Nhà bác học Albert Einstein từng nói: “Ai cũng là thiên tài. Nhưng nếu bạn đánh giá một con cá bằng khả năng leo cây, nó sẽ sống suốt đời với niềm tin rằng nó là kẻ đần độn”, thì đối với trường hợp của những thạc sĩ du học Mỹ, được phân công làm rà soát hồ sơ, nhập liệu như dư luận phản ánh, cũng là như vậy. Liệu có công bằng khi chỉ dựa vào bài tốt nghiệp thạc sĩ có liên quan “truy xuất nguồn gốc thực phẩm” rồi bố trí việc làm trái với trình độ chuyên môn?
Cũng có ý kiến cho rằng, một người giỏi thì có thể đảm nhận bất cứ công việc nào dù có hay không có phù hợp với trình độ chuyên môn. Tôi không đồng ý với quan điểm đó. Trong dân gian thường truyền tai nhau câu nói “Dụng người như dụng mộc”, ý nói việc dùng người cũng như việc dùng gỗ. Người thợ khéo khi biết sử dụng cây, gỗ đúng theo ý định trên cơ sở hiểu biết, phân tích đánh giá từng chủng loại phù hợp với từng yêu cầu sản phẩm thì sẽ đem lại hiệu quả. Hay như Bác từng nói, sử dụng nhân tài phải biết “tùy tài mà dùng người”, phải dùng đúng người, đúng việc, đúng năng lực sở trường của họ. Trên diễn đàn Quốc hội và truyền thông báo chí cũng đã nhiều lần đưa ra lời cảnh báo trong việc “bố trí sai vị trí, nhiệm vụ” đối với các đối tượng là chuyên gia, trí thức du học sinh quay về. Thật không khó để nhận ra những tác hại từ các quyết định sai lầm đó đối với người có trình độ, kỹ năng lao động cao: từ một người trở về với nhiệt huyết và quyết tâm cống hiến cho đất nước nay lại trở nên tâm tư, trăn trở rồi dần mất lửa và buông xuôi đối với công việc đang làm. Chính điều này dẫn đến sự lãng phí về thời gian đào tạo, hiệu quả công việc và làm tăng nguy cơ “chảy máu chất xám” ra nước ngoài.
Cá nhân tôi từng là một du học sinh tự túc, nhiều người thân và bạn bè ngạc nhiên và hỏi vì sao một du học sinh tự túc như tôi, không bị ràng buộc bởi quy định như các chương trình đào tạo của Nhà nước, lại quay về chấp nhận đồng lương ít ỏi, gắn bó với công việc trong môi trường nhà nước? Bởi đơn giản, ngoài nhiệt huyết, đó còn là lòng tin. Có lòng tin là có tất cả. Khi có lòng tin thì một lý tưởng chỉ vừa lóe, một khát vọng chỉ vừa đủ và một hoài bão chỉ nhỏ thôi cũng làm bùng cháy lên thành một ngọn lửa nhiệt huyết. Thật ra, môi trường nào cũng có thể cống hiến và trưởng thành, nhưng khi môi trường nhà nước phát huy tối đa cũng như thu hút được nhiều chất xám có tâm lẫn tầm, thì khi đó tôi tin rằng sẽ có nhiều chính sách công mang tính đổi mới, phù hợp với xu thế phát triển và góp phần không nhỏ trong việc đẩy nhanh sự phát triển của các lĩnh vực khác.
Những chuyên gia, trí thức đó cũng như tôi, họ quyết định chọn quay về vì họ có lòng tin, một lòng tin tuyệt đối dành cho sự lựa chọn đúng đắn con đường phát triển của Việt Nam. Đừng trách họ tâm tư và trăn trở, mà hãy chịu khó ngồi xuống lắng nghe, chia sẻ với họ và cùng họ tìm ra giải pháp tốt nhất. Dù là làm việc ở nước ngoài hay ở Việt Nam đều cũng có thể đóng góp cho quê hương bằng nhiều cách khác nhau. Tất cả rồi cũng vì sự phát triển của đất nước và lợi ích chung của dân tộc. Và có lẽ, mặc dù còn đâu đó những tiêu cực, những mặt trái trong quá trình đổi mới và phát triển; nhưng tổng thể Việt Nam đã có những bước chuyển mình để hội nhập rất thành công và được quốc tế công nhận. Thành quả đó không phải là do “may rủi”, mà là cả một quá trình nhận thức và quyết tâm thực hiện những cải cách mang tính đột phá của một tập thể đoàn kết và tin tưởng lẫn nhau.
Khi còn du học, tôi từng nghĩ: “Ừ thì về, lận đận có đấy, phải làm thêm nghề tay trái để kiếm thêm thu nhập. Nhưng nếu không về, cảm thấy có lỗi với bản thân vì đã không cố hết sức để thay đổi và làm cho mọi thứ tốt hơn. Nếu không về, rồi cũng như bao người khác chỉ biết đứng ngoài chỉ trích mà không chịu xắn tay áo lên cùng làm. Nếu không về, khi về già sẽ liệu có gì để tự hào và kể với con cháu về một thời tuổi trẻ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm?”. Và tôi đã về nước để thực hiện những dự định của mình…