
Hôm qua, 30-1 (tức 12 tháng chạp Âm lịch), Giáo hội Phật giáo Việt Nam và UBND tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức lễ hô thần nhập tượng và lễ khánh thành chùa Đồng tại quần thể di tích văn hóa thắng cảnh Yên Tử (thuộc thị xã Uông Bí, Quảng Ninh).
Sau hơn 1 năm ròng rã thi công, đúc luyện, ngôi chùa đã được hoàn thiện đúng vào dịp nhân dân cả nước đang chuẩn bị đón xuân Đinh Hợi. Đây là ngôi chùa bằng đồng lớn nhất nước ta hiện nay, đã được đầu tư và thực hiện rất công phu với tổng kinh phí 21,2 tỷ đồng.

Ngôi chùa Đồng vừa được khánh thành.
Từ sáng tinh mơ, dòng khách thập phương cùng với tăng ni, phật tử đã có mặt ở khu Yên Tử.
Con đường dẫn từ chân núi Hoa Yên chạy thăm thẳm lên tới đỉnh cao chót vót Yên Sơn, nơi đặt ngôi chùa, đông nghịt người và cờ phướn.
Bên dưới, tuyến cáp treo chạy từ chân núi Yên Tử lên chùa Hoa Yên cũng phải chuyển tải liên tục.
Đến 10 giờ sáng, khi lễ hô thần nhập tượng bắt đầu, hàng ngàn du khách, phật tử đã đứng chật cứng quanh chùa, nhiều người không thể tìm nổi một chỗ đặt chân. Nhiều người đã ngồi chờ đợi đến tận chiều tối để được vào trong tận mắt chiêm bái 3 vị tổ sư thiền phái Trúc Lâm.
Trong nắng sớm, ngôi chùa Đồng đứng trầm mặc và uy nghi giữa nơi cao nhất của khu Yên Tử, nơi đất và trời giao hòa thành một.
Đứng ở bên ngoài trông vào, ngôi chùa tọa lạc ngay trên các mỏm đá lớn, toát lên một màu đồng đỏ au đầy huyền bí.
Bất cứ chi tiết nào cấu thành ngôi chùa cũng đều được làm bằng chất liệu đồng, từ cánh cửa, đầu đao, mái ngói cho đến nền gạch, hoa văn… Đặc biệt, ngay cả các đồ pháp bảo và pháp khí đặt trong chùa cũng bằng đồng.
Ngôi chùa được dựng theo lối kiến trúc sơ khai đời Trần, nơi thờ Phật tổ thiền phái Trúc Lâm vua Trần Nhân Tông, vị anh hùng dân tộc đã có công dựng nước và giữ nước.
Theo Ban quản lý dự án chùa Đồng, toàn bộ công trình độc đáo này có tổng trọng lượng lên tới gần 70 tấn, được đúc bằng đồng nguyên chất nhập khẩu từ Australia. Chùa rộng 16,55m, tọa lạc trên khuôn viên rộng 20ha, ở độ cao hơn 1.068m so với mặt biển.
Kết cấu chùa gồm 16 cột đồng, trong đó cột cao nhất hơn 3m, cột thấp nhất 2,6m với đường kính 20 - 30cm. Các xà ngang, xà dọc đúc hình đầu rồng. Bốn đầu đao cong vút lên. Bốn mái chùa được thiết kế hài hòa khiến ngôi chùa trông như một bông sen đang nở.
Bên trong, bệ thờ đặt 4 pho tượng lớn cũng được làm bằng đồng nặng 4 tấn. Cả ngôi chùa đặt trên sàn móng bê tông đúc liền với móng. Bên dưới là các cột bê tông cắm sâu vào lòng núi.

Toàn cảnh lễ khánh thành chùa Đồng - Yên Tử.
Theo đại đức Thích Thanh Quyết, Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh, cách đây 3 tuần, khi việc lắp ghép các chi tiết của ngôi chùa cơ bản hoàn thành, Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức lễ đúc chuông và 4 pho tượng bằng đồng cho chùa Đồng.
Đây là những hạng mục cuối của công trình chùa Đồng (Yên Tử). Quả chuông có chiều cao 1,52m, đường kính 0,9m, nặng 0,44 tấn, được phật tử cung tiến một lượng vàng bạc đủ để ngân vang khi đánh, đặt ngay trước sân chùa. Bốn pho tượng đặt bên trong gồm tượng Đức Phật Thích Ca mâu ni và 3 vị Trúc Lâm tam tổ gồm Trần Nhân Tông, Huyền Quang và Pháp Loa.
Để có một công trình đặc biệt như chùa Đồng, gần 100 thợ đúc đồng có hoa tay ở làng đúc đồng nổi tiếng Ý Yên (Nam Định) đã được tuyển chọn và thực hiện ròng rã hơn 1 năm trời.
Bà Phạm Mai Hoa, Giám đốc Công ty Xây dựng mỹ thuật Hà Nội, đơn vị được giao việc đúc chùa Đồng, cho biết: Trước đây, họï dự định đúc các chi tiết, cấu kiện ngay tại đỉnh núi Yên Sơn, nơi đặt công trình.
Nhưng phục dựng lại một ngôi chùa bằng chất liệu đồng khó hơn nhiều việc sử dụng gỗ. Mặt khác, việc mở xưởng đúc cần phải có mặt bằng rộng, đảm bảo an toàn.
Do đó, công ty đã quyết định đúc thành từng chi tiết rời ngay tại chân núi Yên Tử. Sau đó, họ đã sử dụng cáp treo để vận chuyển từng chi tiết và cấu kiện trong số gần 4.000 chi tiết của ngôi chùa lên đỉnh núi với quãng đường dốc đá xa 3 - 4km.
Tuy nhiên, hệ thống cáp treo cũng không đủ tải các chi tiết lớn, nên rất nhiều chi tiết, cấu kiện đã được nhóm thợ tời bằng hệ thống ròng rọc lên đỉnh núi.
Bà Hoa nói rằng, chưa có khi nào việc đúc một công trình lại tốn kém về thời gian và sức lực như khi họ thực hiện đúc ngôi chùa có một không hai này. “Nhưng càng được làm công phu, cầu kỳ, giá trị văn hóa của ngôi chùa càng trở nên độc đáo” - bà Hoa nói.
Ban quản lý di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử cũng cho biết thêm, hiện UBND tỉnh Quảng Ninh đã có kế hoạch cho đúc tượng đồng 3 vị Đệ nhất tổ vua Trần Nhân Tông, Đệ nhị tổ Pháp Hoa và Đệ tam tổ Huyền Quang đặt tại Yên Tử sau khi chùa Đồng hoàn thành.
Đại đức Thích Thanh Quyết cho rằng, việc đúc lại chùa Đồng to và đẹp hơn ngôi chùa xưa cũ vốn dĩ nhỏ bé, không cân xứng với tầm vóc của khu danh thắng, cũng như kế hoạch đúc tiếp tượng của 3 vị tổ sư Trúc Lâm sẽ làm cho Yên Tử ngày càng trở nên là một di tích, danh thắng đầy sức kỳ thú, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tâm linh, tín ngưỡng của không chỉ hàng triệu du khách, tăng ni, phật tử ở Quảng Ninh mà còn cả nước.
VĂN PHÚC – MINH ĐIỀN