Ngoại giao văn hóa từ giao lưu đến hợp tác bền vững
Năm 2024, Bộ VH-TT-DL đã thúc đẩy ngoại giao văn hóa chuyển biến từ hình thức giao lưu đơn thuần sang hợp tác thực chất, thông qua 11 văn kiện hợp tác quốc tế được ký kết, trong đó có 2 thỏa thuận cấp Chính phủ. Các thỏa thuận này, như Chương trình hợp tác văn hóa Việt Nam - Pháp giai đoạn 2024-2028, đã mở ra cơ hội cho hàng loạt dự án cụ thể. Ví dụ, dự án phát triển ngành hoạt hình Việt Nam với sự tài trợ 160.000 Euro từ phía Pháp; dự án xây dựng cơ sở dữ liệu bối cảnh quay phim tại Việt Nam... là minh chứng rõ ràng cho hiệu quả hợp tác. Đây không chỉ là những nỗ lực tăng cường quan hệ quốc tế, mà còn đóng góp thiết thực vào sự phát triển của ngành văn hóa và công nghiệp sáng tạo trong nước. Quan trọng hơn, việc đặt ưu tiên vào hiệu quả thực hiện cam kết quốc tế giúp tăng tính minh bạch và hiệu quả trong hợp tác, tạo lòng tin với các đối tác.
Không chỉ tập trung vào hợp tác song phương, Việt Nam còn chủ động tham gia sâu rộng vào các cơ chế đa phương như UNESCO và ASEAN. Năm 2024, Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc vai trò tại các Ủy ban Liên Chính phủ của UNESCO và đưa ra sáng kiến tổ chức nhiều hoạt động văn hóa trong khu vực ASEAN. Các sáng kiến như Diễn đàn Giao lưu văn hóa nghệ thuật “Thanh niên với sắc màu văn hóa ASEAN” hay Triển lãm Tranh đồ họa ASEAN 2024, không chỉ thể hiện sự chủ động của Việt Nam mà còn khẳng định vai trò dẫn dắt trong các vấn đề văn hóa khu vực.
Lan tỏa hình ảnh Việt Nam hội nhập và phát triển
Trong năm 2024, các giá trị văn hóa của Việt Nam tiếp tục được quảng bá rộng rãi thông qua các chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Tiêu biểu là những sự kiện như chương trình biểu diễn nghệ thuật của các nghệ sĩ, giảng viên hàng đầu Việt Nam từng học tập và đào tạo tại Trung Quốc nhân chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Quốc hội đến Trung Quốc tháng 4-2024; Ngày Văn hóa Việt Nam tại Mông Cổ nhân chuyến thăm chính thức Mông Cổ của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm (tháng 10-2024) hay Diễn đàn Xúc tiến Du lịch và hợp tác văn hóa Việt Nam - Hàn Quốc...
Những hoạt động này không chỉ tăng cường tình hữu nghị mà còn thể hiện một Việt Nam giàu bản sắc và sẵn sàng hội nhập quốc tế. Đặc biệt, các hoạt động quảng bá tại Hàn Quốc đã thu hút sự quan tâm lớn, với 9 văn kiện hợp tác được ký kết trong các lĩnh vực như: du lịch thông minh, sản xuất phim, và phát triển âm nhạc.
Tương tự, Lễ hội Du lịch Văn hóa Việt Nam tại Trung Quốc đã tạo nền tảng cho quan hệ hợp tác văn hóa giữa hai nước phát triển hơn nữa, chuẩn bị cho “Năm giao lưu nhân văn Việt - Trung 2025”. Những hoạt động này không chỉ quảng bá hình ảnh đất nước, mà còn tạo động lực cho các ngành kinh tế như du lịch và công nghiệp sáng tạo.
Đối với Việt Nam, năm 2024 là thời điểm bản lề để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, đồng thời chuẩn bị cho Đại hội XIV của Đảng. Ngoại giao văn hóa, với vai trò là một phần không thể thiếu trong chiến lược phát triển quốc gia, đã đạt được những dấu ấn quan trọng, góp phần nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế.
Đẩy mạnh quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới
Ngoài các hoạt động phục vụ lãnh đạo, Bộ VH-TT-DL còn tổ chức thành công 11 chương trình tuần văn hóa, ngày văn hóa tại các quốc gia như Nga, Campuchia, Nhật Bản, Thụy Điển... Những chương trình này đã tạo cơ hội để bạn bè quốc tế hiểu rõ hơn về đất nước, con người, và văn hóa Việt Nam. Ví dụ, chương trình “Những ngày Văn hóa Việt Nam tại Liên bang Nga” với các hoạt động triển lãm, biểu diễn nghệ thuật và giới thiệu du lịch, không chỉ thắt chặt tình hữu nghị giữa hai nước mà còn mở ra cơ hội hợp tác mới. Tương tự, Tuần Văn hóa Việt Nam tại Campuchia đã tăng cường lòng tin giữa nhân dân hai nước láng giềng.
Cùng với đó, việc đón gần 30 đoàn làm phim quốc tế tới Việt Nam để quảng bá hình ảnh đất nước qua các kênh truyền thông lớn, là những điểm sáng như: CNN (Hoa Kỳ), KBS (Hàn Quốc); NTV, Ortus Japan (Nhật Bản); Needafixer (Anh); Kênh truyền hình ARD (Đức); Lighthearted Entertainment (Hoa Kỳ)... Đây là minh chứng cho sự hấp dẫn của Việt Nam với tư cách là một điểm đến văn hóa và du lịch.
Với mục tiêu trở thành điểm đến hấp dẫn của giao lưu văn hóa quốc tế, Việt Nam đã tổ chức nhiều sự kiện văn hóa - nghệ thuật quốc tế ngay trong nước. Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội, các buổi hòa nhạc của Dàn nhạc Trẻ thế giới, hay chương trình biểu diễn của Nhà hát Ballet Quốc gia Cuba đều nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ công chúng. Những sự kiện này không chỉ làm phong phú đời sống tinh thần của người dân mà còn khẳng định vị thế của Việt Nam như một trung tâm văn hóa chất lượng cao trong khu vực và trên thế giới.
Hợp tác quốc tế cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút nguồn lực hỗ trợ cho ngành văn hóa Việt Nam. Các chương trình học bổng, dự án đào tạo nhân lực chất lượng cao, hay sự tham gia của các doanh nghiệp quốc tế như Samsung Việt Nam trao 160 suất học bổng trị giá 700 triệu đồng cho sinh viên xuất sắc tại Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc và Đại học Thể dục Thể thao Bắc Ninh; Kumho Hàn Quốc hỗ trợ 27 suất học bổng trị giá 2,5 triệu đồng/sinh viên/kỳ; Pháp tài trợ 544.000Euro cho ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam và 700.000Euro cho hoạt động văn hóa; Thụy Sỹ tài trợ 103 tỷ đồng cho dự án du lịch bền vững ST4SD... Đây là minh chứng cho sự thành công của ngoại giao văn hóa.
Ngoại giao văn hóa năm 2024 đã tạo nên những dấu ấn mạnh mẽ, không chỉ góp phần nâng cao vị thế quốc gia mà còn thúc đẩy sự phát triển toàn diện trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, và du lịch. Với những thành tựu đạt được, Việt Nam đang tiếp tục khẳng định vai trò là một quốc gia hội nhập, phát triển và giàu bản sắc, tạo nền tảng vững chắc cho các mục tiêu trong năm 2025 và xa hơn.
PGS-TS TẠ QUANG ĐÔNG, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL