Dùng tiếng nước ngoài cho... sang
Từ phim ảnh, ca nhạc, kiểu nói chuyện pha chút ngoại ngữ đã xuất hiện quá nhiều, nhưng trường hợp vừa giận vừa thương cũng không ít. Mở tiệm spa ở vùng ven thành phố, nhưng cách nói chuyện pha ngoại ngữ “nửa nạc nửa mỡ” với khách, khiến Khánh Hà (28 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh, TPHCM) không ít lần cười ra nước mắt.
Đặt lịch trước khi đến làm dịch vụ để tiệm tránh dồn đông khách không phục vụ kịp, nhưng thay vì “đặt lịch” nhiều người quen gọi là “book lịch”, “book vé”... Cách nói này, ở những đô thị lớn có phần phổ biến, nhưng ở vùng ven, khách hàng chưa hiểu cũng bắt chước cách chủ tiệm nói, họ đọc thành “bóc lịch”. Khánh Hà kể: “Cô khách hàng của tôi gần 60 tuổi, mỗi lần hẹn chăm sóc da thì cô gọi điện thoại nói “bóc lịch” lúc 9 giờ ngày mai, và “bóc nhân viên" làm dịch vụ. Tôi nghe không nhịn được cười, nhưng rồi nghĩ lại lỗi cũng do mình, thay vì mình cứ nói đặt lịch, thì đâu có cách phát âm tréo ngoe như vậy. Đúng là tiếng Việt đâu có thiếu từ, mà có phải mình đang giao tiếp với người nước ngoài đâu”.
Không chỉ “book vé”, “book lịch”, tiếng Việt có đủ ngôn từ để diễn đạt các vấn đề trong cuộc sống nhưng nhiều người cứ thích dùng tiếng nước ngoài cho... sang. Như từ “menu”, chúng ta có sẵn trong tiếng Việt, nhưng chẳng hiểu từ bao giờ “thực đơn” cứ như một từ xa lạ. Kết quả là có video clip khách vào tiệm sửa xe, cần thay linh kiện đã yêu cầu nhân viên cho xem “menu” khiến anh thợ cứ ngẩn tò te vì không hiểu.
Sau dịch Covid-19, Huỳnh Minh Sang (32 tuổi, quê Tiền Giang) chọn cách về quê lập nghiệp, mở quán nước ở cổng khu công nghiệp gần nhà. Quán đẹp, giá bình dân, ấy thế mà suýt đóng cửa chỉ vì một lý do có phần ngớ ngẩn. “Lúc đầu mở quán, bạn bè tới ủng hộ, rồi nhờ người này giới thiệu người kia, tôi bán cũng được lắm. Nhưng sau, khách vô quán cứ ngại, mua nước gì họ cũng chỉ vô hình. Tôi hỏi vài khách mới hiểu, do tên món nước tôi ghi nửa tiếng Anh nửa tiếng Việt, họ ngại không biết đọc làm sao thành ra cứ chỉ hình, rồi nhiều khách cũng ngại ghé quán”, Minh Sang kể.
Tiếng Tây thì biết tiếng ta thì lạ
Được gia đình định hướng du học từ nhỏ, nên Nguyễn Thanh H. (23 tuổi, ngụ quận 3, TPHCM) gần như học toàn bộ chương trình tiếng Anh trên lớp và tiếng Việt được mẹ tự dạy ở nhà. H. chia sẻ: “Khi du học, thuyết trình, làm luận văn bằng tiếng Anh, tôi rất tự tin nhưng để viết tiếng Việt chuẩn thì lại nhiều thiếu sót. Đó là lợi thế khi đi du học, nhưng cũng là điểm yếu của tôi, tiếng mẹ đẻ mà không rành, vì thế tôi vẫn tiếp tục tự học tiếng Việt”.
Không ít lần truyền thông đại chúng lên tiếng trước những ca từ trong bài hát hay phim ảnh quá sính ngoại trong lời thoại. Nhưng có lẽ điều này vẫn chưa ngừng lại, mà tiếp diễn theo một chiều hướng cả ta lẫn tây đều sai về ngữ pháp. Chẳng hạn: “thứ hai” thành “thứ high” hay “thứ ba” thành “thứ bar”… Cách viết/nói như thế trong tiếng Việt lẫn tiếng Anh đều sai, tuy nhiên, đó lại là ngôn ngữ xu hướng trên mạng xã hội. Dưới nhiều bài trên các diễn đàn chia sẻ về văn chương, ngôn ngữ, nói về chuyện ngoại ngữ “nửa nạc nửa mỡ” này, nhiều bình luận như: “pha chút tiếng Anh cho nó thời thượng”, “ai cũng nói theo cách này, mình cũng vậy, ko thì quê lắm”…
Làm việc trong lĩnh vực truyền thông thương hiệu, Trần Thị Thủy Tiên (28 tuổi, ngụ quận 4, TPHCM) chia sẻ: “Ở công ty tôi, mỗi lần giao các bạn nhân viên mới soạn thảo văn bản, hợp đồng rất hay gặp hiện tượng sử dụng cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh trong một văn bản. Nhắc nhở thì các bạn bảo do quen giao tiếp trên mạng xã hội. Riêng vấn đề này tôi tự nhận mình là người khó tính, văn bản cho khách hàng nước ngoài đôi khi dễ do từ chuyên môn bằng tiếng Anh. Riêng với khách hàng trong nước tôi luôn diễn giải bằng ngôn từ tiếng Việt, trừ một số từ quá chuyên môn. Đối với tôi, đó là cách giữ bản sắc cho mình và tôn trọng đối tác làm việc”.
Trong xu thế hội nhập và giao lưu đa chiều, việc ngôn ngữ nước ngoài có ảnh hưởng đến giao tiếp xã hội là câu chuyện tiếp biến dễ hiểu, tuy nhiên, hãy để mình am tường sâu sắc tiếng mẹ đẻ và am hiểu ngoại ngữ một cách chuyên nghiệp, đừng sáng tạo ngôn từ lưng chừng theo kiểu “ngoại ngữ nửa mùa”.