Cách đây 50 năm, đại thắng mùa Xuân năm 1975 đã kết thúc cuộc kháng chiến trường kỳ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Nền ngoại giao Việt Nam rất vinh dự và tự hào được đóng góp vào thắng lợi vĩ đại và to lớn đó của dân tộc.
Những thắng lợi trên mặt trận ngoại giao trong giai đoạn này đã để lại những bài học vô giá, còn nguyên giá trị đến ngày nay.

Ngoại giao - mặt trận chiến lược quan trọng
Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, thực hiện mệnh lệnh thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là “dù khó khăn gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi, tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất, đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà”.
Trong hoàn cảnh phải “lấy yếu đánh mạnh”, Đảng ta đã xác định việc tạo dựng sức mạnh tổng hợp của dân tộc và thời đại là một nhân tố quyết định. Đó là sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, từ Bắc chí Nam; sức mạnh của tình đoàn kết với Lào và Campuchia; sức mạnh của sự giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa, nhất là Liên Xô, Trung Quốc và sức mạnh của sự ủng hộ của nhân loại tiến bộ trên toàn thế giới.
Với tinh thần đó, Hội nghị Trung ương 13 năm 1967 đã xác định “Đấu tranh ngoại giao không đơn thuần phản ánh cuộc đấu tranh chiến trường mà trong tình hình quốc tế hiện nay, với tính chất cuộc chiến tranh giữa ta và địch, đấu tranh ngoại giao giữ vai trò quan trọng, tích cực, chủ động”. Tiếp đó, năm 1969, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết xác định “Ngoại giao trở thành mặt trận chiến lược, có ý nghĩa quan trọng”.
Một là, ngoại giao đã kết hợp với quân sự, chính trị, tạo ra thế trận “vừa đánh vừa đàm”, huy động sức mạnh tổng hợp của dân tộc.
Hai là, ngoại giao đã tranh thủ sức mạnh của ba dòng thác cách mạng, huy động được sự ủng hộ của các nước xã hội chủ nghĩa và mặt trận quốc tế rộng rãi ủng hộ sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam.
Ba là, với tinh thần “hòa hiếu”, ngoại giao đã mở rộng quan hệ đối ngoại của đất nước và đặt nền móng cho sự hòa giải với các nước đã từng tham chiến.
Bốn là, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói “muốn thành công thì phải biết trước mọi việc”, việc nghiên cứu, dự báo chiến lược của ngoại giao đã hỗ trợ đắc lực cho mặt trận đấu tranh chính trị và quân sự.
Những bài học trong kỷ nguyên vươn mình
Nền ngoại giao của Việt Nam có thể nói đã được thử thách, trui rèn trong thực tiễn vào những thời điểm lợi ích quốc gia - dân tộc bị đe dọa nghiêm trọng, để lại nhiều bài học này còn nguyên giá trị trong giai đoạn phát triển đất nước hiện nay.
Những thay đổi mang tính thời đại đòi hỏi những quyết sách mang tính cách mạng. Như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nói “trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, ngoại giao Việt Nam phải vươn lên những tầm cao mới để hoàn thành những trọng trách vinh quang mới, xứng đáng là đội quân tiên phong, binh chủng hợp thành của cách mạng Việt Nam”.
Thứ nhất là bài học bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc. Trong suốt cuộc kháng chiến, ngoại giao đã thấm nhuần lời Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 3 năm 1964 là ngoại giao “phải luôn luôn vì lợi ích của dân tộc mà phục vụ”.
Ngày nay, lợi ích quốc gia - dân tộc vẫn là kim chỉ nam cho hành động, là căn cứ quan trọng nhất để xác định hợp tác - đấu tranh trong ngoại giao.
Đồng thời trong thế giới phụ thuộc lẫn nhau như hiện nay, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc còn cần dựa trên cơ sở bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi, cùng phấn đấu vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội, dựa trên các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế.
Thứ hai là bài học về kết hợp nội lực với ngoại lực, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Trước đây, ngoại giao “tâm công” đã huy động được sự ủng hộ vô cùng to lớn cả về vật chất và tinh thần của nhân loại tiến bộ.
Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, ngoại giao “phục vụ phát triển” phải huy động các điều kiện, nguồn lực thuận lợi bên ngoài như các xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển, sự đồng thuận trong kiến tạo, củng cố thế giới đa cực, đa trung tâm, công bằng, bình đẳng, dựa trên luật pháp quốc tế.
Trong đó, ngoại giao có nhiệm vụ tiên phong khơi thông hợp tác với các quốc gia, tập đoàn hàng đầu; khai mở nguồn vốn, nguồn tri thức từ các trung tâm đổi mới sáng tạo; nâng cao vị trí của Việt Nam trong chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng toàn cầu…
Thứ ba là việc đặt đối ngoại vào vai trò, vị trí “trọng yếu, thường xuyên, tiên phong” trong bảo vệ những lợi ích quốc gia - dân tộc. Trong chiến tranh, Đảng ta đã có quyết sách chiến lược là xác định đối ngoại là một “mặt trận” cùng với chính trị và quân sự.
Trong giai đoạn hiện nay, trong bối cảnh thế giới biến động nhanh chóng, cạnh tranh, xung đột gia tăng, Đảng ta đã xác định cùng với quốc phòng và an ninh, đối ngoại phải đóng vai trò “trọng yếu, thường xuyên” trong bảo vệ đất nước từ sớm, từ xa, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, lãnh thổ, tạo dựng cục diện quốc tế hòa bình, ổn định, thuận lợi, tranh thủ các nguồn lực và điều kiện phục vụ phát triển đất nước.
Đặc biệt, ngoại giao phải nâng tầm, làm sâu sắc hơn khuôn khổ quan hệ với các đối tác để mở ra không gian an ninh và phát triển mới cho đất nước.
Thứ tư là bài học về hội nhập với thế giới, đặt đất nước vào dòng chảy chính của thời đại. Trước kia hội nhập là gắn dân tộc với ba dòng thác cách mạng, với sự nghiệp chung của các nước xã hội chủ nghĩa; ngày nay là hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện, đầy đủ, đưa hội nhập quốc tế trở thành động lực cho phát triển.
Theo đó, thực hiện thành công Nghị quyết 59/NQ-TƯ vừa qua về hội nhập quốc tế trong tình hình mới, cùng với Nghị quyết 18 về tổ chức, sắp xếp bộ máy và Nghị quyết 57 về phát triển khoa học, công nghệ và chuyển đổi số là “bộ ba chiến lược” của Đảng trong giai đoạn cách mạng mới này.
Đặc biệt đưa hội nhập trở thành sự nghiệp của toàn dân, trở thành “văn hóa tự giác” của người dân, doanh nghiệp, địa phương. Đây cũng chính là “chủ thể, lực lượng chủ công và đối tượng thụ hưởng” các lợi ích của hội nhập quốc tế.
Trong mỗi chiến thắng vĩ đại của dân tộc đều có sự đóng góp của ngoại giao. Trong kỷ nguyên đổi mới, ngoại giao đã tiên phong phá thế bao vây cấm vận, đưa đất nước hội nhập quốc tế mở ra giai đoạn phát triển mới của đất nước.
Với tư tưởng vượt thời gian, những bài học trong cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vẫn còn nguyên giá trị và tiếp tục soi đường cho ngoại giao bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển giàu mạnh của dân tộc.
Ngoại giao sẽ tiếp tục nỗ lực để phụng sự đất nước, phụng sự nhân dân, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc trong bối cảnh mới.