Từ gian lao đến ngày toàn thắng
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, quê tôi là vùng chiến sự giáp ranh, ban ngày do chính quyền cái gọi là “Chính phủ quốc gia” kiểm soát; ban đêm, lực lượng du kích và chính quyền cách mạng hoạt động. Tôi không thể nào quên những năm tháng ác liệt đó, khi không đêm nào là không có tiếng súng nổ và sự hy sinh; hàng trăm du kích, cán bộ ta đã bị địch phục kích sát hại. Có thể nói, Trị - Thiên và miền Trung nói chung là chiến trường khốc liệt nhất những năm cuối thập niên 60, đầu 70.
Sau khi đế quốc Mỹ bị giáng đòn quyết định trong chiến dịch Tết Mậu Thân 1968, chiến lược “Chiến tranh cục bộ” bị phá sản, buộc phải xuống thang chiến tranh, ngồi vào bàn đàm phán tại Hội nghị Paris; chúng chuyển sang thi hành chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, dùng người Việt đánh người Việt, tăng cường đánh phá bằng không quân và pháo binh, thực hiện chiến tranh hủy diệt và chiến tranh giành dân để làm suy yếu thế và lực ta trên cả hai miền Nam - Bắc. Ác liệt, hiểm nguy là thế nhưng những cán bộ kháng chiến vẫn bám trụ kiên cường. Lòng dân vùng bị địch tạm chiến vẫn luôn hướng về cách mạng, vẫn tìm mọi cách để tiếp tế lương thực, thực phẩm, thuốc men, nuôi dấu, chở che, bảo vệ cán bộ cách mạng, du kích và bộ đội; không khuất phục trước sự đe dọa, đàn áp, kiểm soát gắt gao của kẻ địch; vững một niềm tin chờ đến ngày chiến thắng.
Rồi ngày đó cũng đã đến. Sau thắng lợi của cuộc tấn công và nổi dậy Xuân - Hè năm 1972 và chiến thắng Phước Long cuối năm 1974 – đầu năm 1975, tỉnh Quảng Trị và một vùng rộng lớn khu vực miền Đông Nam Bộ, Bắc Tây Nguyên được giải phóng. Tiếp đó, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử kết thúc thắng lợi bằng chiến thắng lịch sử ngày 30-4-1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Chính quyền phải biết ơn dân
Sau ngày giải phóng, chính quyền cách mạng ở các địa phương miền Nam được thành lập. Phần đông thành viên các UBND cách mạng hay Ủy ban quân quản lúc bấy giờ tôi biết là những bộ đội, du kích, cán bộ hoạt động nằm vùng năm xưa, hay những người yêu nước đã từng chứng kiến và trải qua cuộc đấu tranh đầy hy sinh gian khổ của dân tộc. Tuy họ chưa được đào tạo, bồi dưỡng, trang bị kiến thức lý luận chính trị bằng bây giờ, nhưng giữa sự sống và cái chết trong chiến tranh đã cho họ hiểu rất sâu sắc một điều rằng: Nhờ có dân chở che mình mới được sống, nhờ có dân mới còn mình, mới có mình. Vì vậy, họ nghĩ điều trước tiên là biết ơn dân vì nhờ có dân mới có chính quyền này; và họ làm điều trước tiên là chăm lo đời sống của dân, làm công bộc của dân đúng nghĩa. Cho dù cuộc sống nhiều cán bộ cách mạng bước ra từ trong chiến tranh vẫn chưa thể no đủ, nếu chưa nói là còn chật vật, vì họ cũng phải tiếp tục vừa cống hiến, vừa mưu sinh trong điều kiện kinh tế đất nước còn khó khăn. Nhưng hầu hết họ đều là những con người liêm chính, chí công vô tư, được Nhân dân và thế hệ chúng tôi hết sức tôn kính, coi đó là tấm gương sống về đạo đức để noi theo. Cũng không thấy họ tỏ ra so bì, ganh tị với lớp cán bộ đi sau khi thấy cuộc sống những người này hơn mình. Bởi vì họ nghĩ “con hơn cha là nhà có phúc”, họ chiến đấu, hy sinh cũng vì mục tiêu đất nước hòa bình, phát triển đi lên, người dân có cuộc sống ngày càng sung sướng, tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, họ luôn có cảm quan của những con người chân chính, sớm nhận biết và cảnh báo đối với những dạng cán bộ sa ngã, biến chất, có dấu hiệu không trong sáng.
Thật đáng tiếc khi có không ít cán bộ, đảng viên kiêu ngạo, bỏ ngoài tai hoặc chỉ tiếp thu chiếu lệ những lời cảnh báo đó của lớp tiền bối. Trong số đó, có những người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, đương chức hoặc nghỉ hưu, từ cán bộ tốt đã biến thành các “quan cách mạng”, tha hóa, bất liêm, liên quan đến tham nhũng, tiêu cực... Họ đã không vượt qua được lằn ranh mong manh trong cuộc đấu tranh sinh tử chống lại sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" – mà lằn ranh đó “chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.”(Nghị quyết TW4, Khóa XII). Hệ quả là nhiều cán bộ sai phạm bị truy tố hoặc đang đứng dưới “thanh bảo kiếm” của kỷ luật Đảng và pháp luật của Nhà nước. Đó cũng là cái giá phải trả cho những ai sớm quên đi điều sơ đẳng nhất mà lớp cha anh đi trước phải đánh đổi bằng xương máu: Nhờ có dân chở che mình mới được sống, nhờ có dân mới có mình.
Dân tin thì chế độ ta còn, Đảng ta còn.
Đại thắng mùa Xuân 1975 đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng dân tộc do Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo. Một trong những nhân tố cơ bản nhất làm nên kỳ tích đó là nhờ sức mạnh cả nước một lòng, toàn dân đánh giặc – sức mạnh của lòng tin. Một khi lòng dân tin vào sự lãnh đạo của Đảng, đi theo con đường Đảng và Bác Hồ đã chọn; mỗi khi Đảng tin dân, dựa vào dân thì không có trở lực nào cản nổi. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng nói: “Một đảng cách mạng chân chính có đường lối đúng, có tổ chức chặt chẽ, có đội ngũ cán bộ, đảng viên trong sạch, gương mẫu, tận tụy, gắn bó máu thịt với Nhân dân, được Nhân dân ủng hộ, thì đảng đó có sức mạnh vô địch, không thế lực nào ngăn cản nổi trên con đường dẫn dắt dân tộc đi lên.”.
Ngày nay, xây dựng, hun đúc lòng tin vẫn là bài học sống còn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Tin vào ai? Tin vào bản lĩnh chính trị và hành động của Đảng, Nhà nước; tin vào đội ngũ cán bộ kiên trung của Đảng mà đỉnh cao sẽ là cuộc sàng lọc trí tuệ từ Đại hội các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Thực vậy, Đảng ta đã và đang hành động rất quyết liệt trong cuộc chiến chống nạn tham nhũng, lãng phí, quan liêu, chống chạy chức, chạy quyền, lợi ích nhóm và các tiêu cực khác đang làm suy yếu Đảng, đe dọa sự thịnh suy của quốc gia, sự tồn vong của chế độ; coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn hiện nay.
Cũng cần nhắc lại rằng, 8 năm trước tại Hội nghị TW6, Khóa XI (10-2012), Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng trong bài phát biểu bế mạc hội nghị đã thay mặt Đảng nhận lỗi trước toàn Đảng, toàn dân về những yếu kém, tồn tại trong công tác xây dựng Đảng, những suy thoái, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đến Hội nghị TW6, Khóa XII (10-2017), với những quyết sách cứng rắn, không có vùng cấm, Tổng Bí thư và Đảng ta đã lãnh đạo cuộc đấu tranh, phòng chống tham nhũng trở thành một cao trào, một xu thế, “ta làm hợp lòng dân thì dân tin và chế độ ta còn, Đảng ta còn.”. Chỉ tính từ năm 2016 - 2019, nhiều đại án kinh tế, tham nhũng được đưa ra xét xử; thi hành kỷ luật hàng chục ngàn cấp ủy viên các cấp và đảng viên sai phạm. Trong đó, có hàng chục cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên và nguyên Ủy viên TW Đảng, sĩ quan cấp tướng. Điều đó cho thấy Đảng ta quyết tuyên chiến với “giặc nội xâm”, vượt qua cái điều gọi là “đâu sẽ vào đấy” như tiền lệ lâu nay; góp phần hun đúc, cũng cố lòng tin và tình thương yêu, quý trọng của Nhân dân đối với Đảng ta – Một đảng luôn trung thành với tư tưởng Hồ Chí Minh: "Đảng không phải là nơi để thăng quan, tiến chức, để phát tài”. “Ngoài lợi ích của Tổ quốc, của Nhân dân, Đảng ta không có lợi ích gì khác”./.
(*)Lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài viết “Phải theo đúng kỷ luật của Đảng” đăng trên Báo Nhân Dân số 217, từ ngày 22 đến ngày 24-8-1954; bút danh “C.B”.