ, càng củng cố lòng tin tín ngưỡng của người dân trong khu vực về sự linh thiêng, vệ quốc của ngôi đình này.
Do bị xuống cấp và thiếu người trông nom, hương hỏa trong hàng chục năm qua nên những di vật quý hiếm như đồ thờ bằng đồng, lư hương, đặc biệt là hộp đựng (bằng gỗ) và sắc phong (bằng đồng) vua ban được ông Bùi Văn Bòn đem về cất giữ trong am thờ cúng nhỏ của gia đình. Lý giải cho việc đưa các đồ vật quý hiếm này về nhà riêng, ông Bòn cho hay, từ khi giữ chức trưởng ban nghi lễ, ông nhận thấy nguy cơ bị trộm cắp bán ra nước ngoài nên đã thỉnh về nhà bảo quản.
Để tránh bị nước sông Sài Gòn xâm thực, chính quyền địa phương đã đầu tư xây dựng bờ bao và tường rào kiên cố, đồng thời tổ chức sơn sửa các hạng mục bị xuống cấp để bảo vệ, tôn tạo di tích và dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2018. Tuy nhiên, những bậc cao niên vẫn lo lắng về việc mai một di tích, liên quan đến việc bảo tồn, duy trì các nghi lễ truyền thống. Hiện tại, đội nghi lễ đình Phú Long có khoảng 40 người, nhưng đều là những người lớn tuổi, vào những dịp cúng lễ cũng rất ít người tham gia.
Theo truyền thống, cứ 3 năm 1 lần, nghi thức biểu diễn hát tuồng sẽ được tổ chức cùng với việc dâng lễ tưởng nhớ Thành Hoàng, thế nhưng không có nhiều người tham gia nên ban Nghi lễ phải thuê các gánh hát từ Hóc Môn, TPHCM (gánh tuồng Thái Vinh) và một số tỉnh miền Tây tham gia biểu diễn để duy trì các nghi thức vốn là bản sắc riêng của đình.
Hiện tại, những người đã gắn bó gần cả đời để giữ gìn ngôi đình như ông Bòn vẫn mong mỏi ngôi đình được trùng tu để giữ lại nét kiến trúc độc đáo và các dấu tích hiếm hoi còn lại tại đây.